Cần xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo khi xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước

Thực tế cho thấy, hương ước, quy ước đã và đang khẳng định vị trí, vai trò trong xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò tự quản và xây dựng tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư; góp phần đưa pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống.

Điều đó giúp phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới...

Tuy nhiên, công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước còn một số hạn chế. Báo cáo tình hình xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư giai đoạn 1998 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2016 - 2020; Bộ Tư pháp nêu: Một số hương ước, quy ước có nội dung trái pháp luật, xâm phạm hoặc hạn chế quyền con người, quyền công dân, thiếu nét đặc trưng văn hóa, xã hội, phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục của địa phương. Việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước ở nhiều nơi còn hình thức, phong trào, kém hiệu quả. Hạn chế đó làm sai lệch bản chất, suy giảm vai trò, vị trí của hương ước, quy ước với tư cách là thiết chế tự quản của cộng đồng dân cư.

Ảnh minh họa

Nguyên nhân của hạn chế trên chủ yếu là do pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đã ban hành từ lâu; chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Thực tế cho thấy, Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg đặt ra các vấn đề có tính nguyên tắc, thể hiện chủ trương, quan điểm mà thiếu các quy phạm pháp luật cụ thể. Mặt khác, việc cho phép hương ước, quy ước được đề ra biện pháp phạt đối với người có hành vi vi phạm các quy định của hương ước, quy ước để bảo đảm thực hiện (vi phạm nghiêm trọng có thể áp dụng thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm trong phạm vi cộng đồng hoặc các biện pháp phạt…) trong Thông tư liên tịch số 03 chưa rõ.

Thực tế còn nhiều bản hương ước, quy ước quy định hình thức phạt tiền, thậm chí với mức cao hơn mức phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, làm ảnh hưởng đến hiệu lực điều chỉnh của pháp luật. Đến nay, trong quá trình xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tư pháp cho biết, một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau về áp dụng phạt tiền, phạt vật chất để xử lý những trường hợp vi phạm quy định trong hương ước, quy ước. Loại ý kiến thứ nhất không cho phép quy định các biện pháp phạt tiền, phạt vật chất trong hương ước, quy ước.

Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, phương án này có ưu điểm là hạn chế tình trạng “phạt vạ”, bảo đảm tính thượng tôn của pháp luật. Hiện nay pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tương đối đầy đủ, hoàn thiện, bao gồm Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và hơn 50 nghị định về xử phạt vi phạm hành chính. Như thế không cần thiết quy định các biện pháp phạt tiền, phạt vật chất trong hương ước, quy ước.

Loại ý kiến thứ hai cho phép quy định các biện pháp phạt tiền, phạt vật chất trong hương ước, quy ước. Biện pháp này có ưu điểm là hương ước, quy ước có hiệu lực thi hành cao hơn. Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn dễ gây ra sự nhầm lẫn với biện pháp phạt tiền theo pháp luật xử phạt vi phạm hành chính. Thực tế, một số nơi xảy ra lạm dụng quy định này dẫn đến tình trạng “phạt vạ”, “lệ làng”, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Nhiều bản hương ước, quy ước quy định biện pháp phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính đã được pháp luật quy định, thậm chí mức phạt cao hơn so với quy định pháp luật đối với một hành vi tương ứng...

Rõ ràng, vấn đề đặt ra là bên cạnh rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, cần xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo việc ban hành văn bản pháp lý cao hơn liên quan hương ước, quy ước phù hợp Hiến pháp năm 2013, phù hợp tình hình thực tế. Một trong những nội dung được Bộ Tư pháp quan tâm là tiến hành rà soát tổng thể các văn bản, chính sách về lĩnh vực này. Hơn nữa, sẽ nghiên cứu các mô hình tự quản của cộng đồng dân cư ở các nước trên thế giới để học tập. Từ đó đề xuất hướng hoàn thiện thể chế, chính sách cho mô hình tự quản này ở nước ta.

Quang Trung

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/can-xem-xet-ky-luong-thau-dao-khi-xay-dung-va-thuc-hien-huong-uoc-quy-uoc-120903.html