Cần xem xét, khoanh lại đối tượng được xóa nợ thuế

Thảo luận tại hội trường về Nghị quyết tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp tiền chậm nộp, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với chủ trương khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, chiều 1/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Quốc hội thảo luận tại hội trường

Đồng tình với việc ban hành Nghị quyết, nhiều đại biểu đề nghị cần xem xét, khoanh lại đối tượng được xóa nợ thuế. Thảo luận tại hội trường về Nghị quyết tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp tiền chậm nộp, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với chủ trương khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Đối với việc các doanh nghiệp thay đổi địa chỉ mà không báo cáo, cơ quan quản lý nhà nước không biết các doanh nghiệp đó hiện đang hoạt động ở đâu, còn kinh doanh hay không còn kinh doanh nữa.

Đại biểu Thái Trường Giang, (đoàn Cà Mau) đề nghị cần căn cứ vào hồ sơ, không có khả năng trả để xóa nợ chứ không phải chậm nộp là đương nhiên xóa nợ thuế. Bên cạnh đó cần khoanh lại những đối tượng mất khả năng nộp ngân sách Nhà nước.

Đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk)

Theo đại biểu Ngô Trung Thành, (đoàn Đắk Lắk), chỉ những đối tượng thực sự không còn khả năng nộp mới được cho miễn. Tuy nhiên trong 7 đối tượng nhóm đối tượng được miễn có đối tượng không xác định được địa chỉ kinh doanh. Trong thời điểm hiện nay, việc các doanh nghiệp hay hộ kinh doanh thay đổi địa chỉ kinh doanh là điều bình thường. Nhưng theo quy định của pháp luật, việc thay đổi địa chỉ kinh doanh phải báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước về đăng ký kinh doanh.

Theo đại biểu Ngô Trung Thành, khó có thể lý giải thuyết phục được lý do tại sao mà có tới gần 200.000 doanh nghiệp, gần 600.000 hộ gia đình, cá nhân đang kinh doanh mà bỗng dưng các cơ quan nhà nước không biết được họ đang ở đâu nữa? Việc này dẫn đến không chỉ Nhà nước không thu được thuế, gây thất thu cho ngân sách, mà hệ lụy còn gần 800.000 chủ thể hiện đang làm gì? Có vi phạm pháp luật hay không, chúng ta cũng không thể biết được.

Bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Nghị quyết xóa nợ thuế với đối tượng người đã mất, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, chủ doanh nghiệp đã mất thì người thừa kế phải có trách nhiệm phải nộp thuế chứ không thể được miễn. Cho nên khi xác định đối tượng được xóa nợ thuế cần thành lập hội đồng để xem xét xóa nợ thuế trong đó có sự tham gia của các thành phần: Hội đồng dân dân, Ủy ban nhân dân, hiệp hội doanh nghiệp, các đoàn thể chính trị. Bởi việc xử lý nợ thuế phải tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật, đúng hồ sơ, thủ tục để việc xóa nợ diễn ra công khai, minh bạch, và có sự giám sát của nhân dân là điều cần thiết.

Còn theo đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An), cần chỉnh sửa để đảm bảo việc xóa các khoản tiền phạt chậm nộp tiền chậm nộp chỉ được áp dụng cho những khoản nợ thuế phát sinh do bị thiên tai, tai nạn bất ngờ:

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá cân nhắc kỹ hơn đối với trường hợp đang nợ nghĩa vụ thuế tài chính liên quan đất đai, trên thực tế có nhiều trường hợp trốn nợ gốc có thể không lớn nhưng thời gian nợ kéo dài để làm cơ sở tính nghĩa vụ tài chính của giai đoạn trước so với giá trị trên thị trường hiện nay. Qua nghiên cứu hồ sơ dự thảo nghị quyết, ĐB cho rằng trong báo cáo giải trình đánh giá, chưa làm rõ được thực trạng nợ, nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai từ trước đến nay như thế nào. Vì vậy, việc cho phép xóa tiền phạt chậm nộp liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất đai, theo đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, cần cân nhắc kỹ hơn.

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang)

Đại biểu Trần Văn Lâm, (đoàn Bắc Giang) kiến nghị nguyên tắc xử lý nợ trong các trường hợp được khoanh xóa nhưng về sau phát hiện thấy việc khoanh xóa nợ không đúng quy định sẽ xóa quyết định xóa nợ, yêu cầu truy thu để đảm bảo sức răn đe, ngăn ngừa lợi dụng chính sách để sai phạm.

Tuy nhiên, trong các trường hợp xóa nợ thuế do gặp thiên tai, hỏa hoạn, lũ lụt, thảm họa bất ngờ, khi họ khắc phục khó khăn tiếp tục sản xuất cũng không nên truy thu nợ mà coi đó là khoản hỗ trợ để họ khắc phục khó khăn vươn lên sản xuất kinh doanh.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh)

Các đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc), đại biểu Trương Trọng Nghĩa, (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận, dự thảo Nghị quyết không thể chỉ xóa nợ thuế đơn thuần, cần phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc xóa nợ thuế, cơ chế giám sát để việc xóa nợ thuế diễn ra công minh, minh bạch đúng, quy định pháp luật.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: Khi Quốc hội ban hành Nghị định là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện xử lý nợ, không phải ban hành nghị quyết là xóa ngay được nợ mà phải căn cứ vào từng đối tượng, từng hồ sơ đáp ứng đầy đủ yêu cầu về hồ sơ, thủ tục thì mới được xử lý nợ:

Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Đối với tiền nợ thuế gốc vẫn tiếp tục theo dõi và được xử lý theo quy định Luật quản lý thuế. Nội dung xử lý nợ quy định trong Nghị quyết trình Quốc hội bám sát theo Luật Quản lý thuế số 38. Nghị quyết này áp dụng cơ chế như Luật quản lý thuế số 38 nhưng áp dụng nợ cho giai đoạn trước ngày 1/7/2020 để không làm phát sinh thêm nợ ảo, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp mà không thu hồi được, không còn đối tượng để thu hồi nợ.

Cũng trong chiều nay, các đại biểu quốc hội thảo luận tại hội trường, cho ý kiến về việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015./.

Mạnh Hùng

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/phap-luat/can-xem-xet-khoanh-lai-doi-tuong-duoc-xoa-no-thue-541353.html