Cần xem lại vai trò của giáo viên chủ nhiệm

Bạo lực học đường (BLHĐ) từ lâu đã không còn là hiện tượng lạ. Nhưng điều khiến chúng ta giật mình là mức độ của nó ngày càng nghiêm trọng, việc hành hung của các em ngày càng dã man... Làm thế nào để ngăn chặn được tình trạng này? Theo các chuyên gia, một trong những 'liều thuốc' quan trọng là vai trò của giáo viên chủ nhiệm (GVCN), nhưng hiện nay lại đang bị… xem nhẹ.

Điểm chung ở những vụ BLHĐ gần đây là mức độ ngày càng nghiêm trọng, nhiều vụ không diễn ra đơn lẻ mà có cả "hội đồng"... Ảnh: Internet

Điểm chung ở những vụ BLHĐ gần đây là mức độ ngày càng nghiêm trọng, nhiều vụ không diễn ra đơn lẻ mà có cả "hội đồng"... Ảnh: Internet

Hình phạt nào cho học sinh đánh bạn?

Vụ nữ sinh lớp 9, Trường THCS Phù Ủng (Hưng Yên), bị bạn đánh hội đồng đến mức phải nhập viện tâm thần điều trị, một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về vấn nạn BLHĐ.

Sự việc chưa lắng xuống, không lâu sau đó, 1 nhóm 5 nữ sinh Trường THCS Diễn Hùng và 2 nữ sinh của Trường THCS Diễn Kim, huyện Diễn Châu, Nghệ An (đang học lớp 7 và lớp 8) đưa 1 nữ sinh lớp 7 Trường THCS Diễn Hùng ra bãi biển, bắt bạn quỳ xin lỗi rồi đánh bằng cách tát vào mặt…

Dễ nhận thấy điểm chung ở những vụ BLHĐ gần đây là mức độ ngày càng nghiêm trọng, nhiều vụ không diễn ra đơn lẻ mà có cả "hội đồng". Nhiều vụ xảy ra gần đây khiến dư luận bức xúc, nhưng xử lý học sinh đánh bạn như thế nào cho phù hợp với lứa tuổi của các em thì không đơn giản.

Trong nghề đã 20 năm, cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) kể: Khi học sinh đánh nhau, thường thì ở Trường THPT Yên Hòa sẽ phạt học sinh vệ sinh lớp, vệ sinh trường. Tuy nhiên, đó chỉ là hình thức bề nổi. Chúng tôi vẫn rất quan tâm đến các giờ dạy Giáo dục công dân. Trước mỗi giờ học, các thầy, cô giáo trong trường đều trao đổi với tôi, nhờ tôi gỡ vướng những vấn đề của từng học sinh.

“Đuổi học thì rất dễ, nhưng làm sao mà giúp được học trò thay đổi nhận thức, những vấn đề tận sâu bên trong mới khó. Qua các giờ lên lớp, qua trao đổi với các em, tôi thấy học trò rất cô đơn. Các em luôn cần được chia sẻ cả với gia đình và thầy cô. Cả gia đình, nhà trường cần phối hợp nhuần nhuyễn hơn để các em được trang bị kỹ năng sống đầy đủ hơn, được dạy đạo đức nhiều hơn” - cô Nhiếp nói.

Là chuyên gia tâm lý, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội đồng ý rằng, không nên đuổi học học sinh tham gia vào BLHĐ. Đình chỉ một số ngày hoặc một tuần lễ là đúng, nhưng như thế các em lại không chịu trách nhiệm gì về hành vi của mình, khó có thể thay đổi hành vi.

TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, trong nhà trường, những học sinh tham gia BLHĐ nên có khung phạt hành chính, cái này bố mẹ phải chịu trách nhiệm. Hoặc phạt lao động, nhưng không phải là 1-2 ngày mà là phạt nhiều ngày để cho ngấm.

Ông cũng kiến nghị, ngành Giáo dục và công an cần nghiên cứu để tìm ra hình thức xử lý hợp lý, có tính chất răn re, nhưng tuyệt đối không được đuổi học học sinh.

GVCN đang bị… xem nhẹ

Là giáo viên dạy Ngữ Văn, đồng thời là GVCN tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cô Vũ Thị Tuyết Nga kể, thường những vấn đề tâm lý của học sinh không phải do gia đình phát hiện báo cho nhà trường mà do các GVCN qua quan sát các biểu hiện của học sinh, tâm sự với các con phát hiện và đề xuất đến phòng tâm lý trường học và Ban Giám hiệu can thiệp.

Nhấn mạnh đến vai trò của GVCN, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ, nhà trường luôn chú trọng đến việc bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ GVCN. Trong buổi họp phụ huynh, GVCN phải có những chia sẻ với phụ huynh về những thay đổi tâm sinh lý của học sinh, khuyến khích phụ huynh chủ động nhắn tin, gọi điện cho GVCN khi có những vướng mắc trong giáo dục con mình để cùng phối hợp giải quyết. Bên cạnh đó, GVCN cũng chủ động, thường xuyên trao đổi với phụ huynh tình hình học tập và những thay đổi tâm sinh lý của học sinh.

Từ thực tế đó có thể thấy rằng, vai trò của GVCN trong ngăn chặn BLHĐ là vô cùng quan trọng. TS. Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, người làm nên thành công của phòng, chống BLHĐ phải là GVCN, bởi GVCN là người kết nối giữa gia đình và nhà trường, nhưng trong nhà trường hiện nay, vai trò của GVCN lại đang bị xem nhẹ.

"Tôi kiến nghị, Hà Nội phải có chính sách riêng, cơ chế riêng cho GVCN. Như ở vụ việc Hưng Yên, việc kỷ luật Hiệu trưởng, GVCN là đúng về mặt trách nhiệm nhưng chưa thỏa đáng. Phải quay lại để nhìn nhận rằng GVCN đã được đào tạo chưa? Vai trò của GVCN đã được tôn trọng chưa?" - ông nói.

Hiện tại, 4 tiết GVCN không hề có kinh phí. Vì thế, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh, cần phải thay đổi chính sách. Luật Giáo dục cần phải đưa vào phần nhà giáo là có chức danh GVCN, họ phải là nhà sư phạm như thế nào, được tôn vinh ra sao, đãi ngộ như nào cần ghi rõ…

Hải Hà

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/giao-duc/can-xem-lai-vai-tro-cua-giao-vien-chu-nhiem_t114c8n146889