Cần xem lại hiệu quả đầu tư của các dự án hoàn thành

Trong ngày 29/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự toán ngân sách Nhà nước và đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phát biểu

Quan tâm đến thực tế dàn trải trong đầu tư công, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đánh giá, nhắc đến đầu tư công, từ “đầu tư dàn trải” trở nên quen thuộc đối với chúng ta.

ĐB Mai, nêu thực tế hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết về đầu tư công trung hạn, tổng múc đầu tư 2 triệu tỷ đồng cho 9.620 dự án. Ở rất nhiều địa phương, dự án dở dang, thiếu vốn là rất lớn. Đặc biệt với nguồn trái phiếu chính phủ, 64 tỉnh, thành phố, mỗi tỉnh, thành phố được phân bổ 1 dự án (trong khoảng 260.000 tỷ đồng).

“Hiếm ở quốc gia nào có phương pháp phân bổ là mỗi tỉnh, thành phố có một dự án. Kinh nghiệm các nước cho thấy, nguồn lực đầu tư từ phía Nhà nước hầu như chỉ tập trung vào các dự án có tính lan tỏa, toàn xã hội. Ví dụ như ở Australia đầu tư vào sân bay và một số dự án lớn”, bà Mai nói.

Theo bà Mai, mong muốn của các địa phương là chính đáng, nhu cầu là cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực khó khăn, nợ công cao, bội chi lớn, bắt buộc chúng ta phải chọn tập trung, tránh dàn trải.

Công bằng là nguyên tắc quan trọng trong phân bổ ngân sách, tuy nhiên công bằng không có nghĩa là cào bằng, có trọng tâm không có nghĩa là chỉ một số dự án, địa phương được chú trọng mà cần có trật tự ưu tiên phù hợp, có lộ trình.

Bà Mai cho rằng, thời gian tới cần cương quyết thay đổi cách phân bổ nguồn lực, thay đổi trật tự ưu tiên ở các văn bản pháp luật. Bà cũng đề xuất, các dự án cần có sự phối hợp liên kết chặt chẽ của nhiều địa phương trong cùng khu vực, để lan tỏa. Bên cạnh đó, cần nâng cao công tác quy hoạch. Nhà nước chỉ thực hiện đầu tư ở ngành mà tư nhân không thể, không muốn đầu tư. Cần xem lại hiệu quả đầu tư của các dự án hoàn thành.

“Xét kết quả đầu ra, không phải dự án nào cũng hiệu quả. Chúng ta không có câu trả lời về sự hiệu quả cao, thấp hay không hiệu quả. Ngay từ khi lựa chọn dự án thì phải đánh giá đầu ra và hiệu quả. Tăng cường công tác giải trình và giám sát. Việc đánh giá những bất cập ngày hôm nay là tạo tiền đề cho những bước hiệu quả trong thời gian tới”, bà Mai nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, theo kế hoạch của Chính phủ, 2 năm còn lại tất cả các nguồn vốn bố trí để chi đầu tư của Trung ương từ thu, vay, thoái vốn cổ phần chỉ được 440 ngàn tỉ đồng. “Dự toán năm 2019 còn 197 ngàn tỉ. Đến năm 2020 trên nền vận động cao thì được 217 ngàn tỉ. Kết nối hai năm nỗ lực được 414 ngàn tỉ. Thiếu gần 60 ngàn cho các dự án đã có danh mục, số vốn đã phân bổ trung hạn”, ông Hàm nêu thực tế.

Ông Hàm cho rằng, nếu sử dụng tiếp dự phòng của Trung ương thì sẽ thiếu khoảng 150 ngàn tỉ. Theo phương án của Chính phủ thì các dự án được ghi tên vào góp vốn cụ thể theo kế hoạch trung hạn phần ngân sách của trung ương phải cắt giảm 60 ngàn tỉ.

“Nếu sử dụng tiếp dự phòng các dự án này cắt giảm sâu hơn 150 ngàn tỉ, dẫn đến các dự án chậm tiến độ, dàn trải đồng thời gá chân thêm vào các dự án mới làm tăng thêm mức độ dàn trải vi phạm luật đầu tư công. Phá vỡ thành quả của cơ cấu lại chi đầu tư với thành tựu nổi bật chống dàn trải hoạt động dựa trên nguyên tắc được luật định chỉ quyết định dự án khi cân đối về nguồn. Cách làm này sẽ tạo áp lực cho các giai đoạn sau. Đồng thời hợp thức hóa nhu cầu bằng các cam kết bố trí vốn trung hạn khi thực tế hàng năm không cân đối đủ nguồn tọa cơ chế xin cho”, Theo Hàm cảnh báo.

Phạm Diệu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-tri/can-xem-lai-hieu-qua-dau-tu-cua-cac-du-an-hoan-thanh-420337.html