'Cần xây dựng niềm tin chính trị để xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu'

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang cho rằng cần xây dựng niềm tin chính trị vững chắc trong lòng đồng bào người dân tộc thiểu số, để từ đó từng bước xóa bỏ một số hủ tục.

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang chia sẻ với báo chí. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang chia sẻ với báo chí. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội sáng 1/11, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang cho rằng cần xây dựng niềm tin chính trị vững chắc trong lòng đồng bào người dân tộc thiểu số, từ đó từng bước xóa bỏ một số hủ tục, tập quán lạc hậu, không chỉ không phù hợp mà còn là gánh nặng cho đồng bào.

Rà soát lại 118 chính sách

- Thưa Thiếu tướng, là người dân tộc thiểu số, ông có đánh giá gì về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn?

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò: Theo nhận thức của cá nhân, tôi thấy Đề án của Chính phủ “đúng rồi trúng rồi.” Đảng ta đã xác định dân tộc là vấn đề chiến lược, sống còn của đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau khi được Quốc hội thông qua Đề án, Chính phủ cho rà soát lại 118 chính sách cho đồng bào dân tộc vùng miền núi. Cái nào không phù hợp thì loại bỏ, không nên để nhiều chính sách chồng chéo, khó tổ chức thực hiện.

Theo tôi, Đề án chỉ nên xác định những vấn đề lớn, những khung lớn mang tính chất định hướng chiến lược. Những vấn đề khác nên phân cấp, giao quyền cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chủ động. Lý do là mỗi vùng miền có điều kiện địa hình, thời tiết, văn hóa khác nhau. Vì thế nên giao cho các địa phương chủ động xây dựng lộ trình phù hợp với từng điều kiện cụ thể.

Một ý nữa mà tôi muốn nói là khi thực hiện chủ trương 1 thì biện pháp phải là 10. Cho nên, phải lựa chọn đội ngũ cán bộ thực sự là những người có trình độ, có năng lực, tâm huyết. Có như vậy, khi xuống bàn bạc với người dân mới hiểu và xây dựng các tiểu dự án trong đề án để tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, phải làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân. Với người dân cần bàn bạc cụ thể, tránh gây bức xúc...

Xóa bỏ một số hủ tục tập quán lạc hậu

- Trước các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội về Đề án cần có sự bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số, Thiếu tướng có bình luận gì?

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò: Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu về bình đẳng giới trong tổng thể của đề án này.

Thực tế, muốn làm được điều này, chúng ta phải tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng nếp sống văn hóa mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, chúng ta cần xây dựng niềm tin chính trị thật sự vững chắc trong lòng đồng bào. Từ đó từng bước xóa bỏ một số thủ tục tập quán lạc hậu, không còn phù hợp và vẫn đang là gánh nặng cho người dân.

Ví dụ như đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào Mông nói riêng ở Hà Giang, người phụ nữ có vai trò quan trọng trong gia đình, nhưng trong dòng họ thì phụ nữ không có vai trò gì cả, tất cả là do những người đàn ông quyết định.

- Nhiều ý kiến cho rằng, Đề án được thông qua sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là vấn đề cơ sở hạ tầng giao thông. Theo Thiếu tướng, giao thông miền núi Tây Bắc hiện đang có những vấn đề gì cần cải thiện?

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò: Thời gian qua, giao thông luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Chúng tôi cũng rất chia sẻ với nhiều khó khăn về giao thông đi lại giữa các vùng trong cả nước, nhất là từ Hà Nội đi các tỉnh vùng Tây Bắc.

Có thể khẳng định, đến nay đường giao thông ở vùng Tây Bắc (từ tỉnh xuống các huyện) đã cơ bản thông suốt, nhưng đường từ huyện xuống xã ở nhiều nơi còn nhiều vấn đề. Mặc dù nhiều tuyến đường nhân dân đi lại được cả 4 mùa, nhưng để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội thì còn rất nhiều khó khăn.

Đặc biệt, nhiều tuyến đường giao thông ở các thôn, bản, vùng sâu, vùng xa chưa được đầu tư đã gây ách tắc trong việc vận chuyển, đi lại của người dân. Nhân dân có ý định làm nhà cửa, nhưng không có đường để vận chuyển vật liệu, đành phải dùng sức người để vận chuyển.

Hay như đường tuần tra biên giới cũng rất khó khăn, nhất là đường biên giới giáp ranh giữa các tỉnh với nhau.

Ví dụ như ở địa bàn Tây Bắc, nơi có Cột mốc 519 tiếp giáp giữa hai tỉnh Cao Bằng và Hà Giang, tuy cách nhau chỉ khoảng 6-7 km, nhưng khi muốn trao đổi, đi lại với nhau rất khó khăn do ở đây vách đá dựng đứng, không có đường đi. Cho nên, khi cán bộ, chiến sĩ biên phòng Hà Giang muốn sang Cao Bằng phải đi vòng từ huyện Mèo Vạc (Hà Giang) sang huyện Bảo Lâm (Cao Bằng), cả đi lẫn về gần 200 km.

- Hiện nay các tỉnh đã hoàn thành chương trình nông thôn mới, trong đó vai trò của lực lượng vũ trang rất quan trọng. Là địa phương khó khăn như Hà Giang, vai trò của bộ đội đã giúp cho đồng bào xây dựng nông thôn mới như thế nào?

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò: Thời gian qua, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, các lực lượng vũ trang (quân đội, công an, biên phòng) đã có Nghị quyết chỉ đạo đến tận các đơn vị, cơ sở; cử cán bộ trực tiếp xuống các điểm khó khăn giúp cấp ủy, chính quyền địa phương, các xã biên giới để tập trung phát huy sức mạnh đoàn thể, sức mạnh của dân. Từ đó tháo gỡ khó khăn cho đồng bào.

Ví dụ Nhà nước cho xi măng, người dân thì đóng góp vật liệu cát, sức lao động để tạo ra những con đường giúp đồng bào đi lại tốt hơn.

Nhờ có đường giao thông đi lại thuận lợi hơn nên đến nay cũng đã chuyển đổi được một phần cơ chế cơ cấu kinh tế. Những vùng trước đây khó khăn không thể trồng trọt được thì đến nay Nhà nước, các lực lượng vũ trang cũng đã phối hợp, hỗ trợ, giúp người dân có thêm cơ hội làm ăn, phát triển.

- Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Nhóm PV (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/can-xay-dung-niem-tin-chinh-tri-de-xoa-bo-hu-tuc-tap-quan-lac-hau/604996.vnp