Cần xây dựng khuôn khổ pháp lý đối với tiền mật mã

LTS: Từ ngày 18 đến 21-1-2021, Báo Sài Gòn Giải Phóng đăng loạt bài 'Đầu tư tiền kỹ thuật số - Thương vụ hay canh bạc', phản ánh thực trạng hoạt động đầu tư kinh doanh tiền kỹ thuật số tại Việt Nam. Qua đó cho thấy, công nghệ chuỗi khối nói chung, tiền kỹ thuật số nói riêng là một xu hướng dựa trên thành tựu khoa học công nghệ không thể đảo ngược, do vậy cần có một chiến lược, khuôn khổ pháp lý phù hợp để tận dụng, phát huy lợi thế và giảm thiểu những mặt trái trong lĩnh vực này.

Báo SGGP giới thiệu bài viết của TS Trần Hùng Sơn, công tác tại Trường Đại học Kinh tế Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), thành viên Hội đồng Công trình nghiên cứu “Xây dựng khung pháp lý cho phát triển công nghệ tài chính: kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”.

Hiện Việt Nam chưa có khuôn khổ pháp lý, chưa công nhận tiền kỹ thuật số (hay còn gọi là tiền mật mã) là công cụ thanh toán. Vấn đề đặt ra, công cụ pháp lý nào để phù hợp với thời đại công nghệ số, giúp Nhà nước quản lý được hoạt động trung gian tiền mật mã, tránh thất thu cho ngân sách, vừa bảo vệ được người dùng.

Hoạt động ngầm tại Việt Nam

Tiền mật mã (cryptocurrency) có nhiều dạng khác nhau, nhưng có điểm chung là dựa trên công nghệ phi tập trung, được gọi là blockchain và được mã hóa. Tiền mật mã có nhiều tên gọi ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, như tiền kỹ thuật số (Argentina, Thái Lan, Úc), hàng hóa ảo (Canada, Trung Quốc, Đài Loan), crypto-token (Đức), token thanh toán (Thụy Sĩ), cyber currency (Ý, Lebanon), tiền điện tử (Colombia, Lebanon), tài sản ảo (Honduras, Mexico) và tiền ảo (Việt Nam).

Nhiều group chat liên quan tiền ảo được lập trên mạng xã hội

Nhiều group chat liên quan tiền ảo được lập trên mạng xã hội

Các loại tiền mật mã trên thế giới như Bitcoin, Ethereum, Litecoin và Ripple... đều đã xuất hiện và được giao dịch tại Việt Nam, cùng với đó là các mô hình kinh doanh tiền mật mã. Có thể nói, mặc dù chưa được pháp luật thừa nhận (Ngân hàng Nhà nước không công nhận tiền mật mã là phương tiện thanh toán; Bộ Công thương không công nhận tiền mật mã là hàng hóa, dịch vụ; Bộ Tư pháp không công nhận tiền mật mã là loại tài sản) nhưng tiền mật mã đã và đang trở thành những tài sản, phương tiện thanh toán, công cụ đầu tư, phương thức huy động vốn tại Việt Nam.

Chính vì thiếu vắng một khuôn khổ pháp lý đối với tiền mật mã, đã gây ra các khó khăn trong việc quản lý hoạt động liên quan đến tiền mật mã như thất thu thuế, các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động lừa đảo thông qua giao dịch tiền mật mã. Vụ việc được biết đến đầu tiên liên quan đến tiền mật mã là vụ kiện truy thu thuế tại tỉnh Bến Tre (vào tháng 9-2013). Theo đó, vì không đủ cơ sở pháp lý nên Cục Thuế tỉnh Bến Tre đã không thể truy thu thuế của nhà đầu tư. Ngoài ra, các hoạt động liên quan đến tiền mật mã sau này có liên quan tới hoạt động lừa đảo, chẳng hạn, trong năm 2018 lãnh đạo Công ty CP Modern Tech bị tố cáo đã chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng của nhà đầu tư tiền mật mã iFan, Pincoin. Thực tiễn này đặt ra các vấn đề liên quan đến việc cần xây dựng khuôn khổ pháp lý đối với tiền mật mã tại Việt Nam, nhằm đảm bảo việc điều tiết của cơ quan quản lý, nhưng vẫn phát triển ứng dụng công nghệ liên quan trong lĩnh vực tài chính.

Thừa nhận để quản lý - kinh nghiệm các nước

Để quản lý tiền mật mã, trước hết, Việt Nam cần phân loại tiền mật mã theo các chức năng kinh tế như kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới, bao gồm: (1) phương tiện thanh toán và trao đổi; (2) công cụ đầu tư/chứng khoán; (3) công cụ tiện ích. Dựa trên phân loại theo chức năng kinh tế sẽ có các quy định phù hợp. Chẳng hạn, ở New Zealand, các quy định cụ thể có thể áp dụng tùy thuộc vào việc phân loại tiền mật mã là chứng khoán nợ hay chứng khoán vốn, sản phẩm đầu tư hay công cụ phái sinh. Tương tự, ở Hà Lan, các quy tắc áp dụng cho việc phát hành tiền mật mã lần đầu (ICO) phụ thuộc vào việc tiền mật mã được coi là chứng khoán hay công cụ đầu tư, việc đánh giá được thực hiện theo từng trường hợp. Trong khi đó, đảo Man và Mexico cho phép sử dụng tiền mật mã làm phương tiện thanh toán.

Ngoài ra, việc phân loại tiền mật mã cũng tạo điều kiện thuận lợi cho mục đích thuế. Ví dụ, Israel đánh thuế tiền mật mã như tài sản; Bulgaria đánh thuế như tài sản tài chính; Thụy Sĩ đánh thuế như ngoại tệ; Argentina và Tây Ban Nha đánh thuế thu nhập; Đan Mạch đánh thuế thu nhập và được giảm trừ nếu thua lỗ; Anh đánh thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập (đối với công ty không có tư cách pháp nhân) và thuế lãi vốn (đối với cá nhân).

Trong quá trình xây dựng khuôn khổ quản lý các loại tiền mật mã, nguyên tắc chung nên được áp dụng đó là: “Rủi ro giống nhau, hoạt động giống nhau thì cùng chịu các quy định điều tiết như nhau”. Theo đó, tiền mật mã và các sản phẩm tài chính truyền thống có chức năng kinh tế như nhau thì chịu các quy định như nhau vì mục đích quản lý thận trọng. Theo khuôn khổ quản lý thận trọng, việc thiết kế chính sách không nên theo hướng ủng hộ hoặc ngăn cấm các công nghệ cụ thể liên quan đến tiền mật mã. Ngoài ra, khuôn khổ này cần tính đến các rủi ro phát sinh thêm liên quan đến đặc tính độc đáo của tiền mật mã, cũng như các yếu tố khác của tiền mật mã có liên quan với các công cụ tài chính truyền thống.

Ngoài ra, việc xây dựng khuôn khổ quản lý các loại tiền mật mã cần đơn giản và linh hoạt; tránh việc phức tạp hóa các yêu cầu, quy định. Và, nếu thích hợp, khuôn khổ quản lý nên xây dựng dựa trên các quy định hiện có, đặc biệt đối với loại tiền mật mã có chức năng kinh tế và rủi ro tương đương các loại tài sản khác, nhằm duy trì tính nhất quán của các quy định hiện hành. Ngoài ra, có thể đưa các quy định quản lý riêng cho các loại tiền mật mã (đã tồn tại nhiều năm) được xem là có “rủi ro cao” do đặc điểm của loại tiền này, nhưng đồng thời vẫn đánh giá rủi ro của các loại tiền mật mã khác dựa trên sự phát triển của chúng.

Cuối cùng, theo khuyến cáo của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), cũng như kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, cần giám sát chặt chẽ các ngân hàng trong hoạt động liên quan đến tiền mật mã. Theo BIS, có một số kênh truyền dẫn rủi ro của tiền mật mã lên hệ thống ngân hàng, chẳng hạn, trực tiếp phát hành tiền mật mã, sở hữu trực tiếp tiền mật mã, cho vay đầu tư tiền mật mã, cho sử dụng tiền mật mã làm tài sản đảm bảo, cho vay các tổ chức giao dịch trực tiếp tiền mật mã, bảo lãnh phát hành tiền mật mã lần đầu…

Theo quy định tại Nghị định 80/2016/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, chỉ thừa nhận séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là phương tiện thanh toán hợp pháp. Còn các phương tiện thanh toán khác là không hợp pháp.

Do vậy, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Nếu người dân phát hành, tàng trữ, cung ứng sử dụng chúng như một phương tiện thanh toán thì sẽ bị xử phạt hành chính đến 200 triệu đồng; hoặc gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100 - 300 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017).

LS Nguyễn Tuyết Nhung (Đoàn Luật sư TPHCM)

TS TRẦN HÙNG SƠN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/can-xay-dung-khuon-kho-phap-ly-doi-voi-tien-mat-ma-710137.html