Cần xây dựng bộ tiêu chuẩn cho sản phẩm công nghiệp chủ lực

Ngành công thương cùng với cộng đồng doanh nghiệp tập trung bàn thảo, đưa ra những giải pháp cụ thể và phù hợp xây dựng nên bộ tiêu chuẩn để tạo ra sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố. Đây là công việc cấp bách nhưng phải thực thi một cách khoa học, trí tuệ và mang lại hiệu quả với tính bền vững cao.

Chế biến thực phẩm là một trong những ngành có ưu thế để phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP. Hồ Chí Minh trong tương lai

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh tại Hội thảo “Xây dựng chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP. Hồ Chí Minh”, do Sở Công Thương thành phố tổ chức sáng ngày 25/7.

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp nhận định, doanh nghiệp cần phải xác định sản phẩm chủ lực còn nhà nước đóng vai trò hoạch định chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất sản phẩm chủ lực. Đây là chủ trương lớn, chiến lược xây dựng và phát triển một sản phẩm công nghiệp chủ lực không thể tự mỗi doanh nghiệp thực hiện mà phải có sự hợp lực, kết nối của cả cộng đồng doanh nghiệp đặt dưới sự hỗ trợ về cơ chế, về chính sách của nhà nước.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, trước năm 2015, TP. Hồ Chí Minh chọn ra 15 sản phẩm chủ lực được điểm danh như nước giải khát Tribeco, đệm Kim Đan…nhưng đến nay có những sản phẩm tồn tại và không tồn tại nhưng chưa có một loại hàng hóa nào đúng nghĩa là sản phẩm chủ lực của thành phố cả.

Theo bà Chi, khi khởi động xây dựng chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố cần có những tiêu chí xét chọn phù hợp với thực tiễn. Bởi trên thực tế nhiều sản phẩm của ngành có giá trị gia tăng cao, thị phần lớn tại nội địa và xuất khẩu nhưng theo tiêu chí sản phẩm chủ lực của thành phố thì không đạt.

Tổng giám đốc SAMCO Trần Quốc Toản, cho rằng, sản phẩm chủ lực của thành phố nên tập trung vào sản phẩm đầu cuối kết hợp dự báo phát triển ngành. Theo đó các sản phẩm chủ lực phải gắn với TP. Hồ Chí Minh, dựa trên nền tảng thành phố xây dựng cơ chế đi kèm nhằm tạo khoảng trống thị trường nhất định để sản phẩm chủ lực có cơ hội phát triển bền vững. Chẳng hạn, SAMCO đã sản xuất được xe buýt chạy bằng gas rất tốt có thể xuất khẩu được nhưng lại chưa phát triển được ở thị trường trong nước, do chưa có cơ chế để sản phẩm này sử dụng rộng rãi từ chính sách của nhà nước.

“Một trong những vấn đề doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp quan tâm hiện nay là TP.Hồ Chí Minh phải xác định sản phẩm chủ lực để có định hướng hỗ trợ phù hợp, tăng nội lực cạnh tranh.Xác định sản phẩm chủ lực phải là sản phẩm thuần Việt, bên cạnh đó cần phải tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến, phát triển thương hiệu”, ông Toản đề xuất.

Tiến sỹ Huỳnh Thế Du phân tích, cần nhìn lại vai trò của nhà nước, không nên chọn ngành chỉ dừng lại định hướng thị trường. Định hướng xây dựng chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực của nên chú trọng tập trung vào những ngành thành phố ưu tiên phát triển. Cùng với cơ chế hỗ trợ cho những ngành đang có tiềm năng phát triển mạnh trên thị trường cần có thêm phương thức hỗ trợ mang tính chất gián tiếp như phát triển công nghệ sản xuất, tạo nguồn nhân lực, khoảng trống thị trường ...để tiếp sức cho doanh nghiệp phát triển.

Nhiều đại biểu đề xuất, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ số đòi hỏi xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu, cách chọn ngành nên tập trung vào lĩnh vực dịch vụ và chế tạo có giá trị gia tăng cao và dự báo tốt về tuổi thọ của sản phẩm. Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực không nhất thiết là một sản phẩm cụ thể mà có thể là một nhóm hàng đồng thời loại bỏ những rào cản “ngáng đường” phát triển của doanh nghiệp.

Đại diện Tổng công Dệt may 28 (Bộ Quốc Phòng) cho biết, công ty đưa ra thị trường nội địa một thương hiệu thời trang cao cấp và mở 82 cửa hàng trong hệ thống kinh doanh của Vincom. Công ty hiện đang mặc kẹt một vấn đề không giống ai khi doanh nghiệp mở một cửa hàng với 4 nhân viên nhưng nhiều địa phương đã bắt buộc doanh nghiệp phải thành lập một chi nhánh để quản lý cửa hàng đó nên giải pháp cuối cùng là dẹp cửa hàng.

“Việc địa phương yêu cầu lập chi nhánh là đóng góp thuế cho địa phương, trong khi doanh nghiệp đã đóng thuế của các cửa hàng này đầy đủ cho ngành thuế tại TP. Hồ Chí Minh. Việc này công ty đã nhiều lần đề nghị với Cục Thuế và cả Bộ Tài Chính nhưng vẫn chưa được khai thông làm cho doanh nghiệp không thể mở rộng thị trường”, vị này bức xúc nêu.

UBND TP. Hồ Chí Minh hiện đã chấp thuận chủ trương thực hiện Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu 2018. Hiện ngành công thương thành phố đã nhận được 42 hồ sơ của 28 doanh nghiệp đăng ký tham gia bình chọn.

Thế Vĩnh

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/can-xay-dung-bo-tieu-chuan-cho-san-pham-cong-nghiep-chu-luc-106440.html