Cần vinh danh xứng đáng áo dài Việt Nam

Trải qua các thời kỳ lịch sử, tà áo dài truyền thống Việt Nam với các hình thức thiết kế, mầu sắc đa dạng và phong phú đã ra mắt bạn bè năm châu trong các cuộc thi sắc đẹp, sự kiện chính trị, văn hóa nghệ thuật; được xem như quốc phục với bao niềm tự hào, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Áo dài chính là bản sắc văn hóa dân tộc; là đặc trưng dễ nhận thấy nhất để phân biệt người phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, việc bảo vệ chiếc áo dài nói riêng và di sản văn hóa dân tộc nói chung đang còn gặp nhiều trở ngại, thách thức.

Thời gian qua, rất nhiều giải pháp được đề cập, nhưng cuối cùng vẫn chưa đưa ra một chiến lược hiệu quả trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của áo dài. Cách đây bảy năm, cùng với sự ra đời Bảo tàng Áo dài ở TP Hồ Chí Minh, Chi hội Di sản văn hóa đã đề xuất với Hội Di sản văn hóa thành phố xây dựng hồ sơ xin công nhận áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, để có được “danh phận” về mặt pháp lý. Song việc đó không thành vì vướng những quy định bất cập do chính cơ quan quản lý văn hóa đặt ra. Cụ thể, Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh trả hồ sơ với lý do áo dài là của cả nước. Tiếp tục đưa lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL), hồ sơ lại vướng hai rào cản: thứ nhất, không thể công nhận di sản văn hóa cho áo dài mà chỉ có thể công nhận nghề may áo dài đã tạo nên kiểu dáng độc đáo và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đó là công nhận theo hệ thống ngành nghề truyền thống. Thứ hai, là khi công nhận ngành nghề truyền thống, hồ sơ lại vướng vào quy định nghề đó phải có nhiều nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú với những quy định rắc rối khác mà giới nghệ nhân không quan tâm, tham gia. Nhiều ý kiến lại đặt vấn đề cần đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho áo dài Việt như một cách tự vệ trên thị trường quốc tế. Song cách làm này gần như không khả thi vì việc bảo hộ kiểu dáng thời trang gắn liền với những mẫu thiết kế, nhà thiết kế cụ thể, không thể áp dụng với một loại áo chung chung và càng không thể áp dụng trên toàn cầu.

Một giải pháp khác là công nhận “quốc phục” cho áo dài, khi năm 2013, Bộ VH,TT và DL từng khởi động Dự án chọn lễ phục nhà nước. Dự án này được làm rất công phu với các hội thảo tổ chức ở ba miền, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà văn hóa, lịch sử; thi thiết kế bộ lễ phục với sự tham gia của nhiều nhà thiết kế. Tuy nhiên, kết quả không được như mong đợi bởi trong khi mẫu lễ phục nữ được 100% ý kiến chọn là áo dài thì bộ lễ phục cho nam giới còn nhiều ý kiến khác biệt. Khi trình lên Chính phủ vào năm 2014, đề án phải dừng lại bởi chưa tìm được lễ phục nam giới và một số lý do khác. Vì vậy, mặc dù áo dài nhận được sự đồng thuận rất lớn của xã hội nhưng vẫn chưa có văn bản cụ thể nào công nhận là lễ phục. Còn trước những đề xuất làm hồ sơ trình UNESCO ghi danh áo dài vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể, Bộ VH, TT và DL cho biết, nếu muốn được UNESCO ghi danh, trước hết áo dài phải là Di sản phi vật thể quốc gia.

Vừa qua, một sự kiện khiến dư luận trong nước bức xúc, là việc một tờ báo nước ngoài đăng nhiều hình ảnh mẫu nữ trình diễn trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam cùng chú thích đó là phong cách thời trang của nước họ. Nỗi lo áo dài Việt trước nguy cơ, đe dọa về “bản quyền” là có thật, chúng ta cần sớm có hành động bảo vệ, khẳng định đó là di sản của dân tộc. Mới đây, Bộ VH, TT và DL cho biết đã làm việc với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; dự kiến Hội có thể là đơn vị đứng ra làm hồ sơ đề nghị công nhận áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam; trong năm 2020 sẽ cố gắng làm đủ quy trình, thủ tục để công nhận.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc trở nên vô cùng quan trọng, cấp thiết. Hy vọng thời gian tới, ngành văn hóa sẽ tích cực hơn trong việc phối hợp các cấp, ngành cùng sự hưởng ứng của cả xã hội để sớm có những chủ trương, hành động thiết thực nhằm bảo vệ và tôn vinh giá trị áo dài, một nội dung không thể thiếu trong chiến lược xây dựng thương hiệu văn hóa quốc gia.

PHƯƠNG LIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dien-dan/item/43197802-can-vinh-danh-xung-dang-ao-dai-viet-nam.html