Cần vận dụng đúng luật trong giải quyết tranh chấp lao động

Trong thời gian qua, các vụ án lao động do tòa án nhân dân 2 cấp của tỉnh thụ lý và giải quyết khá nhiều. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số bất cập, vướng mắc trong việc vận dụng các quy định pháp luật trong xét xử án lao động, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết các vụ án.

Người lao động đến Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) nhờ hỗ trợ pháp lý để đòi quyền lợi khi tranh chấp lao động với doanh nghiệp. Ảnh:D.Quỳnh

Người lao động đến Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) nhờ hỗ trợ pháp lý để đòi quyền lợi khi tranh chấp lao động với doanh nghiệp. Ảnh:D.Quỳnh

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho biết, với án lao động không có oan sai mà chỉ có án sai nhưng với số lượng không nhiều. Một trong những nguyên nhân là do hệ thống văn bản pháp luật lao động chưa đáp ứng hết nhu cầu thực tiễn trong giải quyết tranh chấp lao động; một số quy định pháp luật chưa rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau...

* Còn nhiều bất cập

Bà Nguyễn Thị Như Ý phân tích, Khoản 4, Điều 36 Bộ luật Lao động quy định, người lao động phải đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định (55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam) mới được nghỉ hưu. Trong khi đó, một số thẩm phán lại cho rằng, chỉ cần người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định thì công ty có quyền chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo Khoản 4, Điều 36 Bộ luật Lao động. Cách hiểu này là không chính xác, gây thiệt thòi cho người lao động.

Từ năm 2017 đến tháng 8-2019, tòa án nhân dân 2 cấp của tỉnh thụ lý trên 575 vụ án lao động, trong đó đã giải quyết được 214 vụ. Riêng năm 2018, tòa án cấp sơ thẩm thụ lý 234 vụ án lao động.

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) nêu sự bất cập như sau, Bộ luật Lao động quy định 10 trường hợp chấm dứt HĐLĐ tại Điều 3 nhưng chỉ có 1 điều luật quy định hậu quả của việc chấm dứt HĐLĐ trái luật. Cụ thể là Điều 42 quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật. Điều đó dẫn tới việc khi người lao động khởi kiện về việc doanh nghiệp chấm dứt HĐLĐ do thay đổi cơ cấu, tổ chức không đúng quy định thì bị tòa án bác đơn. Một số cơ quan tòa án cho rằng, doanh nghiệp không đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật mà do doanh nghiệp thay đổi cơ cấu tổ chức nên người lao động không được quyền khởi kiện về việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ.

Cũng theo luật sư Vũ Ngọc Hà, theo quy định của Bộ luật Lao động thì thời gian giải quyết vụ án lao động là 2 tháng hoặc không quá 3 tháng nếu vụ án có tính phức tạp, trở ngại khách quan, nhưng thực tế không có vụ án nào đảm bảo đúng thời gian quy định. Có vụ án đơn giản nhưng thời gian giải quyết kéo dài đến vài năm. Việc này gây khó khăn cho người lao động và cán bộ Công đoàn tham gia tố tụng bảo về quyền lợi cho người lao động tại tòa.

* Tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi luật

Luật sư Lê Tấn Tý, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn bày tỏ, thực tế hệ thống pháp luật lao động hiện nay rất phức tạp, ngoài Bộ luật Lao động hiện hành có khoảng 400 nghị định, thông tư và các văn bản hướng dẫn thi hành. Để tập hợp hết hệ thống văn bản pháp luật này là việc rất khó khăn, hiểu đầy đủ hệ thống pháp luật về lao động còn khó khăn hơn. Để xét xử vụ án lao động, ngoài hệ thống pháp luật lao động, thẩm phán cần phải nghiên cứu cả nội quy, thỏa ước lao động tập thể, các quy định về lương, thưởng... của doanh nghiệp.

Đơn cử trường hợp người lao động khởi kiện đòi bồi thường theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Lao động quy định về tiền thưởng cho người lao động, các thẩm phán thường bác yêu cầu này của người lao động. Trong khi đó, yêu cầu của người lao động là có cơ sở vì được pháp luật quy định, được thể hiện trong thỏa ước lao động tập thể và nhiều doanh nghiệp quy định ngay trong HĐLĐ nhưng tòa án không chấp nhận.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho biết, hiện nay Bộ Lao động - thương binh và xã hội đang hoàn thiện dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ khắc phục hạn chế, vướng mắc nêu trên, khắc phục tình trạng hiểu sai, vận dụng pháp luật không chính xác trong xét xử, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong tranh chấp với doanh nghiệp.

Diễm Quỳnh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/201909/can-van-dung-dung-luat-trong-giai-quyet-tranh-chap-lao-dong-2962410/