Cần 'vaccine' để đưa kinh tế thế giới thoát khỏi 'ngã ba đường'

Ngay từ bây giờ, các quốc gia cần phải thực hiện các hành động chính sách mạnh mẽ để đưa kinh tế thế giới thoát khỏi 'ngã ba đường'.

Thế giới cần vaccine để đưa nền kinh tế phục hồi. (Nguồn: CNN)

Thế giới cần vaccine để đưa nền kinh tế phục hồi. (Nguồn: CNN)

Trang CNN dẫn lại bài viết của Giám đốc Điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định về kinh tế thế giới 2021. Báo TG&VN trích đăng nội dung bài viết.

Kinh tế thế giới đang ở “ngã ba đường”

Thế giới tiếp tục hồi phục trở lại sau cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong thời bình kể từ cuộc Đại suy thoái 2008-2009.

IMF gần đây đã dự báo, tăng trưởng GDP toàn cầu ở mức 5,5% trong năm 2021 và 4,2% vào năm 2022. Nhưng đó sẽ là một chặng đường dài và không chắc chắn.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng chậm tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, cũng như nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2 khi vẫn có sự chênh lệch lớn về tình hình dịch bệnh giữa các quốc gia và khu vực.

Thật vậy, nền kinh tế toàn cầu đang ở "ngã ba đường". Câu hỏi đặt ra là: Liệu các nhà hoạch định chính sách có hành động để ngăn chặn “sự khác biệt lớn” này không?

Tại cuộc họp của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) gần đây, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương đã chỉ ra rằng, rủi ro lớn là khi các nền kinh tế tiên tiến và một số thị trường mới nổi phục hồi nhanh hơn thì hầu hết đà hồi phục của các nước đang phát triển sẽ bị hụt hơi trong nhiều năm tới. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm về cả phương diện kinh tế lẫn xã hội, sức khỏe.

Theo ước tính, đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người sẽ thấp hơn 13% so với dự báo trước khủng hoảng ở các nền kinh phát triển. Mức thu nhập bình quân đầu người được dự báo sẽ làm tăng hàng triệu người cực kỳ nghèo ở các nước đang phát triển.

Ngoài ra, trước cuộc khủng hoảng, IMF dự báo, khoảng cách thu nhập giữa các nền kinh tế tiên tiến với 110 quốc gia mới nổi và đang phát triển sẽ bị thu hẹp trong khoảng thời gian từ năm 2020-2022. Tuy nhiên, IMF vẫn lo ngại rằng, chỉ 52 nền kinh tế sẽ bắt kịp trong giai đoạn đó, trong khi 58 nền kinh tế sẽ tụt lại phía sau.

Một phần nguyên nhân là sự không đồng đều trong khả năng tiếp cận vaccine ngừa Covid-19. Ngay cả trong trường hợp tốt nhất, nhiều khả năng hầu hết các nền kinh tế đang phát triển dự kiến có thể có vaccine rộng rãi vào cuối năm 2022 hoặc xa hơn.

Ba liều "vaccine" quan trọng

Theo Giám đốc Kristalina Georgieva, ngay từ bây giờ, các quốc gia cần phải thực hiện các hành động chính sách mạnh mẽ để đưa kinh tế thế giới thoát khỏi "ngã ba đường". Và không chỉ vaccine ngừa Covid-19, nền kinh tế thế giới cũng cần vaccine để phục hồi. Theo đó, có 3 ưu tiên cần lưu ý thời gian tới.

Thứ nhất, tăng cường nỗ lực để chấm dứt cuộc khủng hoảng sức khỏe

Đại dịch Covid-19 sẽ không kết thúc ở bất cứ quốc gia nào cho đến khi nó kết thúc ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong khi các ca nhiễm mới trên thế giới gần đây đã giảm, nhưng vẫn cần có vaccine ngừa Covid-19 để duy trì khả năng miễn dịch chống lại các biến thể mới.

Đó là lý do tại sao cần thúc đẩy sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn nữa để đẩy nhanh tiến trình triển khai vaccine ở các nước nghèo. Nguồn tài chính bổ sung để đảm bảo liều lượng vaccine và chi trả cho hậu cần là rất quan trọng. Vì vậy, cần phân bổ đồng đều vaccine ở các nước và tăng năng lực sản xuất vaccine cho năm 2022 và hơn thế nữa.

Thứ hai, mạnh tay chống khủng hoảng kinh tế

Để "cứu" kinh tế khỏi cuộc khủng hoảng sức khỏe, thế giới đã thực hiện các biện pháp chưa từng có như chi gần 14 nghìn tỷ USD cho các chính sách tài khóa. Thời gian tới, các chính phủ cần tiếp tục triển khai các gói kích thích để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Điều quan trọng là giúp người dân duy trì sinh kế và cần đảm bảo rằng các doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường. Điều này không chỉ đòi hỏi các chính phủ phải đảm bảo các chính sách tài khóa mà còn phải duy trì các điều kiện tài chính thuận lợi thông qua các chính sách tài chính và tiền tệ phù hợp, hỗ trợ dòng chảy tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Việc các Ngân hàng Trung ương lớn duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng cũng đã cho phép một số nền kinh tế đang phát triển lấy lại quyền tiếp cận thị trường vốn, dịch vụ tài chính ngân hàng và vay với lãi suất thấp kỷ lục. Với mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng Covid-19, khó có giải pháp nào thay thế cho việc tiếp tục hỗ trợ chính sách tiền tệ.

Thứ ba, tăng cường hỗ trợ các nước gặp khó khăn

Với nguồn lực hạn chế, nhiều quốc gia có thu nhập thấp và các thị trường mới nổi có thể sớm phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết khủng hoảng y tế cũng như đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi sau khủng hoảng của các quốc gia, khu vực, mà còn ảnh hưởng đến tốc độ và quy mô của sự phục hồi toàn cầu. Vì vậy, các quốc gia kém phát triển, gặp khó khăn do đại dịch sẽ cần sự hỗ trợ đáng kể.

Để giải quyết vấn đề này, bước đầu, cần bắt đầu từ nội địa. Các chính phủ cần tăng thu nội địa nhiều hơn, cải cách chi tiêu công và cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời, các nỗ lực quốc tế là rất quan trọng để mở rộng hơn nữa nguồn tài chính ưu đãi và thúc đẩy tài chính tư nhân, bao gồm thông qua các công cụ chia sẻ rủi ro mạnh mẽ hơn.

Về phần mình, IMF cũng đã chi hơn 105 tỷ USD cho 85 quốc gia và xóa nợ cho các thành viên nghèo.

"Điều quan trọng nhất là các nước nghèo phải có sự hỗ trợ mà họ cần. Việc bỏ rơi các nước nghèo sẽ chỉ kéo theo sự bất bình đẳng trầm trọng. Thậm chí, nó sẽ là một mối đe dọa lớn đối với sự ổn định kinh tế và xã hội toàn cầu", bà Kristalina Georgieva khẳng định.

(theo CNN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/can-vaccine-de-dua-kinh-te-the-gioi-thoat-khoi-nga-ba-duong-138846.html