Cần và thừa

Sự cần thiết và không cần thiết của hai cuộc trưng cầu dân ý ở Colombia và Hungary là bằng chứng rõ ràng và sinh động nhất về việc tận dụng và lạm dụng biện pháp trưng cầu dân ý trong lập pháp và làm chính trị.

Ảnh minh họa.

Ngày 2/10/2016, ở đất nước Colombia có cuộc trưng cầu dân ý về thỏa thuận hòa bình vừa được ký kết giữa Chính phủ Colombia và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 52 năm nay.

Tại Hungary ở châu Âu cũng có cuộc trưng cầu dân ý về việc có chấp nhận người tỵ nạn theo sự phân bổ mức độ khối lượng của Ủy ban EU hay không. Cũng là chuyện hỏi ý kiến người dân nhưng hiệu lực khác nhau, động cơ khác nhau, mục đích khác nhau, cần ở một nơi và thừa ở một nơi. Hungary là thành viên EU.

Thủ tướng nước này Victor Orban vốn ngay từ khi xuất hiện vấn đề người tỵ nạn đã bất đồng quan điểm sâu sắc và không dấu diếm với những thành viên EU đóng vai trò dẫn dắt cả EU trong quá trình xử lý vấn đề, đặc biệt trong đó là Đức và cá nhân Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Ngoài ra, ngay từ sau khi lên cầm quyền ở Hungary, ông Orban đã tỏ ra khó chịu và không chịu sẵn sàng tuân thủ những biện pháp chính sách chung của EU nhưng mang tính áp đặt tới các thành viên.

Cuộc trưng cầu dân ý này hoàn toàn không cần thiết bởi không có giá trị pháp lý vô hiệu hóa quy định của Ủy ban EU đối với Hungary. Nhưng ông Orban vẫn cho tiến hành để thể hợp pháp hóa quan điểm thái độ bất bình của mình đối với EU.

Trong khi đó, cuộc trưng cầu dân ý ở Colombia lại rất cần thiết bởi sự chấp thuận của cử tri đưa lại cho thỏa thuận hòa bình giá trị pháp lý cao nhất, sự đảm bảo chính trị lớn nhất, sự hậu thuẫn xã hội sâu rộng nhất cho bước đi lịch sử này của Chính phủ Colombia và FARC cũng như sự ràng buộc trách nhiệm thực thi nghiêm chỉnh, tức là không còn có thể đảo ngược được, đối với Chính phủ hiện tại cũng như trong tương lai ở Colombia.

Sự cần thiết và không cần thiết của hai cuộc trưng cầu dân ý ở hai nơi này là bằng chứng rõ ràng và sinh động nhất về việc tận dụng và lạm dụng biện pháp trưng cầu dân ý trong lập pháp và làm chính trị.

Nguyên Lê

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/can-va-thua-d25805.html