Cần ưu tiên vốn đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo

Ngày 1-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về kế hoạch tài chính 5 năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017.

Đại biểu Phan Văn Tường. Ảnh: V.H

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về đầu tư công, trong thời gian qua, hiệu quả đầu tư chưa cao, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư. Vẫn còn tình trạng bố trí vốn cho dự án chưa đủ điều kiện; phê duyệt dự án khi chưa cân đối đủ vốn, đủ nguồn lực; bố trí vốn dàn trải, thiếu tập trung, chậm trễ, dẫn đến nhiều mục tiêu trọng tâm chưa hoàn thành, nhiều công trình dở dang, phải đình, giãn, hoãn tiến độ, lãng phí nguồn lực. Trong khi đó, bội chi tăng cao trong nhiều năm, không đạt mục tiêu QH đề ra; nợ công tăng nhanh, mặc dù vẫn trong giới hạn cho phép nhưng bắt đầu có dấu hiệu rất khó khăn về trả nợ trong ngắn hạn và có biểu hiện không an toàn trong dài hạn.

Tuy bối cảnh kinh tế đất nước trong thời gian tới dự báo vẫn còn khó khăn, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, biển đảo. Do đó, Chính phủ, QH cần có chính sách đầu tư, bố trí vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, sản xuất, có chiến lược lâu dài, hiệu quả giúp nhân dân thoát nghèo bền vững. Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) cho rằng, cần ưu tiên vốn cho miền núi và khu vực đặc biệt khó khăn, bởi Kế hoạch vốn cho đầu tư trung hạn 2016-2020 của Chính phủ có nguyên tắc thứ 8 là ưu tiên vốn, bố trí cho vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bằng dân tộc thiểu số, đồng bào đặc biệt khó khăn, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển, thu nhập, mức sống dân cư giữa các vùng, miền cả nước.

“Chính phủ và QH cần cụ thể nguyên tắc này với các xã, nhất là các xã miền núi, nơi chủ yếu là đồng bào dân tộc sinh sống và những xã biên giới là trọng điểm đầu tư giai đoạn 2016-2020. Xác định được trọng điểm để đầu tư kịp thời thỏa đáng, có cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư nhằm đạt mục tiêu ổn định, phát triển các khu dân cư biên giới; giữ vững quốc phòng an ninh; xóa đói giảm nghèo, giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền” – Thiếu tướng Phan Văn Tường nhấn mạnh.

Đại biểu nêu thực trạng, hiện đã có nhiều chương trình cho vùng miền, đối tượng, song mức đầu tư rất thấp, không đủ để nhân dân ổn định phát triển. Đời sống nhân dân khu vực này rất khó khăn, mức sống chênh lệch với các khu vực khác rất xa. Hệ quả là di dân tự do lớn, gia tăng tội phạm làm mất trật tự an toàn xã hội và an ninh chính trị.

Đại biểu Phan Văn Tường đề nghị, việc bố trí trọng điểm đầu tư trong kế hoạch trung hạn 2016-2020 vào các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo nhất định nên để Hội đồng nhân dân lựa chọn danh mục đầu tư sẽ hiệu quả hơn. Nhưng cái khó nhất, cấp thiết nhất của các xã thì chính họ mới hiểu hạng mục nào quan trọng nhất để xóa đói giảm nghèo. Thực tế là dự án do dân bàn, dân làm, dân vào cuộc với nhu cầu thực tế sẽ hiệu quả hơn dự án khác. Cần chấm dứt tình trạng thực hiện dự án mang tính ban phát, giao công trình không có sự tham gia, hoặc tham gia mang tính hình thức của người dân, chính quyền cấp xã.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn. Ảnh: V.H

Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), chương trình đầu tư công trung hạn tiếp tục ưu tiên các chương trình hạ tầng ven biển miền Trung gắn với chiến lược phát triển kinh tế biển với bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ biển, đảo, biên cương của Tổ quốc. Theo đại biểu, là vùng khó khăn thường xuyên bị thiên tai và trực tiếp chịu hậu quả của biến đổi khí hậu, tuy nhiên, trong thời gian qua, nhờ các chính sách của Đảng, Nhà nước kêu gọi các nhà đầu tư vào các khu kinh tế trọng điểm nên dải đất miền Trung có những kết quả phát triển bước đầu. Tuy nhiên nhìn chung, các địa phương ven biển còn gặp những khó khăn. Vì vậy, Chính phủ, QH cần bố trí vốn, có sự đầu tư các khu kinh tế, khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đầu tư cho ngư dân, để họ đủ khả năng vươn khơi đánh bắt xa bờ, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Từ đó, tạo tiền đề cho vùng này phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng dải đất miền Trung ngày một giàu đẹp, bền vững.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/can-uu-tien-von-dau-tu-cho-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-vung-bien-gioi-hai-dao/