Cần ưu tiên đầu tư, phát triển y tế cơ sở

Sau hơn 3 năm thực hiện, quy định thông tuyến huyện trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) đã mang lại nhiều kết quả, thể hiện rõ tính nhân văn của chính sách BHYT. Tuy nhiên, chính sách này cũng phần nào tạo áp lực cho các trạm y tế xã vốn đã thưa vắng bệnh nhân.

Được áp dụng từ ngày 1/1/2016, quy định thông tuyến khám chữa bệnh tại tuyến huyện trên phạm vi toàn quốc giúp người bệnh dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế.

Việc thông tuyến khám chữa bệnh bên cạnh ý nghĩa nhân văn hiện đang tồn tại một số bất cập cần khắc phục. Ảnh: Minh Khuê

Việc thông tuyến khám chữa bệnh bên cạnh ý nghĩa nhân văn hiện đang tồn tại một số bất cập cần khắc phục. Ảnh: Minh Khuê

Ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết, việc thông tuyến BHYT tuyến huyện giúp người có thẻ BHYT bỏ được thủ tục chuyển tuyến từ xã lên huyện hay từ huyện này sang huyện khác mà vẫn được khám chữa bệnh và bảo đảm quyền lợi BHYT. Đồng thời, người bệnh được lựa chọn khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế cùng tuyến, không phân biệt y tế công lập hay tư nhân.

Bên cạnh những tác động tích cực, thông tuyến khám chữa bệnh cũng kéo theo một số bất cập cần tháo gỡ. Đó là tình trạng các trạm y tế xã, phường không còn người bệnh đến khám sẽ ảnh hưởng đến chính sách tăng cường khám chữa bệnh ban đầu tại y tế cơ sở.

Theo ông Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, sau 3 năm thông tuyến huyện, quyền được tiếp cận các dịch vụ y tế được người dân rất ủng hộ do việc đi khám chữa bệnh rất thuận lợi. Tuy nhiên, việc quản lý cũng gặp một số vấn đề rắc rối nhưng có thể nghiên cứu và điều chỉnh hợp lý.

Cụ thể, theo ông Tiên, trước đây khi chưa thông tuyến, trạm y tế xã rất nhiều việc (tuyên truyền, tiêm chủng, khám chữa bệnh thông thường…); song hiện tại một số cơ sở chỉ làm công tác tuyên truyền, tiêm chủng, còn công tác khám chữa bệnh chưa nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Phân tích về thực tế này, ông Tiên nêu, việc cấp thuốc ở y tế xã còn khá khiêm tốn, nhiều loại thuốc chỉ được cấp ở tuyến huyện, do vậy người dân thích khám chữa bệnh tại tuyến huyện hơn.

“Thực tế này đòi hỏi các cơ qua quản lý phải sửa đổi chính sách để thuốc ở xã cũng được như ở huyện. Bên cạnh đó, một số dịch vụ xét nghiệm cơ bản cũng nên trang bị cho tuyến xã”, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu.

Được biết, theo kế hoạch, đến năm 2021 sẽ thông tuyến tỉnh trong khám chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm quốc tế, chúng ta chỉ có thể làm tốt việc thông tuyến với điều kiện tuyến cơ sở phải quản lý tốt sức khỏe, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Bên cạnh đó, các bác sỹ hoạt động theo nguyên lý y học gia đình và phải thực hiện đúng chức năng của mình.

"Trong điều kiện hiện nay, nếu chúng ta mở thông tuyến tỉnh, tuyến trung ương người bệnh sẽ ào ạt lên thẳng tuyến trên, dẫn đến việc quản lý quỹ BHYT trở thành vấn đề lớn. Mặt khác, người bệnh dồn lên tuyến tỉnh, mục tiêu giảm tải cho bệnh viện tuyến trên khó đạt, bệnh nhân sẽ phải nằm ghép. Vì vậy, trong thời gian chờ thực hiện theo lộ trình, Chính phủ cũng như Bộ Y tế cần có sự chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị", ông Tiên phân tích.

Và để làm tốt yêu cầu này, việc sửa đổi Luật BHYT cần tập trung vào y tế cơ sở, bởi lâu nay chúng ta đã tập trung quá nhiều vào tăng cường khả năng kỹ thuật của bệnh viện mà coi nhẹ y tế cơ sở.

“Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước rất quan tâm y tế cơ sở song cần có chính để tạo động lực phát triển y tế cơ sở, giúp giảm quá tải cho y tế tuyến trên”, ông Tiên nêu.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/can-uu-tien-dau-tu-phat-trien-y-te-co-so-116644.html