Cần truy thu nguồn lợi bất chính từ video 'bẩn'

Cơ quan quản lý cần có biện pháp mạnh tay hơn như truy thu lợi nhuận YouTuber kiếm được từ video độc hại, thậm chí cấm vĩnh viễn nếu tiếp tục vi phạm.

Trước thực trạng video giật gân, phản cảm xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) vào cuộc, xử lý nghiêm.

Thực tế, trong nhiều kỳ họp Quốc hội, tư lệnh ngành Thông tin và Truyền thông nhận nhiều chất vấn từ đại biểu về sự yếu kém trong kiểm duyệt nội dung độc hại ở không gian mạng.

Ông Đào Trọng Thi (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) nhìn nhận sự nhảm nhí, vô bổ của những nội dung như vậy ai cũng biết. Song, cơ quan chức năng mới dừng ở mức phát hiện, xử lý, còn việc ngăn chặn đang rất khó khăn.

Nguồn lợi bất chính từ nội dung "bẩn"

Theo ông Đào Trọng Thi, để xử phạt hành vi sản xuất, phát tán nội dung độc hại trên Internet, cơ quan chức năng phải vận dụng nhiều bộ luật, quy định khác nhau. Tuy nhiên, việc áp dụng vào trường hợp cụ thể xuất hiện nhiều hạn chế, chế tài cũng chưa nghiêm minh.

Để xử lý được, cơ quan chức năng phải áp dụng đủ cả Luật Dân sự, Luật An ninh mạng, Luật Trẻ em và một số nghị định về văn hóa. "Vận dụng tốt quy định nói trên đã khó, ra chế tài đủ chặt chẽ, hiệu quả còn khó hơn", ông Thi nói.

 Dư luận phẫn nộ vì video nấu cháo gà nguyên lông hết sức phản cảm của Hưng Vlog. Ảnh cắt từ clip.

Dư luận phẫn nộ vì video nấu cháo gà nguyên lông hết sức phản cảm của Hưng Vlog. Ảnh cắt từ clip.

Ông đề xuất Bộ Công an, Bộ TTTT thảo luận, nghiên cứu để cụ thể hóa quy định xử lý, hoặc báo cáo với Quốc hội để sửa luật, bổ sung quy định còn thiếu, chưa đáp ứng thực tế.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa cũng lưu ý phạt tiền đối với người sản xuất video độc hại không hiệu quả, có người bất chấp do nguồn lợi từ nội dung "bẩn" rất lớn.

Ông dẫn chứng Hưng Vlog sau khi bị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang phạt 7,5 triệu đã không rút kinh nghiệm, tiếp tục vi phạm để bị phạt lần 2 với số tiền 10 triệu đồng.

"Cần phải có hình phạt bổ sung như sung công quỹ thu nhập không chính đáng có được từ video 'bẩn'. Khóa tài khoản mạng xã hội, cấm vĩnh viễn sản xuất video, nội dung Internet nếu tái phạm", ông Thi nhấn mạnh.

Ông cũng cho rằng người đăng tải các video này có thể bị xử lý hình sự nếu cơ quan công an phát hiện họ vi phạm các quy định pháp luật hiện hành với mức độ nghiêm trọng cấu thành tội phạm.

Hướng trực tiếp đến người trẻ

Đồng quan điểm, TS xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng đây cũng là một cách để ngăn chặn làn sóng YouTuber tìm mọi cách để thu hút người xem trên mạng xã hội.

Từ tính chất hài hước, độc lạ ban đầu, nội dung các video ngày càng biến tướng đến mức nhảm nhí, cổ súy cho hành động đi ngược lại giá trị đạo đức, văn hóa, thậm chí bạo lực, vi phạm pháp luật.

"Đáng lo hơn khi các video này hướng trực tiếp đến đối tượng trẻ, có khi là rất trẻ. Nó cũng đi theo xu hướng tâm lý thích khác lạ, ngược đời của trẻ mới lớn nên càng được ưa chuộng, làm theo", vị chuyên gia lo ngại.

Vài tuần sau khi bị phạt 7,5 triệu đồng, Hưng Vlog tiếp tục đăng video diễn cảnh ăn trộm tiền. Ảnh cắt từ clip.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, ông Trịnh Hòa Bình cho rằng video đi ngược lại chuẩn mực văn hóa, đạo đức thường được người trẻ đón nhận, hướng ứng. Vì lẽ đó, video như nấu cháo gà nguyên lông, hay ăn trộm tiền em gái mới có lượng người xem đông đảo.

"Không chỉ như vậy, nội dung nhắm đến giới trẻ ngày nay có xu hướng dị biệt, đen tối, cổ súy cho việc ăn chơi sa đọa, lối sống giang hồ và nội dung giật gân gây khiếp hãi", ông Bình nói.

Thị hiếu này của giới trẻ rất khó khắc phục vì nó là bản chất tự nhiên trong quá trình phát triển, hoàn thiện nhân cách. Song, khi được khuyến khích bởi video có nội dung như vậy, hành vi, suy nghĩ rất dễ trở nên lệch lạc, có thể để lại hậu quả lớn cho một thế hệ.

Cần điều chỉnh từ 2 phía

Theo ông Trịnh Hòa Bình, nhu cầu được nghe, nhìn những nội dung như thế vẫn tồn tại trong đời sống. Trong tương lai, video tương tự vẫn sẽ xuất hiện trên không gian mạng. Công nghệ càng phát triển, mức độ phát tán càng nhanh và việc kiểm duyệt càng khó.

"Tăng mức xử phạt hoặc chế tài khác chỉ là một khía cạnh. Chúng ta cần tạo cho giới trẻ một tâm lý sẵn sàng, cơ chế phòng vệ trước những nội dung độc hại trong tương lai", vị chuyên gia bình luận.

Ông Đào Trọng Thi cũng nhấn mạnh chế tài dù nghiêm khắc đến đâu, vẫn cần kèm theo việc truyền thông nâng cao nhận thức của người dân. Ông cho rằng nên có hướng dẫn nêu cụ thể nội dung nào là vi phạm pháp luật, nội dung nào là được phép đăng tải.

Cùng với đó, cơ quan chức năng cần phải xem xét kỹ mục đích và tác động của những video này. Nếu đơn thuần thỉ là câu view, lôi kéo người xem mà hậu quả chưa nghiêm trọng thì cần cảnh cáo, xử phạt tiền.

Nhưng nếu những video này có mục đích phá hoại, trục lợi nghiêm trọng hoặc cố tình tái phạm, thì cơ quan công an cần vào cuộc, điều tra để có biện pháp xử lý thích đáng như xử lý hình sự.

Ngày 10/9, YouTuber Hưng Vlog bị Sở TTTT tỉnh Bắc Giang (nơi người này sinh sống) phạt 7,5 triệu đồng vì đăng video nấu cháo với gà nguyên lông. Sau chưa đầy một tháng, người này tiếp tục bị phạt 10 triệu đồng vì làm clip diễn cảnh ăn trộm tiền của em gái.

Lãnh đạo Sở TTTT Bắc Giang nhấn mạnh đây là lần vi phạm thứ 2 của Hưng nên mức phạt được tăng lên 10 triệu. Nếu YouTuber này tiếp tục đăng tải video nhảm nhí, câu view, Sở TTTT tỉnh sẽ có văn bản đề nghị Bộ TTTT khóa vĩnh viễn kênh YouTube của Hưng.

Sơn Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/can-truy-thu-nguon-loi-bat-chinh-tu-video-ban-post1139527.html