Cẩn trọng với 'xét tuyển học bạ'

Kỳ tuyển sinh năm 2020, hình thức xét tuyển theo học bạ thu hút sự quan tâm của đông đảo thí sinh (TS). Thế nhưng, theo lời khuyên của nhiều chuyên gia tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, TS cần tránh lạm dụng hình thức xét tuyển tưởng chừng đơn giản này để tránh rơi vào tình trạng đỗ đại học (ĐH) nhưng lại không đúng ngành mong muốn.

Cẩn trọng với “xét tuyển học bạ”

Bài & ảnh: KHỞI MINH

Thứ Năm, 25-06-2020, 17:57

+ | Print

Các bạn trẻ đang tham khảo thông tin tuyển sinh của Trường đại học Nguyễn Tất Thành.

Các bạn trẻ đang tham khảo thông tin tuyển sinh của Trường đại học Nguyễn Tất Thành.

Kỳ tuyển sinh năm 2020, hình thức xét tuyển theo học bạ thu hút sự quan tâm của đông đảo thí sinh (TS). Thế nhưng, theo lời khuyên của nhiều chuyên gia tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, TS cần tránh lạm dụng hình thức xét tuyển tưởng chừng đơn giản này để tránh rơi vào tình trạng đỗ đại học (ĐH) nhưng lại không đúng ngành mong muốn.

Vẫn lo hồ sơ “ảo”

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm nay, nhiều TS ưu tiên cho hình thức xét tuyển bằng học bạ THPT. Nhiều trường ĐH cũng điều chỉnh tỷ lệ xét tuyển với hình thức này để thu hút TS. Đây đang được coi là ưu thế xét tuyển trong điều kiện học tập, thi cử có nhiều thay đổi như năm nay. Trần Ngọc Anh (HS lớp 12 tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) cho biết, đến thời điểm hiện tại, em đã nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo hình thức học bạ vào bốn trường ĐH lớn mặc dù chưa biết kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ như thế nào. “Em nộp cùng lúc nhiều trường để gia tăng cơ hội trúng tuyển. Nhưng giờ cũng hơi lo là không biết mình chọn ngành chính xác chưa”, Ngọc Anh chia sẻ.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, TS cần cẩn trọng với hình thức xét tuyển tưởng chừng đơn giản, nhẹ nhàng này. Nếu TS không tính toán kỹ, nộp hồ sơ xét tuyển học bạ theo kiểu “có còn hơn không”, thì tỷ lệ hồ sơ “ảo” sẽ tăng đột biến, khó lường. Ông Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh cho biết: “Thậm chí, có em đăng ký tám nguyện vọng vào tám trường khác nhau. Với tình hình như hiện tại, dự kiến số lượng hồ sơ “ảo” mà các trường phải đối phó năm nay là rất lớn, có thể tăng gấp ba, bốn lần so năm trước”.

Theo ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức), sở dĩ “nộp học bạ xét tuyển ĐH” hiện nay được các em học sinh lớp 12 chọn nhiều vì đây là hình thức được xét trước khi thi tốt nghiệp THPT. “Theo tôi đây chỉ là lựa chọn dự phòng. Không nên vì đã đăng ký bằng học bạ mà lơ là việc học, chủ quan trong khi ôn thi hay làm bài thi. Các em vẫn phải đặt trọng tâm vào các ngành nghề mình thích, phù hợp năng lực bản thân, tránh chọn đại một ngành để học vì điều này sẽ gây mất thời gian, tiền bạc”.

Tỉnh táo khi chọn ngành học

Tư vấn về Công nghệ ô-tô, một ngành nằm trong top được TS đăng ký nhiều nhất hiện nay, PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng, TS cần cân nhắc kỹ năng lực trước khi đăng ký. Bên cạnh đó, việc chọn được cơ sở đào tạo uy tín để bảo đảm chất lượng đầu ra đòi hỏi sự tỉnh táo của TS, phụ huynh trước một “rừng” thông tin xét tuyển như hiện nay. “Thị trường lao động cho ngành Công nghệ ô-tô, Cơ khí ô-tô là rất lớn nhưng vấn đề là chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo và số lượng tuyển sinh. Hiện nay, rất nhiều trường tranh thủ đào tạo ngành này một cách “vô tội vạ” thay vì tuyển lượng vừa đủ. Nếu cứ tiếp tục như vậy, theo tôi khoảng bốn năm nữa nhiều sinh viên ngành này ra trường lại thất nghiệp vì chỗ đâu mà làm”, ông Dũng phân tích.

Theo thông tin từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hiện nay Công nghệ thông tin, Sức khỏe và Du lịch là ba lĩnh vực có nhu cầu nhân lực rất lớn. Đồng quan điểm, Ths Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) cho biết, nhân lực cho ngành Công nghệ thông tin đang thiếu. Thị trường thiếu nhân lực nhưng có một thực tế đáng buồn là nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành này không có được việc làm đúng chuyên môn. “TS cần tỉnh táo chọn trường có uy tín. Bên cạnh đó, khi chọn ngành này đòi hỏi TS phải thật sự đam mê, liên tục cập nhật, đổi mới nếu không sẽ lạc hậu”, Ths Phùng Quán cho hay.

Từ thực tế tham gia tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh suốt nhiều năm nay, ông Nguyên cho rằng, thay vì chạy theo ngành hot hay những cái tên thời thượng, quan trọng nhất vẫn là việc TS biết mình muốn gì, năng lực thực tế ở đâu. Khi hiểu rõ sở thích, năng lực của bản thân cộng với những thông tin thu thập được việc đưa ra quyết định sẽ không quá khó khăn. “Khi đã chọn được nghề bản thân muốn theo, các công đoạn tiếp theo như chọn ngành, bậc học, chọn trường muốn xét tuyển, chọn tổ hợp môn và phương thức xét tuyển sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn”.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi/baothoinay-xahoi-songtre/item/44984102-can-trong-voi-%E2%80%9Cxet-tuyen-hoc-ba%E2%80%9D.html