Cẩn trọng với viêm não Nhật Bản đang bùng phát ở trẻ trong mùa nắng

Mùa hè là giai đoạn cao điểm của viêm não, trong đó có viêm não Nhật Bản. Đây là một trong những bệnh nguy hiểm và gây tỷ lệ tử vong cao ở trẻ nhỏ hoặc để lại những di chứng nặng nề.

Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, khi bị viêm não Nhật Bản trẻ cần được điều trị cấp cứu, nếu không có thể gây tử vong hay để lại những di chứng như: điếc, mù, động kinh, yếu liệt tay chân...

Nắng nóng, viêm não Nhật Bản vào mùa

Viêm não Nhật Bản hay viêm não B là bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đây là bệnh nhiễm virus cấp tính ở thần kinh trung ương nên có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Khoảng 20-30% số bệnh nhân có triệu chứng viêm não bị tử vong, thường gặp ở những bệnh nhi nặng như có co giật, hôn mê sâu, nằm lâu ngày, suy kiệt, Khoảng 30-50% số người sống sót tiếp tục có biểu hiện rối loạn thần kinh, nhận thức hoặc triệu chứng tâm thần.

Viêm não Nhật Bản khởi đầu với biểu hiện sốt và thường là sốt rất cao

Viêm não Nhật Bản khởi đầu với biểu hiện sốt và thường là sốt rất cao

Bệnh thường khởi phát rất đột ngột với sốt cao 39 - 40 độ C hoặc hơn. Bệnh nhân đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Ngay trong 1 - 2 ngày đầu của bệnh đã xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn sự vận động nhãn cầu. Về tâm thần kinh, có thể xuất hiện lú lẫn hoặc mất ý thức. Ở một số trẻ nhỏ, ngoài sốt cao, có thể thấy đi lỏng, đau bụng, nôn. Biến chứng cũng rất nặng nề như viêm phổi, viêm phế quản hoặc viêm phế quản - phổi do bội nhiễm vi khuẩn bởi sự hỗ trợ hô hấp như thở máy, đặt nội khí quản, thông tiểu... do các dụng cụ y tế không được vô khuẩn tuyệt đối. Một số có di chứng muộn sau một năm trẻ bị bệnh này hoặc lâu hơn như động kinh, Parkinson.

Virus gây viêm não Nhật Bản truyền sang người qua vết đốt của muỗi bị nhiễm bệnh, thường là muỗi vằn. Các loài chim hoang dã là ổ chứa virus chủ yếu trong thiên nhiên và lợn là ổ chứa quan trọng nhất trong súc vật nuôi gần người. Muỗi Culex là đường lây truyền bệnh. Ở Việt Nam, loại muỗi Culex tritaeniorhynchus sinh sản mạnh vào mùa hè, hoạt động mạnh vào chập tối. Loại muỗi này có mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du, là trung gian truyền bệnh chủ yếu bệnh viêm não Nhật Bản.

TS-Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện nhi Trung Ương) cho biết: “Viêm não Nhật Bản diễn ra quanh năm nhưng cao điểm là từ tháng 5 đến tháng 9. Căn bệnh này được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ. Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Hiện tại, Khoa Truyền nhiễm đang điều trị cho hai trường hợp mắc viêm não Nhật Bản. Không may mắn, cả hai bệnh nhi này đều phải gánh chịu một trong những di chứng nặng nề của bệnh”.

Đó là bé trai Nguyễn Quốc Đạt (4 tuổi, ở Bắc Ninh) nhập viện trong tình trạng hôn mê, liệt nửa người phải. Sau khi tiến hành thăm khám, chọc dịch não tủy, làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bé Đạt mắc viêm não Nhật Bản. Đến nay, sau 17 ngày được điều trị bằng thở ôxy, dùng thuốc chống phù não, cháu Đạt đã tỉnh táo, không còn sốt nhưng có di chứng về vận động. Người nhà cho biết, cháu Đạt chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh này. Tương tự, bé Đào Khánh Long (7 tuổi, ở Nghệ An) được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương khi bệnh đã diễn biến đến ngày thứ 10. Đến nay, đã qua 14 ngày được các bác sĩ tích cực can thiệp bằng thở máy, thuốc chống viêm, chống phù, tình trạng của cháu Long có cải thiện hơn nhưng cháu đã xuất hiện những di chứng nặng như: Liệt cơ hô hấp, liệt tứ chi...

Chủ động phòng ngừa bệnh

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm cho biết, viêm não Nhật Bản khởi đầu với biểu hiện sốt và thường là sốt rất cao. Người bệnh còn có các biểu hiện kèm theo như rét run, đau đầu, mệt lả, buồn nôn hoặc nôn. Giai đoạn này kéo dài từ 1 đến 6 ngày. Tiếp đến là các biểu hiện rất điển hình như tiếp tục sốt cao kèm co giật, rối loạn ý thức, kích thích, vật vã, ngủ gà, lơ mơ, hôn mê rồi đau đầu, cứng gáy, tay chân quờ quạng, mất nước. Trẻ phải được đưa đến bệnh viện hay cơ sở y tế nhanh nhất nếu sốt cao quá 12 giờ liên tục hoặc có các dấu hiệu như: Nôn vọt, cứng gáy, rối loạn ý thức... Việc đưa trẻ tới bệnh viện và được xử lý kịp thời sẽ giảm thiểu tối đa các di chứng của bệnh viêm não Nhật Bản, nhưng nếu không thì khả năng tàn phế suốt đời là vô cùng lớn.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: “Tùy tác nhân, viêm não do virus có thể bị lây nhiễm qua côn trùng đốt, lây qua đường tiêu hóa hoặc qua đường hô hấp. Virus viêm não thường gặp trẻ dưới 15 tuổi, đây cũng là lứa tuổi có nguy cơ cao bị mắc bệnh. Viêm não/màng não có thể điều trị khỏi, không để lại di chứng nhưng quan trọng nhất là trẻ phải được phát hiện sớm, điều trị kịp thời”. Do vậy, ông Phu khuyến cáo, cha mẹ cần đưa con em đến ngay cơ sở y tế khi trẻ có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh Trung ương như: nhức đầu dữ dội, nôn mửa; rối loạn tinh thần ở các mức độ khác nhau: vật vã mê sảng hoặc li bì, lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt.

Hãy đưa trẻ tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị điều trị bệnh viêm não Nhật Bản. Chủ yếu là điều trị các triệu chứng như hạ sốt, phòng, chống co giật do phù não, chống bội nhiễm, chăm sóc dinh dưỡng, điều trị các biến chứng hay di chứng do bệnh cảnh nặng. Cách phòng tránh bệnh viêm màng não tốt nhất là thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy; áp dụng các biện pháp phòng muỗi đốt; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Riêng đối với virus gây bệnh viêm não Nhật Bản: hãy đưa trẻ tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất với 3 liều cơ bản: Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi; Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; Mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Thông kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, từ cuối tháng 5 đến nay, cả nước ghi nhận 80 ca viêm não vi rút, trong đó 4 bệnh nhi tử vong do bệnh này. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 300 trường hợp viêm não vi rút, trong đó 9 ca tử vong. Riêng tại bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm đến nay, tiếp nhận 176 ca viêm não, trong đó có 24 trường hợp là viêm não Nhật Bản. Còn trong tháng 6 đã có 21 trẻ nhập viện vì viêm não. Đáng nói, có những trường hợp chịu di chứng nặng nề của viêm não Nhật Bản do cha mẹ quên cho trẻ đi tiêm vắc xin đủ mũi.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/can-trong-voi-viem-nao-nhat-ban-dang-bung-phat-o-tre-trong-mua-nang-d116539.html