Cẩn trọng với vết cắn 'tử thần' từ các loài nhện xung quanh nhà

Theo các chuyên gia côn trùng, người dân không nên chủ quan trước loài nhện độc màu đen bởi nếu chúng cắn có thể gây tử vong.

Suýt tử vong vì nhện nâu trong nhà

Cũng giống như nhiều loại côn trùng khác như bọ cạp, ong... nhện không “hiền lành” như nhiều người lầm tưởng, ở một số loài nhện có chứa chất độc gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí có thể gây chết người nếu chẳng may bị chúng cắn phải.

Trước đó, bé gái Abbie Kinnaird (8 tuổi - ở Colchester, Essex, Anh) đã bị hoại tử tay do bị nhện cắn khiến nhiều người phải sợ hãi về sự nguy hiểm của loài côn trùng này.

Điều đáng nói, khi bị một con nhện từ trần nhà tắm xà xuống cắn, trên mu bàn tay của bé chỉ để lại một lỗ. Không lâu sau, vết thương tưởng chừng như vô hại đó bị hoại tử nhanh chóng.

Cô bé phải nhập viện do nhện độc tại nhà cắn. Ảnh:

Cô bé phải nhập viện do nhện độc tại nhà cắn. Ảnh:

Bà Hayley Kinnaird cũng cho biết, sau nhiều ngày phải nằm điều trị tại bệnh viện, cô con gái đáng thương đã vô cùng sợ hãi khi nghĩ tới việc phải trở về căn hộ của mình. Để đảm bảo an toàn cho các thành viên trong nhà, bà mẹ đã yêu cầu các chuyên gia kiểm soát dịch hại đến nhà để phun thuốc diệt nhện vì sau đó bà phát hiện thêm 2 con nhện khác trên giường của bé.

Các chuyên gia kiểm soát dịch cũng cho biết họ đã phát hiện có rất nhiều nhện độc hại ẩn náu trong căn hộ của bà Hayley khi tiến hành phun thuốc diệt côn trùng, nên khuyên gia đình bà không nên chuyển về nhà ngay khi sự nguy hiểm chưa được kiểm soát.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên khi một em bé bị nhện cắn với mức độ tương đối nguy hiểm, hồi tháng 11/2014 cậu bé Branson Riley Carlisle (5 tuổi - ở Albertsville, Alabama, Mỹ) đã tử vong do bị nhện cắn trong lúc mặc một bộ đồ ngủ mới trước sự bàng hoàng của rất nhiều người.

Cụ thể, trong khi cậu bé còn chưa hết niềm vui khi được diện bộ quần áo mới trước giờ đi ngủ, con nhện độc ẩn náu trong bộ quần áo này đã cắn vào vai của cậu bé khiến vết thương bị sưng tấy lên gây đau đớn. Cậu bé đáng thương Branson Riley Carlisle (5 tuổi) đã mất mạng khi bị một con nhện cắn.

Mặc dù được gia đình vội vã đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay sau đó, nhưng cậu bé đã không qua khỏi trước sự đau đớn của người mẹ.

Những trường hợp kể trên như một lời cảnh báo tới các ông bố bà mẹ, khi trong nhà có trẻ nhỏ cần lưu ý hơn đến việc vệ sinh nhà cửa, để đảm bảo an toàn cho bé khi ở trong chính căn nhà ấm cúng của mình.

Nhện "góa phụ đen" độc hơn 15 lần rắn chuông

Nói tới loài nhện độc không thể không kể tới loài nhện màu đen. Theo IFL Science, nhện "góa phụ đen" có kích thước lớn hơn một chiếc kẹp giấy. Toàn thân con vật màu đen, với hình đồng hồ cát màu đỏ đặc trưng trên bụng. Tên của loài này có thể bắt nguồn từ việc con cái thường ăn thịt con đực sau khi giao phối. Nọc độc của nhện góa phụ đen mạnh hơn 15 lần so với rắn chuông.

Vết nhện cắn cho cảm giác giống như kim châm. Trong vòng 15 phút, hiện tượng co rút cơ bắt đầu xảy ra. Sau một giờ, bắp đùi, lưng và vai là những cơ bắp đầu tiên bị co giật mạnh. Nọc độc làm tê liệt hệ thống dẫn truyền thần kinh.

Loài nhện đen cực kỳ độc người dân nên tránh nếu gặp chúng. Ảnh minh họa

Sau 1 - 3 giờ, các cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn, khiến bụng nạn nhân căng cứng như tấm ván. Chất độc alpha-latrotoxin có trong nọc độc gây lê liệt và làm tổn thương đầu mút dây thần kinh.

Sau 3 - 12 giờ, da nạn nhân trở nên lạnh và ẩm ướt. Hiện tượng khó thở, mạch yếu, mê sảng, tình trạng đau đớn và co giật tăng lên. Phụ nữ mang thai có thể lên cơn đau đẻ. Các chất morphine và barbiturate thường được dùng để giảm mức độ gia tăng cơn đau và co giật. Huyết thanh kháng nọc độc (antivenom) chế tạo từ huyết tương ngựa là giải pháp cuối cùng để cứu sống nạn nhân.

Vết cắn của nhện "góa phụ đen" hiếm khi gây tử vong cho người lớn khỏe mạnh. Sau 12 - 24 giờ, cơn đau và các triệu chứng bắt đầu giảm dần. Đa số nạn nhân phục hồi hoàn toàn sau 3 - 5 ngày, nhưng thể trạng yếu đuối và đôi lúc bị co giật kéo dài suốt nhiều tuần và nhiều tháng. Nhện góa phụ đen được tìm thấy ở hầu hết các châu lục. Nhện cái chỉ cắn người khi bị đe dọa hoặc để bảo vệ trứng.

Cách phòng tránh nhện cắn

Nhện thường tấn công ngôi nhà của chúng ta nhiều nhất vào mùa thu do chúng đi tìm một nơi ấm áp để tránh rét mùa đông. Có nhiều cách để ngăn chặn và kiểm soát các vấn đề liên quan đến nhện trong nhà như:

- Hút bụi thường xuyên, quét sạch các mạng nhện lớn

- Bít kín các khe hở trên tường và dưới các cửa để ngăn không cho nhện vào nhà

- Dọn sạch những nơi nhện thường trú ẩn như đống củi, đống phân ở gần nhà của bạn

- Sử dụng đèn chiếu sáng theo cách kém hấp dẫn hơn đối với những loài côn trùng mà nhện thường ăn.

- Dùng nước xà phòng lạnh để rửa sạch vùng da bị nhện cắn. Bước này sẽ giúp làm sạch vết thương và ngừa nhiễm trùng.

- Dùng túi đá lạnh chườm lên vết cắn, chườm khoảng 20 đến 30 phút để giảm cơn đau và giảm sưng.

- Nhấc tay, chân bị nhện cắn lên cao. Bước này giúp giảm sưng tấy và giảm viêm.

- Theo dõi vết cắn trong 24 tiếng để đảm bảo các triệu chứng không nặng thêm. Qua vài ngày, vết sưng phải giảm và chỗ bị cắn phải bớt đau. Nếu các triệu chứng không giảm bớt, hãy gọi cho trung tâm trúng độc hoặc đến gặp bác sĩ.

- Trong một số trường hợp, vết cắn do nhện không độc có thể gây phản ứng dị ứng. Hãy gọi ngay cho dịch vụ y tế khẩn cấp nếu người bị nhện cắn có các triệu chứng sau: Khó thở, buồn nôn, co thắt cơ bắp, các tổn thương trên da, khó nuốt do bị thắt chặt cuống họng, đổ mồ hôi nhiều, muốn xỉu.

An Dương (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/can-trong-voi-vet-can-%E2%80%98tu-than%E2%80%99-tu-loai-nhen-xung-quanh-nha-d129352.html