Cẩn trọng với Paracetamol

Paracetamol là trong những loại thuốc phổ biến dùng để điều trị các triệu chứng đau đầu, đau lưng, đau răng, cảm lạnh, sốt,... cho cả người lớn, trẻ em. Tuy nhiên nếu người bệnh tự ý mua lạm dụng và không có sự chỉ định của bác sĩ, sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí dẫn đến tử vong.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngộ độc vì sử dụng Paracetamol quá liều

Gần đây nhất, vào ngày 16/8/2019, Khoa Cấp cứu - Hồi sức Tích Cực, bệnh viện Nhi Đồng thành Phố (TP Hồ Chí Minh) vừa tiếp nhận cấp cứu cho một trường hợp ngộ độc vì thuốc paracetamol, loại 500mg. Bệnh nhi là N.T.H.V (13 tuổi, nữ, ngụ tại Tiền Giang). Lúc nhập viện, bệnh nhi trong tình trạng lừ đừ, nôn ói, chóng mặt, mạch nhanh, tay chân lạnh,… Gia đình bệnh nhi cho biết, trước đó V đã tự uống 40 viên thuốc paracetamol 500mg (thuốc gia đình mua để ở nhà uống trị nhức đầu cảm cúm). Sau 2 giờ uống thuốc cháu chóng mặt, buồn nôn, mệt, nhắn tin cho ba biết tình hình, ba chạy về ngay đưa V vào bệnh viện địa phương. Bệnh nhi được rửa dạ dày, cho uống than hoạt tính, song tình trạng diễn tiến không thuận lợi. Bệnh nhi tiếp tục đừ mệt, nôn ói, xét nghiệm máu cho thấy men gan tăng rất cao gần 1000 đv/L (bình thường < 40-50 đv/L) nên lập tức được chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố. Sau 3 ngày điều trị tích cực, tăng thải và truyền thuốc giải độc tính Paracetamol, tình trạng của em V. cải thiện dần, men gan giảm đáng kể,

Tương tự, ngày 14/8/2019 vừa qua, Khoa Cấp cứu (Trung tâm Sản Nhi Phú Thọ) cũng tiếp nhận bệnh nhi T.V.D (2 tuổi, ở Thanh Sơn, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng nguy kịch với những biểu hiện nghi ngộ độc thuốc hạ sốt paracetamol. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng lơ mơ, mệt lả, sốt 38 độ, khó thở nhiều, ho khò khè, tim nhịp nhanh, phổi thông khí kém, gan to dưới bờ sườn 2 cm. Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhi bị suy hô hấp toan chuyển hóa nặng (PH 7.1) trên nền viêm phổi, theo dõi ngộ độc paracetamol. Sau khi được bác sĩ sơ cấp cứu ban đầu, bệnh nhi được chuyển lên khoa hồi sức tích cực - chống độc.

Tại đây, bệnh nhi được đặt ống nội khí quản, thở máy, rửa dạ dày, bù kiềm. Tuy nhiên, 2 giờ sau khi vào viện, bệnh nhi rơi vào hôn mê, đồng tử 2 bên co nhỏ, phản xạ ánh sáng kém, tim nhịp nhanh, huyết áp tụt, triệu chứng suy gan cấp, rối loạn đông máu nặng, men gan tăng cao. Các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp bệnh nặng, tiên lượng tử vong nếu không được ghép gan. Sau khi được điều chỉnh các chức năng sống cơ bản, bệnh nhi được chuyển tuyến xuống Bệnh viện Nhi trung ương tiếp tục điều trị. Theo chia sẻ của gia đình cháu T.V.D, 4 ngày nay cháu sốt cao từng cơn, kèm theo tình trạng ho khò khè nên cho uống thuốc hạ sốt Paracetamol 500mg x 4 viên/ngày, đã uống 4 ngày.

Trước đó ngày 29/4/2019, khoa Hồi sức Cấp cứu – Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cũng tiếp nhận một nữ du khách quốc tế bị ngộ độc thuốc Paracetamol do sử dụng quá liều. Bệnh nhân là nữ giới (43 tuổi), là khách du lịch Úc. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng, mệt mỏi, chán ăn, sốt, có dấu hiệu suy gan cấp. Trước đó, người bệnh đã tự mua và uống 30 viên Paracetamol (15g) để giảm đau chỉ trong vòng 2 ngày. Các chỉ số xét nghiệm men gan tăng cao từ 700 UI/L lên đỉnh điểm là gần 7000 UI/L, rối loạn đông máu nặng, các bác sĩ đã ngay lập tức điều trị tích cực bằng phác đồ giải độc gan N-acetylcystein (NAC), điều trị hỗ trợ gan, điều chỉnh rối loạn đông máu. Sau ngày điều trị, tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, chỉ số xét nghiệm men gan (SGOT-SGPT) đã giảm về mức an toàn, chỉ số rối loạn đông máu đã ổn định, ăn uống tốt.

Dùng Paracetamol đúng cách

Paracetamol (acetaminophen) là hoạt chất giúp giảm đau và hạ sốt. Paracetamol được sử dụng để điều trị các triệu chứng như đau đầu, đau cơ, đau khớp, đau lưng, đau răng, cảm sốt,… Thuốc có tác dụng giảm đau ở người bị viêm khớp nhẹ, nhưng không có tác dụng đối với viêm nặng hơn (viêm sưng khớp cơ).

Paracetamol là loại thuốc hạ sốt lành. Tuy nhiên, người bệnh sử dụng quá liều lượng có thể dẫn đến ngộ độc, gây những tổn thương nặng cho gan và các bộ phận khác. Liều tối đa của paracetamol cho người lớn là 4g (4000mg) mỗi ngày. Nếu người bệnh uống nhiều hơn ba loại đồ uống có cồn mỗi ngày, cần nói với bác sĩ trước khi dùng paracetamol và không bao giờ dùng quá 2g (2000mg) mỗi ngày. Nếu đối tượng là trẻ em, cần sử dụng dạng paracetamol dành cho trẻ em và cẩn thận làm theo hướng dẫn định lượng trên nhãn thuốc.

Theo Dược sĩ, Tiến sĩ Phan Quỳnh Lan - Giám đốc khối Dược Hệ thống Y tế Vinmec - Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, Paracetamol dành cho trẻ em thường được bào chế dưới dạng gói bột, dạng sirô và viên nhét hậu môn, với hàm lượng 80 mg, 150 mg, 250 mg và 300mg. Dạng gói bột thường có mùi hương thơm của các loại trái cây, có vị ngọt rất hợp với sở thích của trẻ, trẻ sẽ không sợ khi sử dụng. rất tiện lợi khi trẻ sốt chỉ cần pha thuốc với nước sôi nguội là có thể cho trẻ uống. Dạng sirô có nhiều mùi vị khác nhau, giúp trẻ uống thuốc được thuận lợi và hiệu quả hạ sốt cũng tương tự như với dạng gói bột. Ngoài ra, viên nhét hậu môn được dùng khi trẻ sốt li bì không uống được, bị nôn ói, co giật hay khi trẻ ngủ bố mẹ không muốn đánh thức.

Liều dùng paracetamol thông thường từ 10-15 mg/kg cho một lần uống và tối đa không quá 60 mg/kg trong một ngày. Mỗi ngày uống không quá 4-6 lần, khoảng cách giữa các lần ít nhất là 4h. Khi cho trẻ uống thuốc paracetamol cần phải tuân thủ khoảng cách an toàn giữa hai lần uống, nếu không trẻ sẽ bị quá liều paracetamol. Khi trẻ bị sốt trên 38,5 độ C (đo nhiệt kế ở nách), nên sử dụng thuốc để hạ cơn sốt. Riêng trẻ nhỏ có bệnh lý về gan, vàng da do tắc mật... thì không được dùng thuốc tại nhà. Khi dùng thuốc, nếu trẻ xuất hiện dấu hiệu mệt mỏi, rối loạn đường tiêu hóa (như tiêu chảy, nôn) da xanh, ngủ li bì, cần ngừng thuốc ngay lập tức và đưa trẻ đi khám để được theo dõi điều trị kịp thời.

Mai Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/song-khoe/can-trong-voi-paracetamol-467903.html