Cẩn trọng với những cơn đau đầu dữ dội của người trẻ

Gần đây nhiều bệnh đang trở nên 'trẻ hóa', trong đó có xuất huyết não. Nếu như trước đây các ca bệnh chủ yếu xuất hiện ở độ tuổi ngoài 50, thì ngày nay đã có nhiều ca bệnh chỉ ngoài 20 tuổi.

Xuất huyết não ngày càng có nguy cơ trẻ hóa.

Xuất huyết não ngày càng có nguy cơ trẻ hóa.

Nguy hiểm tính mạng

Đột ngột đau đầu dữ dội, chị T.T.M (SN 1985) được đồng nghiệp đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Gia An 115 (TP.HCM). Tại đây, chị được phát hiện xuất huyết màng não với lượng nhiều.

Ngày 3/7, bệnh viện Gia An 115 cho biết, vừa điều trị thành công 1 ca biến chứng nặng sau cơn đau đầu dữ dội. Bệnh nhân tên T.T.M., SN 1985, ngụ huyện Krông Buk (Đắk Lắk).

Thời điểm nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng đau đầu dữ dội, không nôn ói, không yếu liệt. Qua kết quả CT cho thấy, bệnh nhân bị xuất huyết khoang dưới nhện ở trán trái và các rãnh vỏ não với lượng nhiều. Ngoài ra, bệnh nhân còn được phát hiện dị dạng phình động mạch não, kích thước lớn và dị dạng thông động - tĩnh mạch não. Theo tiền sử bệnh lý, bệnh nhân đã 3 lần thực hiện phẫu thuật nút AVM động mạch não tại các bệnh viện lớn như Chợ Rẫy (TP.HCM), Bạch Mai (Hà Nội)...

Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành hội chẩn nhanh để đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất. Theo đó, vì bệnh nhân bị xuất huyết dưới nhện do vỡ túi phình động mạch não trước nên bác sĩ quyết định phải can thiệp nút mạch túi phình. Tuy nhiên, do bệnh nhân đã 3 lần thực hiện nút mạch AVM và 1 lần thực hiện Gamma knife, giờ bị xuất huyết màng não tái phát nên các bác sĩ tiên lượng dè dặt.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Hậu - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng và ê kíp, nhanh chóng tiến hành chụp và nút dị dạng thông động tĩnh mạch não số hóa xóa nền để cứu sống bệnh nhân, hạn chế tối đa biến chứng do xuất huyết não.

Sau khi bệnh nhân được gây mê nội khí quản, các bác sĩ đã đặt ống dẫn vào động mạch đùi phải, đưa vi ống thông vào động mạch não trước bên trái... Thủ thuật được kết thúc an toàn, không tai biến, bệnh nhân không bị mất máu, vết mổ sạch. Sau đó, bệnh nhân được điều trị phục hồi và xuất viện.

Tuyệt đối không chủ quan

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hậu chia sẻ, dị dạng mạch máu não là nguyên nhân phổ biến dẫn đến xuất huyết não. Đột quỵ xuất huyết não có tỉ lệ tử vong và tàn phế rất cao. Do đó, khi thấy người thân có các triệu chứng như: Đau đầu dữ dội kèm theo buồn nôn, nôn, co giật, rối loạn ý thức, cần đưa ngay đến bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ để xử trí kịp thời, tránh những nguy cơ đáng tiếc.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hậu cho biết thêm, xuất huyết não trước đây chủ yếu gặp ở nhóm người cao tuổi (độ tuổi trung bình là 50 - 70 tuổi), thường có tiền sử bệnh mãn tính như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, nhất là những người không điều trị thường xuyên. Tuy nhiên, hiện nay, đột quỵ (cả nhồi máu não và xuất huyết não) đang gia tăng ở người trẻ. Do đó, việc đi khám định kỳ ít nhất 6 tháng/lần để biết tình hình sức khỏe của bản thân là rất cần thiết. Những người có nguy cơ đột quỵ cao như người bị dị dạng mạch máu não, phình/hẹp tắc động mạch, người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, người bị rối loạn đông máu, người có bệnh lý về gan, u não, người có tiền sử béo phì, cholesterol trong máu cao, xơ vữa động mạch... nên tiến hành tầm soát nguy cơ đột quỵ.

“Người trẻ nếu thường xuyên xuất hiện triệu chứng đau đầu, dù chỉ là đau đầu thoáng qua, cũng không nên chủ quan. Bởi vì, nếu chủ quan và đột quỵ xuất huyết não xảy ra, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn, như vậy chính là mạo hiểm với tính mạng, cuộc sống của mình”, bác sĩ Hậu cho biết thêm.

Nguyễn Lành

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ nhật (27)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/doi-song/can-trong-voi-nhung-con-dau-dau-du-doi-cua-nguoi-tre-a330480.html