Cẩn trọng với chó cảnh

Trong thời gian gần đây, liên tiếp nhiều trường hợp người nhà bị chó nuôi cắn trọng thương, thậm chí tử vong. Đây cũng là lời cảnh báo đến những người yêu chó cảnh, nhưng không chú ý đến kiến thức đảm bảo an toàn cho bản thân và người xung quanh.

Hiện nay, nuôi chó cảnh là một trong những sở thích được nhiều gia đình lựa chọn. Có người chọn loại nhỏ, nặng chỉ vài kg, nhưng cũng có chủ "khoái" những chú chó "tây" lực lưỡng, nặng hàng chục kg. Tuy nhiên, nhiều gia đình đã bị gặp nạn vì chó.

Mới đây nhất là một trường hợp nam bệnh nhân 49 tuổi, ở Hà Nội đã bị chó béc giê nhà nuôi cắn đến tử vong. Bác sĩ Dương Ngọc Thắng, Khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết, bệnh nhân là N.V.T. (49 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhập viện ngày 19-8 trong tình trạng sốc rất nặng do mất máu cấp, hôn mê sâu, huyết áp và mạch ngoại vi không đo được, băng vết thương đẫm máu.

Ngoài ra, bệnh nhân có 2 vết thương ở vùng cổ bên phải, vết cắn nham nhở, nằm trên đường đi của bó mạch cảnh (mạch máu chính nuôi não) đang tiếp tục chảy máu.

Người nhà cho biết, trước đây bệnh nhân bị tai nạn giao thông nên bị cắt cụt chân phải, di chuyển bằng nạng. Ngày 19-8, bệnh nhân đang ở nhà và thấy 2 con chó cắn nhau nên đã cầm nạng đánh vào 2 con chó. Thấy vậy, cả 2 con chó quay lại cắn vào vùng cổ của ông T.

Sự việc đau lòng trên xảy ra khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng. Tuy vậy trên thực tế, đây lại không phải là trường hợp hiếm gặp bởi nhiều bệnh viện (BV) trên cả nước thời gian qua đã có nhiều bệnh nhân nhập viện vì bị chó cắn. Cũng tại BV Việt Đức, cách đây chừng 1 tháng, bé gái 8 tháng tuổi (Đội Cấn, Hà Nội) đã tử vong do bị chó ngao Tây Tạng cắn.

Còn tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi cho biết, có thời điểm chỉ trong một tuần đã có 2 bệnh nhi bị tử vong do chó cắn và phát bệnh dại. Thương tâm nhất là trường hợp bé N.T.L. (9 tuổi, ở Lạng Sơn) tử vong chỉ nửa ngày sau khi nhập viện do bị chó cắn. Gia đình cho biết có nuôi chó mẹ và đàn chó con. Tuy nhiên, chó mẹ cũng không được tiêm phòng đầy đủ. Khi chó mẹ có biểu hiện ốm, gia đình bán đi và giữ đàn chó con tiếp tục chăm sóc.

Bác sĩ Lê Việt Khánh, Phó khoa Cấp cứu Tiêu hóa, bệnh viện Việt Đức.

Trong quá trình chăm sóc chó, bé bị một con chó con gặm vào tay nhưng cũng không nói với gia đình. Khi bé phát bệnh, gia đình mới đưa đến BV địa phương cấp cứu rồi chuyển xuống Hà Nội. Khi đó, bé L. nhập viện trong trạng thái kích thích tinh thần, sợ gió, sợ nước và tiến triển bệnh ngày càng nặng. Dù được các bác sĩ tích cực hỗ trợ nhưng bé đã tử vong.

Ngoài ra, còn rất nhiều các trường hợp đã bị chó cắn dẫn đến chấn thương nặng. Như trường hợp bé 10 tuổi ở Hưng Yên bị chó béc giê nhà nuôi cắn vào vùng vai gáy và vùng tay phải đến BV Bạch Mai cấp cứu. Hoặc trường hợp bé ở Hòa Bình bị chó cắn, nhưng gia đình không đưa đến BV. Chỉ đến khi bé có biểu hiện của bệnh dại, gia đình mới đưa đến cơ sở y tế cấp cứu,…

Chơi chó cảnh là sở thích của mỗi người và được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, nhiều người chỉ nuôi theo sở thích mà không tính đến những hiểm nguy tiềm ẩn, nhất là với những loại chó có bản tính hung dữ, trọng lượng cơ thể lớn.

Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ một cửa hàng bán chó cảnh ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, đã nuôi và tư vấn cho rất nhiều khách hàng về những loại chó có thể nuôi trong nhà. Tuy nhiên, chị rất ít khi tư vấn cho khách nên nuôi các giống chó săn, chó hung dữ. Chị Hoa cho rằng, những con chó như ngao Tây tạng, chó béc giê, Pit Bull,… vốn rất hung dữ, dùng để săn mồi thường. Loại chó này được thuần chủng, huấn luyện để làm chó bảo vệ.

Vì vậy, khi nuôi ở nhà nhưng bản tính hung hãn và bản năng hoang dã của loài thú vẫn còn. Bình thường, các loại thú nuôi này rất ngoan hiền, nhưng khi bị "kích thích" thì chúng trở nên hung dữ, rất khó kiểm soát. Đó là chưa kể, nhiều chủ chó chỉ nuôi, mà "quên" tiêm vaccine phòng bệnh cho chó. Vì vậy, có trường hợp bị chó cảnh cắn đã phát bệnh dại dẫn đến tử vong.

Chó Béc giê được nhiều gia đình nuôi.

Ngoài ra, nhiều chủ nuôi vẫn chưa tuân thủ các quy định của pháp luật. Hầu hết các loại chó cảnh ở Việt Nam đang được thả rông. Chủ chó không có các biện pháp cách ly và bảo vệ an toàn cho người như: rọ mõm, xích chuyên dụng, chuồng nhốt,… Người dân có thể bắt gặp những con chó ngao, chó béc giê to tớn, hung tợn ngay trên đường đi, trong công viên gây nguy hiểm cho người xung quanh.

Cũng có những trường hợp chó nằm ở chỗ tối buồn bã, ủ rũ, không ăn uống. Phần lớn chó bị dại tính tình thường thay đổi, nằm yên một chỗ, lừ đừ hay kích động chạy rông, cắn xé hoảng loạn hay liệt chân nên hay chạy vòng tròn, chảy nước bọt, nấp vào chỗ tối, lờ đờ rồi chết.

Khi bị chó cắn, việc sơ cứu ban đầu rất quan trọng. Bác sĩ Lê Việt Khánh cho biết, khi bị chó cắn, người nhà cần sơ cứu và rửa ngay vết thương bằng xà phòng hoặc nước sạch trong vòng 15 phút. Tốt nhất nên rửa vết thương dưới vòi nước chảy sau đó sát trùng lại bằng cồn hoặc cồn i-ốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết thương.

Có thể sử dụng các chất sát trùng thông thường, sẵn có trong nhà như rượu, cồn, xà phòng, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Khi nạn nhân bị mất máu quá nhiều, cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu cầm máu kịp thời.

Gia đình không nên cố xử lý cầm máu tại nhà, sẽ dẫn đến sốc mất máu không hồi phục.

Đặc biệt, khi bị chó cắn, người dân không nặn bóp, bôi dầu hỏa hoặc các chất kích thích hoặc đắp lá vào vết thương. Người bị chó cắn phải đến ngay các điểm tiêm phòng dại để được khám, xử lý vết thương theo quy trình khi bị súc vật cắn. Tại đây, bệnh nhân sẽ được tư vấn tiêm vaccine dại hoặc tiêm cả huyết thanh kháng dại để phòng bệnh dại.

Thùy Hương

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/can-trong-voi-cho-canh-508222/