Cẩn trọng thi trắc nghiệm 100% môn toán

'Mô hình thi trắc nghiệm 100% môn Toán ở kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia là 'hết sức sai lầm và có hại lớn đối với sự nghiệp chấn hưng giáo dục'.

Đó là một trong những nội dung trong bức thư gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để bày tỏ sự lo lắng về mô hình thi trắc nghiệm hoàn toàn môn Toán và kiến nghị xem xét lại việc thi trắc nghiệm với bộ môn này của GS Phùng Hồ Hải - Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam.

Để đưa ra luận điểm cần phải thi trắc nghiệm, một số người thường lấy lý do là giảm tải chương trình. Rồi, người ta thường viện dẫn thi trắc nghiệm ở nước ngoài ra sao, trong đó có Mỹ. Nhưng vấn đề ở chỗ, ở Mỹ, SAT là cuộc thi trắc nghiệm do một tổ chức tư nhân điều hành, bao gồm 2 phần: đọc và viết tiếng Anh (tối đa 800 điểm), và Toán (tối đa 800 điểm). Kết quả của kỳ thi này không bắt buộc phải dùng đối với các đại học Mỹ.

Liên quan đến vấn đề này, một vị quan chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo từng nói rằng: “Để có thể trả lời vừa đúng, vừa nhanh, thí sinh phải nắm vững, hiểu rõ, hiểu sâu các kiến thức lí thuyết đã được học trong phạm vi chương trình; đồng thời, phải có những kinh nghiệm đã được tích lũy trong quá trình luyện tập giải toán; có khả năng phân tích linh hoạt, sáng tạo các tình huống toán học thường gặp...

Tức là, thi trắc nghiệm môn Toán vẫn cần đến sự tư duy và logic làm bài của thí sinh chứ không có chuyện đánh bừa. Có lẽ do nhiều người chưa hiểu sâu về hình thức thi trắc nghiệm nên đã có những hiểu nhầm đáng tiếc”.

Thế nhưng, những luận giải cho đề án thi trắc nghiệm 100% môn Toán của Bộ Giáo dục vẫn được áp dụng dù không nhận được sự đồng tình cao của giới chuyên gia, nhà giáo nói riêng và dư luận nói chung. Bởi lẽ, mặt trái của việc thì trắc nghiệm hoàn toàn môn Toán nhiều hơn là cái được của nó.

Mới đây, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) chia sẻ: “Thi trắc nghiệm 100% môn Toán và nhiều môn khác trong kỳ thi THPT quốc gia không mang lại kết quả gì trong việc đánh giá học sinh đó bởi hình thức này tạo điều kiện cho quay cóp rất nhanh và cuối cùng khi một người sai sẽ dẫn đến những người khác sai cả loạt, không phản ánh được chất lượng thực sự của người học”.

Nói cách khác, thi trắc nghiệm không phải là hình thức có thể áp dụng phổ biến cho tất cả các môn học. Đối với những môn học cần phải tư duy, suy nghĩ, như Toán, Vật lý... không nên thi trắc nghiệm mà phải thi tự luận. Trong đó, làm toán là quá trình rèn tư duy lập luận, chứ không phải chỉ nhằm tìm ra một đáp án duy nhất.

Đối với học sinh phổ thông quá trình học tập không chỉ là quá trình lĩnh hội kiến thức mà là quá trình rèn luyện và phát triển tư duy. Nếu quan điểm rằng học để lấy kiến thức, còn thi cử chỉ là hình thức để đánh giá mức độ thu nhận kiến thức là không đúng với đối tượng học sinh phổ thông.

Với hình thức thi như hiện nay (đối với môn Toán), với cách dạy như hiện nay (theo tài liệu cải cách) thì học sinh chỉ có đánh bừa mới hoàn thành 60 câu trong 90 phút. Như vậy vô hình chúng ta dạy cho học sinh sự dối trá.

Chưa dừng lại ở đó, tác hại lớn nhất của kỳ thi liên quan mục tiêu thứ hai của nó, là xét tuyển vào đại học. Nói như Viện trưởng Viện Toán học Phùng Hồ Hải nhận định thì “đối với môn Toán, năng lực đầu vào của sinh viên hiện nay ở mức báo động. Do đối phó kiểu thi tốt nghiệp, các em hoàn toàn không được chuẩn bị kiến thức Toán học căn bản để có thể tiếp thu kiến thức ở bậc đại học. Đó là chưa nói đến chất lượng đề thi không giúp chọn được đúng học sinh năng lực. Ngoài ra, thời gian học đại học đang bị rút ngắn. Hệ quả là chúng ta sẽ phải cho ra trường những sinh viên ‘không có mấy chữ trong bụng’”.

Còn đối với giáo viên, những cụm từ “lời giải hay, độc đáo, thông minh…”; Hay “đề ra hay, độc đáo”… không bao giờ được nhắc tới nữa. Những bài tập hay khó đối hỏi tính suy luận cao không ai đưa vào dạy nữa (vì học sinh không có hứng học). Học sinh chỉ học cách đi đến kết quả nhanh nhất dù bằng bất kỳ cách nào…v..v.

Nếu những mâu thuẫn trên không được giải quyết sớm thì e rằng mục đích thay đổi thi cử của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chệch hướng.

Giáo dục là phải lấy chất lượng của con người, nhân tính của con người làm chính, mục tiêu của giáo dục là dạy làm người và làm nghề. Ấy thế mà, chưa bao giờ xã hội Việt Nam nhìn nền giáo dục với tâm trạng khắc khoải, bất an như hiện nay.

Sông Hàn

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức cùng cơ hội nhận quà tặng hàng tháng.

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/can-trong-thi-trac-nghiem-100-phan-tram-mon-toan-160992.html