Cẩn trọng những biến chứng sau phẫu thuật cận thị nguy hiểm!

Phẫu thuật cận thị ngày càng hiện đại, an toàn hơn. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể thúc đẩy những biến chứng sau phẫu thuật cận thị xảy ra. Những biến chứng hay gặp có thể kể đến như khô mắt, chói mắt, nhìn đôi,...

Nội dung:

1. Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật cận thị
2. Các biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật cận thị

Phẫu thuật cận thị ngày càng trở nên nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn và an toàn hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp không mong muốn, biến chứng sau phẫu thuật cận thị vẫn có thể xảy ra đối với sức khỏe người bệnh.

1. Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật cận thị

Không phải bất kỳ trường hợp nào thì bệnh nhân cũng sẽ có nguy cơ giống nhau khi phải đối diện với các biến chứng sau phẫu thuật cận thị, một số nhóm bệnh nhân với các tình trạng đặc biệt có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra những biến chứng này trên thực tế.

Nhiều yếu tố khác nhau có thể thúc đẩy xảy ra các biến chứng sau phẫu thuật cận thị (Ảnh: Internet)

Nhiều yếu tố khác nhau có thể thúc đẩy xảy ra các biến chứng sau phẫu thuật cận thị (Ảnh: Internet)

- Người bị khô mắt: Tình trạng bài tiết nước mắt kém đã có từ lâu có thể làm phối hợp với tình trạng khô mắt sau phẫu thuật cận thị làm cho tình trạng khô mắt của bệnh nhân ngày càng tồi tệ hơn.

- Hệ miễn dịch suy giảm: Hệ miễn dịch bị suy giảm do dùng thuốc, do bẩm sinh hay do mắc phải (HIV),... đều làm giảm khả năng chống chọi của cơ thể đối với các yếu tố xâm nhập từ bên ngoài vào cơ thể. Điều này dễ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng hơn so với trên một bệnh nhân có hệ miễn dịch bình thường.

- Đang có các tổn thương cấp tính tại mắt: Các tổn thương cấp tính đang diễn ra tại mắt như chấn thương mắt, viêm giác mạc, viêm màng bồ đào,... đều là những yếu tố làm gia tăng các nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật cận thị như nhiễm trùng,...

- Giác mạc quá mỏng: Khi giác mạc của bệnh nhân quá mỏng cũng sẽ khiến cho cuộc phẫu thuật trở nên rủi ro hơn, các vết mổ khó lành hơn và tổ chức sẹo kém chắc chắn,... điều này dễ gây nên những biến chứng sau phẫu thuật cận thị.

Bên cạnh đó còn có rất nhiều các yếu tố khác có thể làm gia tăng nguy cơ mắc biến chứng khi phẫu thuật cận thị, chẳng hạn như mắc các bệnh lý tự miễn, hoặc đã phẫu thuật ít nhất một lần trước đó,...

2. Các biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật cận thị

Như đã nói, biến chứng của phẫu thuật cận thị ngày càng ít xảy ra. Chúng có thể thay đổi từ những biến chứng nhẹ, cho đến các biến chứng rất nặng, đôi khi làm mất thị lực của người bệnh. Và cùng một biến chứng nhưng cũng có thể biểu hiện ở các mức độ khác nhau tùy thuộc theo phương pháp phẫu thuật cận thị mà bệnh nhân được thực hiện.

- Khô mắt: Khô mắt là biến chứng thường gặp nhất sau phẫu thuật cận thị. Điều này là do mắt thường giảm sản xuất nước mắt sau phẫu thuật, chính vì vậy khiến cho mắt bị khô. Mắt bị khô làm gia tăng ma sát giữa my mắt và bề mặt nhãn cầu, làm gia tăng nguy cơ tổn thương bề mặt nhãn cầu và vết mổ.

Khô mắt là biến chứng sau phẫu thuật cận thị thường gặp nhất (Ảnh: Internet)

Để khắc phục tình trạng khô mắt ở bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng các loại nước mắt nhân tạo giúp giữ ẩm cho mắt. Tuy nhiên, trong các trường hợp mà khô mắt ở bệnh nhân diễn ra quá nghiêm trọng thì ống lệ mũi ở người bệnh có thể được chặn lại để ngăn nước mắt chảy đi khỏi mắt và giữ cho mắt ẩm lâu hơn.

- Nhìn chói, nhìn đôi: Đây là tình trạng diễn ra rất phổ biến sau khi bệnh nhân thực hiện phẫu thuật cận thị. Điều này là do độ dày của giác mác bị thay đổi kéo theo là sự khúc xạ ánh sáng cũng thay đổi, trong khi cơ quan nhận cảm ánh sáng chưa thích nghi với điều này. Nhìn chói hoặc quầng đôi có thể gặp và khiến bệnh nhân khó chịu, tuy nhiên chúng thường sẽ giảm dần theo thời gian.

- Chậm lành vết mổ: Khi mà đường mổ quá rộng khiến một khối lượng lớn mô bị mất đi vượt qua khả năng tái tạo tổn thương bình thường của mắt thì quá trình lành vết thương có thể xảy ra. Hoặc tình trạng giác mạc của bệnh nhân quá mỏng cũng khiến vết thương khó lành hơn so với binh thường.

Khi mà đường mổ quá rộng khiến một khối lượng lớn mô bị mất đi vượt qua khả năng tái tạo tổn thương bình thường thì vết thường có thể lành chậm hơn (Ảnh: Internet)

- Nhiễm trùng: Giữ vệ sinh mắt không tốt sau phẫu thuật hoặc các thao tác trong phẫu thuật không đúng kỹ thuật có thể gây nên tình trạng nhiễm trùng sau phẫu thuật cận thị. Nhiễm trùng không chỉ gây nguy hiểm do nó có thể lan rộng ra các cấu trúc xung quanh và sâu vào trong mắt mà nó còn trực tiếp ức chế sự khôi phục tổn thương tại vết mổ.

- Loạn thị: Trong cuộc phẫu thuật, việc lấy đi các mô ở giác mạc một cách không đều có thể gây nên các vùng mỏng, dày khác nhau trên giác mạc. Điều này khiến ánh sáng khi qua giác mạc khúc xạ không đều và dễ dẫn đến tình trạng loạn thị ở bệnh nhân.

- Không cải thiện hoặc cải thiện thị lực rất hạn chế: Lấy đi quá ít các mô ở giác mạc nên giác mạc vẫn còn quá dày là nguyên nhân khiến thị lực của bệnh nhân sau khi đã phẫu thuật được cải thiện rất ít hoặc thậm chí không cải thiện gì so với trước khi phẫu thuật. Tuy nhiên, đối với những trường hợp này thì bệnh nhân có thể được giải quyết bằng một cuộc phẫu thuật sau đó.

Lấy đi quá ít các mô ở giác mạc nên giác mạc vẫn còn quá dày là nguyên nhân khiến thị lực cải thiện hạn chế (Ảnh: Internet)

- Giảm hoặc mất thị lực: Đây là một trong các biến chứng rất hiếm sau phẫu thuật cận thị. Một số rất ít bệnh nhân thấy rằng sau khi phẫu thuật cận thị thì thị lực của họ chẳng những không cải thiện mà còn giảm đi so với trước đó.

Có thể thấy rằng, mặc dù đã trở nên an toàn hơn so với trước kia, tuy nhiên vấn đề biến chứng sau phẫu thuật cận thị vẫn rất cần được quan tâm. Người bệnh nên tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ trước phẫu thuật và theo dõi chặt chẽ tình trạng bản thân để phát hiện, xử lý sớm các biến chứng của phẫu thuật cận thị nếu có.

Nguồn dịch: https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/lasik-eye-surgery/about/pac-20384774

QN

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/can-trong-nhung-bien-chung-sau-phau-thuat-can-thi-nguy-hiem-4120211617592981.htm