Cẩn trọng nấm độc trong mùa mưa

Ở Tây Nguyên, những tháng cuối xuân đầu hè cũng là vào đầu mùa mưa, là thời điểm các loại nấm mọc tự nhiên sinh sôi, phát triển, người dân lên nương rẫy thường có thói quen hái nấm về làm thức ăn cho gia đình. Tuy nhiên có nấm mang lại giá trị dinh dưỡng cao, mùi vị thơm ngon, nhưng cũng có những loại nấm cực độc.

Nấm dại “khủng” lần đầu xuất hiện tại Tây Nguyên, mới đây loài nấm dại có màu vàng nhú mọc nhỏ bé quanh gốc thanh long nhưng chỉ sau vài tiếng đồng hồ chúng vụt lớn bằng chiếc nón. Chị Phạm Thị Hồng Hạnh (SN 1994, ở phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), người đầu tiên phát hiện loài nấm “khủng” này cho hay: Mấy hôm nay mọi người ai cũng tò mò về việc mẹ con chị ra thăm vườn thì phát hiện một số cây nấm dại mọc quanh cây thanh long. Nghĩ là nấm dại nên bà không để ý. Chiều cùng ngày, chị Hạnh ra thăm thì thấy cây nấm lớn nhanh bất thường, đầu nấm to bằng chiếc nón lá, thân mềm, có màu vàng nhạt. Sợ nấm độc ảnh hưởng đến sức khỏe, bố mẹ chị dặn mọi người không được lại gần.

Nấm to bằng chiếc nón lá

Nấm to bằng chiếc nón lá

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Đại Nguyên – Trưởng bộ môn Sinh học, Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, loài nấm này thuộc Chi Boletus, Họ Boletaceae. Phó Gs. Ts Đại Nguyên từng nhìn thấy loài nấm này ở Huế nhưng có kích thước nhỏ hơn. Còn ở khu vực Tây Nguyên, đây là lần đầu ông thấy. Loài nấm này đa phần mọc dưới tán rừng thông và thường mọc theo cụm. Lý giải về sự xuất hiện của loài nấm “khủng” tại Tây Nguyên, Phó Gs. Ts Đại Nguyên cho rằng có thể là do có phôi nấm xuất hiện trong phân bón. Khi người dân bón cho cây, phôi nấm bắt gặp mưa phát triển rất nhanh. Nấm chỉ tồn tại khoảng 1 tuần rồi tự thối và chết dần. Nấm không gây ảnh hưởng đến cây trồng. Tuy nhiên, muốn biết loài nấm này có độc tố hay không thì cần phải nghiên cứu để xác định loài, phân tích cấu trúc. Người dân không nên ăn loài nấm dại, lạ chưa rõ nguồn gốc”, Phó Gs. Ts Đại Nguyên khuyến cáo.

Cũng là nấm rừng, nấm mối là loài nấm thường chỉ mọc gần các gò mối, nơi có nhiều củi mục vùng đất khô ráo, được người dân xem như “Lộc trời”. Trước đây, ở Tây Nguyên đâu đâu cũng nhìn thấy loại nấm mối này. Nấm mọc trong vườn cà phê, bên lề đường, bờ rào, thậm chí sau chái bếp nền đất, giờ nhà cửa san sát, các ụ mối cũng không còn nữa, nên nấm mối ít hẳn. Hiện vẫn chưa có ai nhân giống và trồng được loại nấm này trong khi nhu cầu tiêu dùng nấm mối rất lớn nên nhiều người có tiền vẫn không ăn được.

Nấm mối được bày bán ngoài chợ

Chị Đinh Thị Ngân (43 tuổi) trú xã Ea Tóh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk kể, nhà chị có 2 sào đất vườn, hầu như năm nào đến mùa mưa chị cũng có vài cân nấm mối, tùy từng năm mà trời cho lộc nhiều hay ít. “Năm nay, nấm trong vườn mọc ít, mang ra chợ bán 100.000 đồng/kg, nấm xấu hơn thì 70.000 đồng. Vừa ra đến chợ là người ta giành mua hết trơn”, chị Ngân chia sẻ.

Điều gì làm cho người ta ưa thích nấm mối đến vậy. Chính là loại nấm này mọc hoang. Nấm thường mọc ở những nơi mô đất xốp có mối làm tổ. Sau mưa, những bụi nấm sẽ đội đất ngoi lên. Nấm mối sau khi được cạo rửa sạch bùn đất bằng những thanh cật tre để sang năm nấm mối còn mọc tiếp, sau đó chế biến những món: nấm mối xào muối ớt, nấm mối nướng giấy bạc với tiêu xanh cùng thịt bò, và món cuối cùng là cháo nấm mối. Chẳng cần phải chế biến phức tạp, những món ăn từ nấm mối quyến rũ chúng ta vì mùi vị và độ dai của nó giống như thịt gà. Nhưng phải thưởng thức rồi mới biết được vị của nấm mối ngọt như thế nào.

Loài nấm khủng lần đầu xuất hiện tại Tây Nguyên

Nấm dại là loại nấm mọc tự nhiên, cũng như các loại nấm được trồng, nấm dại có vị tươi mát, chứa nhiều chất béo, protein, carbohydrates, chất xơ thô, khoáng chất và nhiều loại vitamin, nhờ vậy giúp tăng cường sức khỏe, tăng sức đề kháng, hỗ trợ dự phòng nhiều loại bệnh. Tuy vậy, việc ăn nấm dại luôn ẩn chứa nguy cơ ngộ độc. Thêm vào đó, việc ăn nhiều nấm dại một lúc hoặc thường xuyên ăn cũng có thể khiến đường huyết hạ thấp. Vì vậy, ngay cả khi không gây ngộ độc, nấm dại cũng có thể gây ra tình trạng mệt mỏi toàn thân.

Đối với đồng bào Tây Nguyên, nấm là món ăn khoái khẩu, đặc biệt là thời gian làm nương rẫy phải ở lại trên nương. Và hệ lụy là do thiếu kiến thức và không biết phân biệt được loại nấm nào ăn được và loại nấm nào là nấm độc, nên đã xảy ra các vụ ngộ độc nấm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng trong những năm qua. Trường hợp Y Hùng (21 tuổi) cùng Y Vinh (13 tuổi) ngụ buôn Kuốp, xã Đray Sáp, huyện Krông Ana vào thác Đray Nur, huyện Krông Ana chơi. Tại đây, 2 người phát hiện nhiều cây nấm có màu trắng nên hái mang về xào với mì tôm cho cả nhà ăn. Sau khi ăn được khoảng 1 giờ, 7 người đều xuất hiện triệu chứng buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt nên nhờ người đưa vào bệnh viện cấp cứu.

LÊ NHUẬN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tay-nguyen-vao-mua-nam-rung-moc-d73726.html