Cẩn trọng khi lắp lưới bảo hộ an toàn cho nhà chung cư

Sau sự việc bé gái 3 tuổi (ở Hà Nội) rơi từ tầng 12 chung cư xuống đất đã khiến vấn đề an toàn của trẻ em sinh sống trong các chung cư nóng lên. Thực trạng này khiến việc mua bán, lắp đặt lưới an toàn tại các dự án chung cư trở thành mối quan tâm lớn đối với cư dân.

Tuy nhiên, việc lắp lưới an toàn nhằm mục đích giảm tai nạn và phòng tránh sự cố xuất phát từ ban công, lô gia của các chung cư thế nào để đảm bảo an toàn về PCCC, cứu hộ cứu nạn và thoát hiểm khi có sự cố vẫn là vấn đề cần đặt ra. Bà Vũ Kiều Hạnh, quản lý cấp cao mảng bất động sản của Savills Việt Nam cho rằng, các thông tin về an toàn và phòng ngừa rủi ro cho tỏa nhà đã được quy định đầy đủ, đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng dành cho các công trình cao tầng.

Theo bà Hạnh, các quy định liên quan tới vấn đề an toàn chung cư cao tầng được áp dụng ngay từ khâu thiết kế, thẩm định, phê duyệt thiết kế, thi công, nghiệm thu và vận hành dự án. Các đơn vị thiết kế, chủ đầu tư, nhà thầu cần căn cứ vào những quy định này để rà soát tất cả các hạng mục công trình trước khi đưa vào sử dụng. Nếu người dân lắp lưới an toàn với chất liệu quá cứng hoặc quá chắc chắn sẽ gây khó khăn trong trường hợp giải cứu khi có hỏa hoạn và sự cố. Do đó, “Các chủ nhà khi có con nhỏ, nhất là trẻ em dưới 5 tuổi, nên cân nhắc thận trọng về chất liệu khi quyết định lắp lưới an toàn”, bà Hạnh lưu ý.

Lưới bảo hộ ngoài ban công không đủ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ nhỏ khi căn hộ chung cư còn có nhiều cửa sổ.

Lưới bảo hộ ngoài ban công không đủ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ nhỏ khi căn hộ chung cư còn có nhiều cửa sổ.

Ngoài ra, mỗi hộ dân chung cư cũng nên có những dụng cụ để có thể cắt phá phần dây lưới trong trường hợp có sự cố cần thoát nạn. Đặc biệt, không được sử dụng giải pháp bảo vệ bằng các vật liệu như khung sắt, khung inox vì khi có sự cố cháy nổ hoặc tình huống cần thoát nạn xảy ra, việc cắt phá những khung quá kiên cố này khó có thể thực hiện trong thời gian ngắn.

Theo quy định hiện hành, mỗi dự án nhà ở cần triển khai hoạt động kiểm soát an toàn và phòng ngừa rủi ro định kỳ 6 tháng một lần. Nhưng hiện có rất ít Ban quản lý và doanh nghiệp quản lý có bộ phận chuyên trách về kiểm soát an toàn và rủi ro này.

Đ.Thắng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/can-trong-khi-lap-luoi-bao-ho-an-toan-cho-nha-chung-cu-634280/