Cẩn trọng khi khối ngoại phân hóa

Trước đây, để theo dõi động thái của NĐTNN có thể căn cứ vào giá trị mua-bán, theo dõi một số CP blue chip. Nhưng hiện tại, nếu chỉ dựa vào các yếu tố “truyền thống” trên có thể sẽ rất phiến diện, thậm chí cụm từ “khối ngoại” cũng chưa chắc đã chính xác.

Từ chuyện thặng dư/chiết khấu của ETF

Thời gian gần đây, giới chứng khoán thường sử dụng thuật ngữ premium (thặng dư) và discount (chiết khấu) khi nói về hoạt động của các quỹ ETF (quỹ đầu tư theo chỉ số). Khi tiền đổ nhiều vào các quỹ ETF, dẫn đến giá chứng chỉ quỹ (CCQ) tăng, khi thị giá cao hơn so với giá trị tài sản ròng (NAV), đó là trạng thái premium.

Ngược lại, khi thị giá CCQ thấp hơn NAV, có nghĩa là giá “hời”, bỏ tiền ít mua được nhiều tài sản, đó là discount, lúc này NĐT sẽ có xu hướng bán ra CCQ để thu tiền về. Khi được bơm vốn ETF cũng sẽ tăng mua vào, còn khi bị rút sẽ phải bán ra. Theo dõi trạng thái premium/discount của ETF sẽ giúp NĐT biết được ETF đang được bơm/rút vốn như thế nào.

Thí dụ, một quỹ ETF bị discount 1,2%, có nghĩa là NĐT sở hữu CCQ có thể bán lại CCQ để rút tiền về và lãi 1,2%. Hay nếu một CCQ ETF tháng trước premium 2%, nhưng tháng này tăng lên 6%, tức là đã được mua vào khá mạnh nên giá mới tăng, ngược lại khi giảm từ 6% xuống còn 2%, đồng nghĩa với khả năng bị bán ra.

Một hiện tượng khá phổ biến là mỗi khi TTCK giảm mạnh, rất dễ có nhận định theo xu hướng “đổ thừa” là ETF xả hàng, nhưng kết quả thực tế có thể khác nếu kiểm chứng trở lại. Một số liệu gần đây cho thấy, quỹ VNM ETF có trạng thái premium 6,6% trong 3 năm gần nhất.

Tính chu kỳ của các ETF cũng thấy rõ ràng thường premium (rót vốn-mua ròng) vào đầu năm, discount vào giữa năm (rút vốn-bán ròng) và premium ở mức tương đối vào giai đoạn cuối năm.

Đến chuyện quỹ ngoại lướt sóng “hàng hot”

Sở dĩ cụm từ “khối ngoại” nhiều lúc không còn chính xác bởi khối này giờ đã có nhiều hành động khác nhau, tương phản rõ rệt. Điều đó thể hiện rất rõ giữa những quỹ lớn có “truyền thống” tham gia TTCK Việt Nam từ lâu như Asean Small Cap Fund (ASCF), Lucerne Enterprise Ltd (LE), Mutual Fund Elite (MFE)…

Trong khi Dragon Capital (DC), VinaCapital (VNC), Red River… thường chọn các công ty đầu ngành để giải ngân, thì ASCF, LE, MFE sẵn sàng chơi “hàng nóng”, mà ngay cả NĐT cá nhân nhiều khi cũng không dám chơi. Có thể kể ra trường hợp ASCF và LE mua vào STL (Sông Đà Thăng Long) - một công ty nổi tiếng bởi nợ rất nhiều, từ nợ ngân hàng tới nợ thuế, hay MFE mua vào TTF (Gỗ Trường Thành) - một công ty cũng đang gặp khó khăn trong cả hoạt động kinh doanh và nợ vay.

Sự phân hóa của khối ngoại là minh chứng cho thấy số lượng NĐTNN tham gia TTCK ngày một nhiều hơn. Điều này cũng tạo ra sự cân bằng, chọn lọc cho thị trường. Dòng vốn ngoại sẽ góp phần đảm bảo thanh khoản chung, nhưng đồng thời cũng sẽ tìm kiếm những cơ hội nhỏ nhất.

Nếu như DC hay VNC phải chọn được công ty tăng trưởng tốt, làm ăn hiệu quả mới được cho là thành công, thì các quỹ “hàng nóng” chỉ cần công ty… không phá sản là tốt. Một chuyên gia đầu tư đã ví von các quỹ này mua CP nhiều khi giống như… vé số, có thể trật nhiều tờ, nhưng chỉ cần trúng một tờ là lãi rất lớn.

Vậy nên, cho dù ETF bán ròng, cho dù các quỹ lớn bán ròng, nhưng chỉ cần tin tức vĩ mô ổn định, tỷ giá ổn định, các quỹ mạo hiểm, các quỹ đầu tư vào CP nhỏ vẫn có thể giải ngân ngược lại. Điều này cũng giống như NĐT cá nhân trong vài năm gần đây cũng đã “phân cực” trong hành động, có những người vẫn trung thành với hàng đầu cơ, nhưng cũng có không ít chuyển sang “đánh” blue chip để tìm sự ổn định, an toàn.

Có người ra, sẽ có kẻ vào

Cũng liên quan đến chuyện mua ròng/bán ròng của NĐTNN, ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích CTCK BIDV-BSC, cho biết: Nhiều người thường đặt ra vấn đề “Tây” làm gì mua lâu dài, mua rồi có lãi rồi “chạy”.

Hay một ý kiến khác cho rằng, thị trường Việt Nam hiện đang được xếp vào loại thị trường cận biên (frontier), quy mô chưa lớn, nên dòng tiền của các quỹ nếu rót vào cũng chỉ là “số nhỏ”, nên khi cần rút là rút rất nhanh, cũng không quan tâm đến chuyện lãi hay lỗ. Nhưng vấn đề ở đây không phải là chuyện “đi hay ở”, mà nằm ở cơ hội và mức độ lớn của dòng tiền, thanh khoản của thị trường.

Nếu TTCK vẫn duy trì sự hấp dẫn, vẫn có những CP giá rẻ, chỉ cần NĐT này bán ra có thể trở thành cơ hội để NĐT khác mua vào. “NĐTNN hiện đang đánh giá cao về khả năng thực thi và theo đuổi các chính sách của Nhà nước một cách nhất quán. Điều này đã được minh chứng qua việc tỷ giá đã được NHNN giữ ổn định trong năm qua và sắp tới đây các bộ, ngành khác cũng được kỳ vọng sẽ có những giải pháp tương tự và niềm tin của NĐTNN sẽ được củng cố” - ông Long nhấn mạnh.

Cẩn trọng khi bám vào “sóng” khối ngoại.

Như vậy, dòng vốn ngoại trong năm 2014 nhiều khả năng sẽ có sự phân hóa theo mục tiêu của từng nhóm tổ chức đầu tư, chứ không chỉ tập trung tại một số CP hàng đầu như trước. Trong ngắn hạn, yếu tố sẽ ảnh hưởng đến việc mua/bán của các tổ chức nước ngoài chính là thông tin về KQKD năm 2013, dự định cho năm 2014 và ĐHCĐ.

Có thể xảy ra trường hợp cùng một số liệu, thông tin, nhưng có tổ chức đánh giá cao, cũng có tổ chức giữ một cái nhìn thận trọng, có thể bắt nguồn từ cơ cấu cổ đông của các công ty đa dạng. Chưa bàn đến chuyện đúng/sai hay tốt/xấu gì ở đây, nhưng điều này ít nhiều cũng sẽ tạo ra sự cân bằng về quan điểm và nếu có quỹ bán ra thì cũng có quỹ khác có “lòng tham” để mua vào.

Nguồn SGGP: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20140213/can-trong-khi-khoi-ngoai-phan-hoa.aspx