Cẩn trọng khi dùng kem đánh răng

Vệ sinh răng miệng không thể thiếu kem đánh răng. Nhưng lạm dụng kem đánh răng, dùng không đúng cách, có thành phần độc hại… sẽ làm tổn hại răng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đừng chọn loại có bột silic hay flour

PGS.TS Phạm Văn Nho, Trường Đại học KHTN (ĐHQG Hà Nội), chuyên nghiên cứu về mỹ phẩm xanh thuộc Công ty TNHH Khoa học Ứng dụng Công nghệ xanh PG cho biết, chọn đúng kem đánh răng, tưởng là dễ nhưng lại không dễ chút nào. Chúng ta không biết rằng, thủ phạm gây ra bệnh sâu răng, viêm nhiễm là vi khuẩn.

Vi khuẩn phân hủy các cặn thức ăn, đồ uống còn lại trong miệng thành axit. Axít ăn mòn răng, gây sâu răng và cuối cùng tấn công vào tủy răng. Biện pháp chải răng chỉ làm sạch được cặn thức ăn, mảng bám giúp làm giảm nồng độ axít được tạo thành chứ không loại trừ được vi khuẩn.

Khả năng diệt khuẩn của kem đánh răng, nước súc miệng, xịt thơm miệng thì hạn chế trong khi nhiều chất hỗ trợ như bột silic, fluor, cồn… lại dễ gây phản tác dụng, thúc đẩy nhanh hơn quá trình phá hủy răng. Đây là những chất rất phổ biến trong kem đánh răng.

Bột silic có trong các loại kem đánh răng màu trắng đục. Các hạt này chà xát vào răng sẽ làm bong các mảng bám trên răng, nhưng nó lại làm men răng bị mòn đi. Trong khi đó, nếu chúng ta đánh răng hàng ngày thì mảng bám gần như không xuất hiện. Khi đánh răng mà cảm giác sít sít ở răng đó là do thành phần bột silic này.

“Flour, cồn… có khá nhiều trong các sản phẩm kem đánh răng. Đối với những hàm răng còn tốt, không gặp bất cứ bệnh răng miệng nào thì flour sẽ giúp tác dụng với men răng tạo thành một màng bảo vệ cứng hơn, ít bị phá hủy do axit tạo ra từ thức ăn.

Nhưng phần lớn răng chúng ta không hoàn hảo, ai cũng bị một loại bệnh răng miệng nào đó như sâu, sún… hoặc những người phải mài răng, làm răng… thì sử dụng kem đánh răng có thành phần flour sẽ khiến răng hỏng nhanh hơn, mòn nhanh hơn”, PGS Phạm Văn Nho cho biết.

Do nhận thức tác hại của các thành phần có trong kem đánh răng nên ngày nay, nhiều công ty đã chuyển từ bột silic vô cơ sang bột silic hữu cơ do mềm hơn, có màu trắng trong, ít tác hại hơn. Còn các thành phần khác thì trên lý thuyết có vẻ rất tốt, nhưng thực tế lại không hề tốt cho hàm răng như chúng ta tưởng.

Ví dụ như flour hay cồn, chỉ tốt cho những hàm răng không có vấn đề gì. Do đó, kem đánh răng nói chung không phải là giải pháp chăm sóc răng miệng toàn diện. Đa số chúng ta không hiểu rõ thành phần trên đó, nên cứ nghĩ đơn giản chăm sóc răng miệng là đánh răng liên tục.

Cách chăm sóc răng miệng an toàn nhất, theo PGS Phạm Văn Nho là nên sử dụng các loại nước súc miệng có tính sát khuẩn, độ an toàn cao, không chứa cồn hay flour.

Có thể sử dụng loại kem đánh răng cho trẻ em như Nabica được làm từ natri cacbonat bán nhiều ở các hiệu thuốc hay sử dụng baking soda để đánh răng.

Hoặc có thể đánh răng với muối, đánh răng với nước không, sau đó sử dụng nước súc miệng an toàn, có thành phần lành tính là tốt nhất. Cơ thể con người luôn có khả năng tự bảo vệ, do đó, giảm phụ thuộc vào hóa chất sẽ giúp cơ thể tự tạo ra sức đề kháng.

Không lạm dụng

Theo TS Phạm Như Hải, nguyên Trưởng khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, trên thị trường có rất nhiều loại kem làm trắng sáng răng, tuy nhiên đừng thấy tác dụng tức thì là mua ngay và lạm dụng nó.

Kem làm trắng răng ẩn chứa nhiều nguy cơ cho người dùng. Đây gọi là loại kem làm sạch răng với nhiều thành phần khác nhau, trong đó chất làm trắng là mạnh nhất.

Loại kem đánh răng này chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ, không được tự tiện dùng, đặc biệt là những người lạm dụng kem làm trắng răng sẽ dẫn đến những nguy cơ rất xấu cho răng. Nó có thể cho một hàm răng trắng bóng, nhưng răng càng trắng thì càng chứng tỏ nó bị bào mòn nhiều. Trường hợp bị bào mòn quá mức, răng sẽ trở nên yếu, nguy hại cho sức khỏe.

Ngay cả việc lấy cao răng không đúng cách có thể làm mòn mất độ bóng hoặc vỡ men răng. Vì thế, nên lấy cao răng ở một phòng khám nha khoa có uy tín.

Bên cạnh đó, hãy chăm chỉ súc miệng hàng ngày bằng nước súc miệng và đánh răng ngày 2 lần. Làm như thế sẽ rất lâu sau mới có cao răng trở lại. Việc đánh răng thường xuyên và đúng cách đã được coi là một phương pháp lấy đi cao răng.

PGS Phạm Văn Nho cho biết thêm, đa số các loại kem đánh răng nuốt được dành cho trẻ em đều được quảng cáo trong thành phần là không có flour. Điều này là rất tốt vì nếu nuốt phải flour sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe. Nhưng vấn đề là thay vì bằng sử dụng flour thì nhà sản xuất thay thế bằng chất nào? Đó mới là điều đáng quan tâm.

Khi đi mua kem đánh răng cho trẻ, cha mẹ nên lưu tâm đến thành phần và tìm hiểu về các thành phần này trước khi cho con sử dụng. Không nên chỉ dựa vào thông tin quảng cáo sản phẩm để mua kem đánh răng cho con.

Ngoài ra, quan sát trên bao bì, nếu một sản phẩm kem đánh răng mà có methylparaben thì không được phép nuốt. Nhiều loại paraben đã bị cấm sử dụng trong mỹ phẩm. Chỉ có một số loại được phép dùng, song chưa có loại praben nào được phép dùng cho đường ăn uống.

Trẻ từ 2 - 3 tuổi là có thể dùng kem đánh răng. Trước độ tuổi này, chỉ nên cho con đánh răng với nước sạch; chú ý chọn loại bàn chải phù hợp với độ tuổi để tránh tình trạng gây tổn thương khoang miệng, lợi. Ngoài 3 tuổi, trẻ có thể sử dụng loại kem đánh răng có chứa flour.

Để an toàn, mỗi lần cho trẻ đánh răng chỉ cần lượng kem đánh răng bằng hạt đậu và không nên đánh răng quá 2 lần 1 ngày. Tránh tuyệt đối loại kem đánh răng vị bạc hà, vì khả năng làm tổn thương da khoang miệng rất cao.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/can-trong-khi-dung-kem-danh-rang-4071489-b.html