Cẩn trọng khi chọn mua trái cây ngoại nhập

Gần đây, trên mạng xã hội và nhiều chợ tại TP Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều loại trái cây ngoại 'độc, lạ' có giá khá đắt đỏ. Thực tế, dù chưa biết chất lượng ra sao, nhưng vẫn có nhiều người chi tiền để mua về thưởng thức...

Gần đây, trên mạng xã hội và nhiều chợ tại TP Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều loại trái cây ngoại "độc, lạ" có giá khá đắt đỏ. Thực tế, dù chưa biết chất lượng ra sao, nhưng vẫn có nhiều người chi tiền để mua về thưởng thức...

Tại nhiều khu chợ trên địa bàn thành phố như Hồ Học Lãm (quận Bình Tân); Tân Ðịnh, Bến Thành (quận 1); Hòa Bình, An Ðông (quận 5)..., trái cây ngoại được bày bán ngay trên vỉa hè. Tại góc đường Phú Hữu (quận 6), chúng tôi được giới thiệu lựu, quýt ngoại to đẹp, mầu sắc bắt mắt, nhưng cầm lên thì khá nhẹ tay. Khách mua hàng cũng không biết chất lượng thế nào vì người bán không cho nếm thử, cũng rất ít tiết lộ thông tin về sản phẩm.

Tìm hiểu tại một cửa hàng chuyên kinh doanh trái cây nhập khẩu uy tín, được biết trái lựu Mỹ giá từ 400.000 đồng/ký, nhưng số lượng về Việt Nam rất hạn chế. Trong khi đó, những trái lựu được rao bán là lựu Mỹ, bày trên vỉa hè thì giá chưa đến 100.000 đồng/ký, mua bao nhiêu cũng có (?).

Gần đây, nhiều bà nội trợ hào hứng rủ nhau đặt mua cả thùng đào dẹt Tây Ban Nha, loại đào được mệnh danh ngon nhất thế giới được rao bán khá nhiều trên mạng với giá dao động từ 70.000 đến 100.000 đồng/ký tùy loại; mua thùng từ 2,3 đến 2,5 ký, giá chỉ 210.000 đồng/thùng. "Trước kia trên mạng bán đào dẹt Tây Ban Nha, nhưng giá hơn nửa triệu đồng/ký cho nên tôi không mua. Dạo này thấy các cửa hàng bán giá rẻ, mua lẻ chỉ khoảng 100.000 đồng/ký, mua cả thùng giá còn rẻ hơn nên nay tôi mua cả thùng về ăn", chị Thu Trang, ngụ quận 3, cho biết. Tuy nhiên, theo tiết lộ của một đầu mối chuyên cung cấp nông sản phía bắc cho thị trường TP Hồ Chí Minh, đào dẹt với đặc điểm vỏ quả mầu vàng óng mà trên mạng đang bán là đào có xuất xứ từ Trung Quốc. Ðào dẹt Tây Ban Nha không có loại nào dưới 200.000 đồng/ký. Loại giá rẻ là đào Trung Quốc, nhưng vì là giống đào Tây Ban Nha cho nên mọi người đăng bán trên mạng thường gọi là đào Tây Ban Nha.

Góc chợ bên hông bến xe Chợ Lớn (quận 6) luôn đầy ắp các loại trái cây nội lẫn ngoại. Khệ nệ ôm hai thùng thơm (dứa, khóm) chi chít chữ Thái-lan, bà Thủy (bán trái cây) chào mời: "Mua thơm mi-ni Thái-lan mới nhập về ăn thử đi chị em. Thơm giòn, ngọt thanh, không lõi; ăn bao nhiêu cũng không bị rát lưỡi như thơm mình. Hàng bao ngon, bao ăn". Tuy quả nhỏ nhưng giá khá đắt: 120.000 đồng/ký. Một ký thơm khoảng 15 đến 20 trái. "Giá này là rẻ rồi, lúc hàng mới có ở Việt Nam, giá 180.000 đến 200.000 đồng/ký mà không có để mua. Nay nhiều người nhập về cho nên giá rẻ", người bán hàng cho biết. Theo những người bán hàng, thơm mi-ni được gửi theo các xe hàng chở trực tiếp từ Thái-lan về Việt Nam. Thơm đã được gọt vỏ, đóng gói. Khi đến tay tiểu thương trong nước, họ chỉ cần khui thùng và bán lẻ. "Bên Thái-lan, thơm mi-ni được coi như "nữ hoàng" vì ngoài vị ngon ngọt, nó còn rất giàu vitamin, nhất là vitamin B1, B6, chất xơ và folate. Loại trái này sắp hết mùa rồi, có thể hết tháng này là không còn hàng", chị Liên bán trái cây ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh cho biết.

Mới đây, Facebook Nông sản ngoại nhập giá rẻ vừa đăng thông tin về hai thùng thơm ngoại "siêu to, khổng lồ" lớn gấp hai, ba lần thơm trong nước, giá 150.000 đồng/ký, chỉ sau vài giờ, khách hàng đã đăng ký mua sạch. Những khách hàng chậm hơn phải chờ thêm vài ngày nữa mới có lô hàng mới. Chủ facebook nêu trên cho biết, đây là thơm Ðài Loan (Trung Quốc), mỗi thùng có sáu trái, nặng khoảng 9 ký; được bọc vỏ xốp vàng, xếp trong thùng rất đẹp mắt. Loại này đã có mặt ở Việt Nam gần hai năm nay nhưng vẫn chưa hết "sốt". Lý do là số lượng có hạn, nhiều khách hàng vẫn chưa ăn thử cho nên hàng về bao nhiêu là hết bấy nhiêu. Mỗi trái thơm ngoại nặng từ 1,4 đến 1,6 ký, có trái nặng tới 2 ký. Như vậy, mỗi trái thơm đến tay khách hàng có giá tầm 300.000 đồng.

Lý giải vì sao trái cây ngoại giá cao vẫn có người mua, TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết: "Có thể các sản phẩm nhập khẩu hấp dẫn người tiêu dùng Việt Nam bởi sự mới lạ, hình dáng đẹp, bắt mắt. Còn về phần chất lượng, chưa chắc "ai hơn ai", vì các sản phẩm nhập khẩu bày bán trên thị trường ít khi được người bán trưng đầy đủ giấy tờ kiểm dịch, hoặc các chứng nhận về đạt chuẩn chất lượng của sản phẩm". Ðối với nông sản trong nước, sở dĩ có giá quá rẻ vì người dân thường trồng ồ ạt một loại nông sản nào đó đang được giá. Trong khi đó, cơ quan quản lý tại Việt Nam chưa xây dựng được kế hoạch "đầu ra" và "đầu vào" phù hợp để định hướng người dân theo quy luật thị trường, hoặc phục vụ thị hiếu người tiêu dùng.

Ðể giúp người nông dân tránh tình trạng này, cơ quan quản lý cần giám sát và khảo sát nhu cầu thị trường; đưa ra kế hoạch, định hướng cho người trồng sát với thực tế. Song song với đó, các doanh nghiệp cần vào cuộc để phát triển công nghệ sau thu hoạch, đặc biệt khâu chế biến cần được đẩy mạnh để tạo "đầu ra" ổn định cho nông sản.

Bài và ảnh: PHƯƠNG VY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/can-trong-khi-chon-mua-trai-cay-ngoai-nhap--615940/