Cẩn trọng khi cho phá sản ngân hàng

Một trong những thông tin được chú ý tại kỳ họp Quốc hội lần này là việc tháo gỡ các nút thắt trong việc tái cơ cấu ngân hàng tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, mà tâm điểm là cho phép phương án phá sản đối với ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt.

Việc cho phá sản một tổ chức tín dụng, đặc biệt là những tổ chức lớn là một vấn đề phức tạp.

Quốc hội đã chính thức thông qua luật này vào chiều ngày 20-11. Song, thiết nghĩ với một quy định mới liên quan đến phá sản ngân hàng, việc thực hiện nên thật cẩn trọng.

Như vậy, kể từ ngày 15-1-2018, các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt xem như có thể làm thủ tục phá sản. Theo một vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong thời gian qua cơ quan này cũng đã chuẩn bị sẵn các văn bản dưới luật để Chính phủ có thể ký thông qua sau khi Quốc hội đồng ý ban hành luật. Do đó, việc quy định này đi vào thực tế có thể chỉ sau Tết Âm lịch 2018.

Tuy vậy, khi một tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt cần phải tiến hành thủ tục phá sản, NHNN cũng chỉ là cơ quan đề xuất, Chính phủ sẽ là tổ chức quyết định cuối cùng việc có cho ngân hàng này hay ngân hàng khác phá sản hay không.

Chuyện cho phép phá sản ngân hàng đã được nói đến rất nhiều từ năm 2015. Vào thời điểm đó, một vị lãnh đạo NHNN cho rằng việc cho phép phá sản ngân hàng nên được xem là phương án cuối cùng khi việc sáp nhập ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt vào ngân hàng khác khó thực hiện, hoặc nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà với việc mua lại ngân hàng yếu.

Theo vị này, trong trường hợp nếu phá sản tổ chức tín dụng mà không gây ra nhiều tác động mạnh đến nền kinh tế thì NHNN sẽ thực hiện. Song, việc cho phá sản một tổ chức tín dụng, đặc biệt là những tổ chức lớn là một vấn đề phức tạp. Thủ tục phá sản, định giá, thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng có thể gây khó cho cơ quan quản lý và cả đơn vị thực thi. Do đó, việc xây dựng các văn bản dưới luật nên có những hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ để khi thực hiện, cơ quan quản lý dễ theo dõi, giám sát, về phía đơn vị thực thi có thể thực hiện mà ít gây ra sự xáo trộn, bất đồng quyền lợi giữa các bên có liên quan.

Việc cho phá sản ngân hàng là điều nên làm nhưng ứng xử với tiền gửi của tổ chức, cá nhân như thế nào cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Vì hiện tại, người gửi tiền sẽ được bảo hiểm tiền gửi chi trả nhưng hạn mức cao nhất cũng chỉ 75 triệu đồng/khoản gửi.

Theo một chuyên gia ngân hàng, nếu xem tổ chức tín dụng như một doanh nghiệp, thì khi đã chấp nhận cho tổ chức tín dụng phá sản, tài sản còn lại sẽ được định giá và chia lại. Tiền gửi sẽ được xem như khoản nợ không có tài sản đảm bảo, và được chia sau khi ngân hàng đã thanh toán chi phí phá sản, nợ lương, bảo hiểm xã hội, nợ có tài sản đảm bảo. Nếu thực hiện theo cách này thì thiệt thòi sẽ nằm ở phía người gửi tiền.

Vì vậy, đối với từng trường hợp xin phá sản cụ thể, NHNN nên yêu cầu tổ chức tín dụng lên phương án chi trả tiền gửi cho khách hàng cá nhân, có thể chuyển tiền để ngân hàng khác chi trả, cũng có thể chi trả trước khi đệ đơn xin phá sản.

Đồng thời, các ngân hàng này cũng phải đưa ra lộ trình chi trả cho tổ chức, doanh nghiệp gửi tiền. Trước tới nay, khi các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, các khoản gửi của doanh nghiệp rất khó rút ra khỏi ngân hàng.

Xây dựng và phê duyệt phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt:

Theo quy định tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của tổ chức tín dụng, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Chính phủ quyết định chủ trương phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trình Ngân hàng Nhà nước xem xét.

Trường hợp xây dựng phương án phá sản quỹ tín dụng nhân dân, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thực hiện.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phương án phá sản, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xem xét, đánh giá tính khả thi của phương án, trình Chính phủ phê duyệt phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Nội dung phương án phá sản:

Thảo Nguyên

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/td/265176/can-trong-khi-cho-pha-san-ngan-hang.html