Cẩn trọng du học Nhật Bản

Cục Hợp tác quốc tế - Bộ GD-ĐT vừa có cảnh báo về du học Nhật Bản gửi đến các đơn vị trực thuộc. Theo đó, số lượng người Việt Nam sang Nhật Bản du học ngày càng đông, số lượng các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn du học cũng tăng đáng kể. Trong đó, không ít doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ đã lợi dụng sự thiếu thông tin về giáo dục quốc tế của các gia đình và học sinh để trục lợi.

Cục Hợp tác quốc tế - Bộ GD-ĐT vừa có cảnh báo về du học Nhật Bản gửi đến các đơn vị trực thuộc. Theo đó, số lượng người Việt Nam sang Nhật Bản du học ngày càng đông, số lượng các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn du học cũng tăng đáng kể. Trong đó, không ít doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ đã lợi dụng sự thiếu thông tin về giáo dục quốc tế của các gia đình và học sinh để trục lợi.

Tại tỉnh Quảng Nam, H. Thăng Bình là nơi xuất hiện số lượng học sinh, sinh viên đi du học tăng mạnh trong những năm trở lại đây. Tuy nhiên thực tế lại không như mong đợi khiến nhiều em “vỡ mộng” phải trở về nước. Thậm chí có không ít gia đình phải vay mượn cho con đi du học nhưng cái giá phải trả là rất đắt.

Bài vị của các du học sinh người Việt tử vong trong một ngôi chùa ở Nhật Bản (Ảnh: Asahi)

Bài vị của các du học sinh người Việt tử vong trong một ngôi chùa ở Nhật Bản (Ảnh: Asahi)

Giấc mơ tan vỡ

Đã tròn 1 năm trôi qua kể từ cái chết đột ngột của em Trịnh Thị Dung (1993, trú xã Bình Nam, H. Thăng Bình) nhưng người thân và làng xóm vẫn chưa nguôi ngoai nỗi tiếc thương đối với cô bé ngoan hiền, học giỏi. Tốt nghiệp trường Đại học kinh tế TP Đà Nẵng, Dung quyết định đi du học để mở mang kiến thức. Gia đình liên hệ công ty du học cho Dung đi theo diện tự túc. Theo anh Phương (anh trai Dung) cho biết, Dung là người tự lập, ít khi than thở với gia đình. Khi sang Nhật, ngoài thời gian đi học, em tranh thủ đi làm thêm để trang trải chi phí đỡ đần bố mẹ. “Sáng 5-11-2017 bạn cùng phòng phát hiện Dung nằm bất tỉnh trong nhà vệ sinh nên đưa em tôi đi cấp cứu. Tuy nhiên, đến 21 giờ cùng ngày, em không qua khỏi. Em tôi mất vì bị đột quỵ khiến ai cũng bàng hoàng, vì khi ở Việt Nam sức khỏe của Dung khá tốt”. Qua tìm hiểu từ bạn trai của Dung, gia đình mới biết thời gian trước Dung thường xuyên bị ho nhưng em ngại đi khám vì chi phí khám sức khỏe bên Nhật rất đắt đỏ.

Cách nhà em Trịnh Thị Dung không xa là trường hợp của hai em Võ Thanh Trung (1991) và Trần Văn Thiên (1992) cùng trú thôn Bình Tân, xã Bình Minh. Trở về Việt Nam sau lần “du học hụt” Trung và Thiên đã bắt đầu với những dự định mới. Khác với lời hứa hẹn của tư vấn viên, sau khi tốn hàng trăm triệu cho công ty môi giới, sang đến Nhật 2 em mong muốn kiếm công việc làm thêm để trang trải tiền học phí, tiền ăn ở vì tất cả mọi chí phí ở đất nước này rất cao. Thế nhưng công việc làm này thì các em phải tự túc đi tìm chứ không được phía công ty môi giới giúp đỡ như đã hứa. Một phần vì tiếng Nhật hạn chế, phần vì đất khách quê người trong khi tiền túi đã cạn Trung và Thiên phải ngậm ngùi trở về nước. Theo Trung và Thiên trong số 9 người Việt đi du học cùng đợt với em chỉ có 2 người là trụ lại Nhật Bản còn lại sau một thời gian chật vật đã phải tìm cách về nước.

Việc Trịnh Thị Dung mất là điều bất ngờ với gia đình anh Phương nhưng lại không “mới” với cộng đồng du học sinh tại Nhật. Thời gian qua trên cả nước cũng ghi nhận rất nhiều trường hợp tử vong vì làm việc quá sức hoặc do không thích nghi được với thời tiết khắc nghiệt tại đây như em Phạm Thị H (quê Quảng Bình, tử vong vào tháng 4-2018), em Bùi Thị D (quê Nghệ An, tử vong vào tháng 1 -2018)... đều có nguyên nhân do đột quỵ.

“Chiêu trò” du học

Thực tế, thời gian qua có rất đông trường hợp học sinh đi du học Nhật nhưng vỡ mộng vì không thể kiếm tiền trăm triệu gửi về như công ty môi giới hứa. Tại xã Bình Minh (H. Thăng Bình) lúc cao điểm có tận hơn 20 em du học Nhật. Tuy nhiên không phải ai cũng ý thức được những rủi ro khi đi du học xa nhà, nhất là tin vào viễn cảnh vừa học vừa làm tiền chục triệu như lời hứa của công ty môi giới. Theo em Diệu Thảo (du học sinh tại Osaka, Nhật Bản) chia sẻ: “Du học sinh Nhật Bản được phép làm thêm không quá 28 tiếng/tuần. Có rất nhiều công việc khác nhau mà các bạn có thể làm. Tuy nhiên đa phần chỉ là công việc tay chân, đòi hỏi sức khỏe tốt, như làm ở xưởng chế biến cơm hộp, đồ ăn nhanh, phân chia hàng hóa... Mức lương làm thêm tại các thành phố lớn như Tokyo, Osaka thường là dao động trong khoảng 900 - 1.100 Yên/giờ. Giả sử mỗi tuần làm đủ 28 tiếng có thể kiếm được là từ 100.000 đến 123.000 Yên, tương đương với khoảng 20 - 25 triệu đồng. Nếu chỉ nghe tới số tiền kiếm được mỗi tháng lên tới vài chục triệu đồng cho các việc như rửa bát hay chạy bàn, nhiều bạn hẳn sẽ cảm thấy kiếm tiền tại Nhật rất dễ. Tuy nhiên văn hóa làm việc của người Nhật rất khác ở Việt Nam, đa số các du học sinh còn phải đi học nên rất khó có đủ sức khỏe làm việc. Mặt khác nếu kiếm được vài chục triệu đồng thật thì chi phí tại Nhật cũng vô cùng đắt đỏ sẽ không có dư nhiều nếu chưa nói đến chi phí học tập”.

Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản vừa có thông báo cung cấp địa chỉ trang website chính thức, có các thông tin đúng và cập nhật về du học Nhật Bản. Đại sứ quán đề nghị các trường THPT tìm hiểu kỹ thông tin trước khi giao lưu, liên kết với các công ty du học. Theo thông tin chính thức từ website của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết du học sinh muốn đi làm thêm phải xin giấy phép lao động và thời gian làm thêm không quá 28 giờ/tuần, số tiền kiếm được khó có thể đủ để trang trải cả sinh hoạt phí và học phí như các công ty đã quảng cáo. Một số người nghe theo quảng cáo, đã phải gánh khoản nợ không nhỏ để được sang Nhật Bản, rồi sau đó bằng mọi giá đi kiếm tiền trả nợ dẫn đến vi phạm pháp luật.

ĐỒNG DAO

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_199925_can-trong-du-hoc-nhat-ban.aspx