Cản trở tiến trình hòa bình

Mỹ tăng sức ép đối với Palestine sau khi ra lệnh đóng cửa phái bộ của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại thủ đô Washington, chấm dứt các chương trình viện trợ nhân đạo cho Palestine. Căng thẳng giữa hai bên làm đình trệ tiến trình hòa bình Trung Ðông và gây lo ngại làm leo thang căng thẳng ở khu vực.

Có thể nói, việc Tổng thống Mỹ D.Trump quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Ðại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về đây dường như dập tắt mọi hy vọng khai thông bế tắc trong đàm phán giữa Israel và Palestine vốn được chính quyền tiền nhiệm ở Mỹ dày công thúc đẩy. Sau khi động thái này bị Palestine và các nước A-rập phản đối, Tổng thống Mỹ D.Trump tiếp tục đưa ra nhiều quyết định gây căng thẳng trong quan hệ với Palestine. Mới đây, Washington tiếp tục cắt viện trợ cho Palestine trong chương trình hỗ trợ giải quyết xung đột với Israel, đưa các khoản cắt giảm viện trợ của Mỹ đến nay lên tới hơn 500 triệu USD. Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố sẽ trì hoãn các khoản viện trợ cho Palestine cho đến khi Chính quyền Palestine (PA) chấp thuận đàm phán trong bối cảnh Nhà trắng chuẩn bị một kế hoạch hòa bình cho Trung Ðông mà ông Trăm tuyên bố là một "thỏa thuận cuối cùng".

Palestine tuyên bố không chấp thuận vai trò của Mỹ đối với tiến trình hòa bình Trung Ðông, bởi, thay vì "cầm cân nảy mực", Mỹ lại đứng về phía đồng minh Israel và chống người Palestine. Việc Mỹ ngừng hỗ trợ tài chính các hoạt động nhân đạo cho người tị nạn Palestine, trong đó có hỗ trợ về y tế và giáo dục, làm ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động của Cơ quan Liên hợp quốc cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA). 5,3 triệu người Palestine sống trong 58 trại tị nạn vốn phụ thuộc nhiều vào UNRWA, cơ quan bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người Palestine theo luật pháp quốc tế. Palestine cáo buộc Mỹ đang "hậu thuẫn" Israel phá hủy nền tảng hòa bình và ổn định, bằng cách đưa tất cả các vấn đề về tình trạng vĩnh viễn "ra khỏi bàn đàm phán", bao gồm quyền được hồi hương của những người tị nạn và vấn đề Jerusalem.

Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo tình hình tại dải Gaza, dải đất ven biển của Palestine, đang ở mức "thảm họa" sau 11 năm bị bao vây kinh tế. LHQ cũng cho rằng, quyết định của Mỹ ngừng hỗ trợ người tị nạn Palestine sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng khốn cùng của người dân tại đây. Theo Cơ quan Viện trợ và Phát triển của LHQ (UNCTAD - tên chính thức là Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển), kinh tế Palestine, vốn bị kìm kẹp bởi Israel, đang hứng chịu thiệt hại nặng nề do các khoản viện trợ nước ngoài dành cho Palestine bị cắt giảm mạnh. Năm 2017, vốn viện trợ phát triển của nước ngoài cho Palestine đã xuống mức 720 triệu USD, giảm hơn 10% so cùng kỳ năm 2016 và chỉ bằng một phần ba so mức hai tỷ USD cách đây 10 năm.

Palestine cáo buộc chính quyền Tổng thống D.Trump sử dụng viện trợ như một "đòn bẩy" để buộc họ ngồi vào bàn đàm phán. Với lịch sử đấu tranh kiên cường kéo dài hàng chục năm qua, người Palestine đang chứng tỏ không dễ gì nhượng bộ trước những vấn đề được coi là gai góc nhất trong đàm phán với Israel. Palestine kiên trì đấu tranh nhằm theo đuổi mục tiêu thành lập một Nhà nước Palestine độc lập với thủ đô Ðông Jerusalem và các đường biên giới trước cuộc chiến tranh Trung Ðông năm 1967. Cuộc đấu tranh chính nghĩa của người Palestine đòi những quyền cơ bản được các nước A-rập ủng hộ mạnh mẽ. Bộ trưởng Ngoại giao các nước A-rập mới đây đã cam kết huy động tài chính cũng như ủng hộ chính trị đối với UNRWA. Các quốc gia thành viên Liên đoàn A-rập (AL) kêu gọi gia tăng các nỗ lực ở cấp độ quốc tế nhằm đối phó các chính sách chống Palestine của Mỹ và Israel hiện nay.

Những động thái gần đây của Mỹ đã giúp Washington chứng tỏ với Israel về một "chiếc ô an ninh" mà Mỹ cam kết với đồng minh. Tuy nhiên, chính sách này lại cản trở các nỗ lực khôi phục tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine.

MỸ ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/37650702-can-tro-tien-trinh-hoa-binh.html