Cần trợ lực cho các tổ hợp tác

Mặc dù đã có những nỗ lực trong việc tạo chỗ đứng cho nông sản trên thị trường, song hoạt động của các tổ hợp tác (THT) trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, nên rất cần trợ lực từ nhiều phía.Theo đánh giá, rà soát của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 16 tổ hợp tác nông nghiệp (3 trồng trọt, 5 chăn nuôi, 4 thủy sản, 3 điều tiết nước và 1 tổng hợp). Theo quy định của Nghị định 77/2019/NĐ-CP, ngày 10.10.2019 về THT, thì từ ngày 25.12.2019, các THT phải đăng ký hoạt động theo quy định. Song, đến nay phần lớn các THT nông nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh đều chưa đăng ký…

Nhiều lợi ích từ sự đồng lòng

Sau 10 năm thành lập, Tổ hợp tác những người nuôi cá tại hồ Núi Ngang, xã Ba Liên (Ba Tơ) ngày càng phát triển lớn mạnh. Nếu như thời điểm năm 2010, thành viên THT chỉ 15 người, thì nay con số này đã tăng gấp 3 lần. Tham gia THT, bình quân mỗi năm, mỗi thành viên thu về khoảng 2 tấn cá nước ngọt thương phẩm; thu nhập của mỗi thành viên nhờ đó mà dao động từ 60 - 80 triệu đồng/năm. Đây là mức thu nhập khá đối với người dân miền núi.

Có hồ nuôi tôm ngay cạnh đê kè Hòa Hà và sông Vực Hồng, nên Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản Thu Xà, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) mong được vay vốn để phát triển nuôi trồng kết hợp phát triển du lịch sinh thái.

Theo Tổ trưởng Tổ hợp tác những người nuôi cá tại hồ Núi Ngang Phạm Văn Lên: “Việc tập hợp những người cùng chí hướng vào một nhóm, rồi cùng nhau phát triển, giúp hoạt động thả nuôi và đầu ra cho sản phẩm được ổn định hơn. Bởi cá nuôi với số lượng lớn mới thu hút thương lái tới thu mua, chứ nuôi ít và nhỏ lẻ sẽ rất khó bán. Hơn nữa, do hồ khá rộng, nên nuôi càng đông thì chúng tôi càng dễ chia người ra trông coi, bảo vệ”.

Nhận thấy lợi ích từ kinh tế tập thể, những người nuôi trồng thủy sản tại thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) cũng đã tập hợp nhau lại để cùng thành lập nên Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản Thu Xà. “Việc thành lập THT giúp nông dân chúng tôi lợi được chi phí mua thức ăn cho tôm từ 5 - 10%. Bởi khi đặt mua với số lượng lớn thông qua THT, nông dân chúng tôi sẽ được mua với giá rẻ hơn khi mua nhỏ lẻ theo hộ. Rồi khi tìm kiếm thị trường, việc “buôn có bạn, bán có phường” cũng đỡ cho chúng tôi nhiều lắm. Bởi sản lượng nuôi nhiều và ổn định, thương lái mới tìm đến thu mua sản phẩm”, Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản Thu Xà Trần Văn Dũng cho biết.

Cần tự lực để phát triển

Tổ hợp tác trồng rau sạch (hẹ) xã Đức Chánh (Mộ Đức) dù được thành lập một thời gian, song sự gắn kết giữa các thành viên vẫn còn khá rời rạc. Theo đánh giá của Hội Nông dân xã Đức Chánh, hoạt động của THT chỉ mới dừng lại ở việc tập hợp các nông dân có cùng chí hướng trong phát triển sản xuất; nhưng lại chưa phát huy tinh thần tập thể trong tìm đầu ra cho nông sản. Hiện tại, đầu ra của rau hẹ của THT vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, mỗi thành viên tự kết nối, tự tìm đầu ra chứ chưa liên kết, chưa có một đầu mối thu mua chung.

Tại Tổ hợp tác nuôi cá lồng bè Tịnh Sơn (Sơn Tịnh), sau 5 năm kể từ ngày thành lập, số thành viên của THT đã tăng gần gấp đôi (42 thành viên), thu nhập bình quân của mỗi thành viên dao động từ 80 - 100 triệu đồng/năm, nhưng đến nay, việc tiêu thụ sản phẩm vẫn theo kiểu mạnh ai nấy bán. “Hiện chúng tôi đã phát triển được 90 lồng bè nuôi cá trắm cỏ trên sông Trà. Bình quân mỗi năm, cứ đến tháng Chạp, tháng Giêng, THT xuất bán chừng 45 tấn cá thương phẩm, nhưng vẫn không đủ cung ứng cho thị trường. Cá nuôi trên sông Trà thơm ngon, nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Chúng tôi rất muốn xây dựng được thương hiệu để nâng cao giá trị cho sản phẩm làm ra, nhưng lại không biết cách thức đăng ký, xây dựng thương hiệu. Vì vậy, mong ngành chức năng hỗ trợ về lĩnh vực này”, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi cá lồng bè Tịnh Sơn Trần Kim Sanh nói.

Theo nhiều THT, do là tổ chức không có tư cách pháp nhân, nên hầu hết các THT đều gặp khó khăn về vốn, do không thể tiếp cận vốn vay. Không giải tỏa được bài toán “khát” vốn, khiến một số THT bị động trong mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất. “Khi thành lập, chúng tôi đề ra mục tiêu sẽ cùng hùn vốn làm du lịch sinh thái. Bởi những ao tôm của thành viên trong THT có vị trí rất đẹp, nằm ven sông Vực Hồng, lại ngay bên cạnh Khu du lịch Cocoland. Nhưng từ năm 2018 đến nay, cá, tôm bị thiệt hại do dịch bệnh, mưa lũ, nên kinh tế của các thành viên THT đều kiệt quệ, còn vay vốn thì THT không đủ điều kiện để được chấp thuận, nên chúng tôi đành gác lại dự định lúc đầu”, Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản Thu Xà Trần Văn Dũng trầm ngâm.

Bài, ảnh: Ý THU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202101/can-tro-luc-cho-cac-to-hop-tac-3038619/