Cần trao quyền cho 'siêu ủy ban' quản lý vốn Nhà nước

Phát biểu tại 'Đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình cơ cấu lại DN Nhà nước', chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cần 'trao quyền' cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN giám sát các DN Nhà nước.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo "Đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình cơ cấu lại DN Nhà nước" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 19/7, một vấn đề được quan tâm đó là bộ máy nhân sự và hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN - cơ quan trực thuộc Chính phủ đã được thành lập theo Nghị quyết 09/NQ-CP của Chính phủ.

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho biết, nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN hiện đang được các đơn vị liên quan soạn thảo. Ông Cung cho rằng, cần phải thay đổi cách thức, cơ chế giám sát khi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN đi vào hoạt động. Ủy ban này là đại diện chủ sở hữu tại DN Nhà nước.

Không chỉ là quản lý sẽ quyết định việc giám sát và sử dụng nguồn vốn lớn nhất trong nền kinh tế, lên tới 5 triệu tỷ đồng (tương đương 250 tỷ USD) vốn nhà nước trong các tập đoàn, tổng công ty và DN Nhà nước, mà Ủy ban này còn phải giải quyết những vấn đề tồn tại phức tạp nghiêm trọng của DN Nhà nước (đơn cử như 12 DN dự án thua lỗ đang phải xử lý).
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cần "trao quyền" cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN giám sát các DN Nhà nước. Bên cạnh đó là thu hẹp các đầu mối giám sát bởi hiện nay quá nhiều bộ, ngành tham gia vào việc giám sát, trong khi hiệu quả lại không cao, điển hình là các DN Nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát trong thời gian qua.
Báo cáo của CIEM chỉ ra, trong giai đoạn 2011 - 2016 tỷ trọng DN Nhà nước thua lỗ không giảm, báo cáo hợp nhất năm 2016 cho thấy 23/91 tập đoàn, tổng công ty, nhóm công ty mẹ - con lỗ lũy kế trên 17.000 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận của DN Nhà nước (tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) hiện giảm 39%, tỷ suất lợi nhuận/tài sản (ROA) cũng giảm 30%. Đặc biệt, đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng đến nay chưa thu hồi được và giá trị thực tế của nhiều dự án đang ở mức dưới giá trị đầu tư. Nhiều nỗ lực xử lý các dự án/DN kém hiệu quả nhưng phục hồi chậm....

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/trao-quyen-cho-sieu-uy-ban-quan-ly-von-nha-nuoc-321169.html