Cần trân trọng ước nguyện nhân văn cuối cùng

TAND TPHCM đã tuyên án tử hình đối với bị cáo Nguyễn Hữu Tình vì hành vi tàn sát cả 5 người trong một gia đình tại quận Bình Tân.

Sự phán quyết ấy không khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi tội ác mà bị cáo Nguyễn Hữu Tình gây ra không thể tha thứ, nhưng nhìn khuôn mặt non choẹt của Nguyễn Hữu Tình ít ai nghĩ đó là một sát thủ máu lạnh. Hơn nữa, khi nói lời sau cùng, bị cáo bày tỏ muốn hiến tạng sau khi thi hành án, lại là một vấn đề không đơn thuần mang tính quyền lợi pháp lý!

Phiên tòa xét xử vụ thảm sát cả nhà 5 người tại quận Bình Tân - TP. HCM

Có thể tóm tắt vụ án gây rúng động dư luận của Nguyễn Hữu Tình như sau: Năm 2017, Nguyễn Hữu Tình rời quê nhà An Giang lên TPHCM làm thuê cho vợ chồng ông Mai Xuân Chinh và bà Mai Thị Hồng ở quận Bình Tân. Cũng như vài công nhân khác, Nguyễn Hữu Tình được cho ăn ở trong nhà của ông bà chủ. Tối 12/2/2018 (nhằm 27 Tết Mậu Tuất), nằm trên gác nghe ông bà chủ nói về dự định qua Tết không thuê mình nữa vì lười nhác, Nguyễn Hữu Tình ấm ức không ngủ được.

Đến 4 giờ sáng 13/2, Tình cầm viên bi sắt đi qua đi lại trên gác và làm rơi viên bi xuống sàn gây ra tiếng động, khiến bà Mai Thị Hồng mắng cho mấy câu. Chỉ vậy thôi, Nguyễn Hữu Tình phản ứng bằng cách lấy con dao xếp đã mua sẵn phòng thân mà lao đến đâm bà Mai Thị Hồng, sau đó giết cả ông Mai Xuân Chinh cùng ba đứa con của họ là M.X.Tr (13 tuổi), M.H.D (11 tuổi) và M.H.D (6 tuổi).

Tại phiên tòa, HĐXX nhận định hành vi của bị cáo đã đi đến sự tận cùng của tội ác, gây đau thương cho người thân gia đình bị hại và hoang mang cho xã hội. Thậm chí sau khi lấy tài sản ra khỏi nhà, bị cáo còn đâm thêm cho nạn nhân Mai Thị Hồng tử vong hẳn rồi bình tĩnh uống nước ngọt, ăn trái cây... Hành vi của Nguyễn Hữu Tình là đặc biệt nghiêm trọng, không còn khả năng cải tạo nên cần loại bỏ bị cáo ra khỏi xã hội vĩnh viễn.

Trở lại câu chuyện của bị cáo Nguyễn Hữu Tình, sau khi bị tuyên án tử hình. Kẻ tử tội có thể hiến xác để cứu chuộc hành vi tội ác không? Trước đây, tử tội Nguyễn Hải Dương - thủ phạm thảm sát 6 người trong một gia đình ở Bình Phước, cũng từng có nguyện vọng được hiến xác nhưng không được cơ quan chức năng chấp nhận. Lần này, nguyện vọng sau cuối của tử tội Nguyễn Hữu Tình liệu có được đáp ứng?

Vấn đề tử tội hiến xác hoặc hiến tạng từng được tranh luận sôi nổi tại diễn đàn Quốc hội. Năm 2010, khi thông qua Luật Thi hành án hình sự, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ra thắc mắc có nên cho tử tù hiến xác, hiến tạng hay không, bởi lẽ hình thức thi hành án tử hình từ xử bắn sang tiêm thuốc độc.

Có hai luồng ý kiến khác nhau, bên ủng hộ cho rằng đó là nguyện vọng chính đáng của người phạm tội biết quay đầu khi phải trả giá cho tội ác, bên phản đối thì cho rằng về tâm lý sẽ không ai chấp nhận được nếu biết một phần cơ thể mình có nguồn gốc từ một tử tội... Năm 2015, khi thảo luận Luật Tạm giữ, tạm giam, đại diện Bộ Công an cho biết một số trường hợp tử tù có nguyện vọng hiến xác cho y học sử dụng vào mục đích nhân đạo nhưng do thi hành án bằng tiêm thuốc độc và pháp luật cũng chưa quy định về vấn đề này nên chưa thể đáp ứng. Còn đại diện Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia cũng chia sẻ việc thi hành án tử hình bằng cách tiêm thuốc độc nên nội tạng tử tù sẽ bị hỏng, kể cả có cơ sở pháp luật cũng không thể lấy mô tạng ghép cho người bệnh.

Bị cáo Nguyễn Hữu Tình bị tuyên án tử hình!

Với một tử tội, khó ai đủ bao dung cho hành vi giết người của họ, nhưng nguyện vọng hiến tạng để mang lại hy vọng cứu sống người khác cũng là điều đáng trân trọng. Tính nhân văn của hoạt động hiến xác và hiến tạng nên mở ngỏ cho mọi đối tượng, dù họ từng gây ra thảm án kinh hoàng. Nhân quả tuần hoàn cũng chính là thiện ác báo ứng.

Hiện nay, theo nguyên tắc y học, người nhận được những bộ phận hiến tạng không được cung cấp thông tin đầy đủ về người hiến tạng nhằm tránh những rắc rối nảy sinh, nên việc một tử tội hiến tạng hoàn toàn có thể cân nhắc. Người hiến tạng không biết mình đã giúp ai, và người nhận hiến tạng cũng không biết mình mang ơn ai. Cuộc sống được tiếp nối lặng lẽ và đẹp đẽ như vậy, mới là tiêu chí của nghĩa cử hiến tạng. Biết đâu trái tim của một tử tội lại giúp một bệnh nhân đang thoi thóp trên giường bệnh bỗng có những nhịp đập yêu thương đồng loại xung quanh? Nếu nghĩ được như vậy, thì nên chăng đã đến lúc phải nghiên cứu có thêm một hình thức tử hình khác phù hợp để có thể cho phép tử tù được hiến xác hoặc hiến tạng như một cách bù đắp cho trần gian lắm nỗi muộn phiền.

TÂM HUYỀN (Kiến thức gia đình số 29)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/can-tran-trong-uoc-nguyen-nhan-van-cuoi-cung-post222557.html