Cần tôn trọng tuyệt đối tính nguyên gốc của di tích

Sáng 2/11, Ban quản lý di tích danh thắng Nghệ An tổ chức hội nghị tập huấn công tác bảo tồn di tích danh thắng.

Dự hội nghị có đại diện Sở VH-TT&DL, các cán bộ văn hóa đến từ 21 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh buổi tập huấn.

Tính đến thời điểm hiện nay, số di tích danh thắng được phát hiện là 2.586 di tích, trong đó đã có 364 di tích được xếp hạng (02 di tích quốc gia đặc biệt, 137 di tích quốc gia, 225 di tích cấp tỉnh). Hệ thống di tích phân bổ chủ yếu ở các huyện đồng bằng, với các loại hình di tích đa dạng như di tích lịch sử khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật, danh thắng... Tuy có số lượng lớn, nhưng số di tích có quy mô và nguyên gốc không nhiều.

Hiện nay, việc nhân dân đến với di tích ngày càng nhiều cũng như việc các tổ chức cá nhân đã tự nguyện công đức nhiều công, của vào các di tích danh thắng có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di tích của tỉnh nhà. Tuy nhiên, cùng với đó cũng nảy sinh một số vấn đề mang tính thách thức đối với cơ quan quản lý. Trong đó, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị nguyên gốc ở các di tích đang được các đơn vị chủ quản chú trọng, lưu tâm.

Chùa Bùi Ngọa ở xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Thế nhưng, hiện tại, việc tu bổ chùa còn gặp nhiều khó khăn, nhiều hạng mục xuống cấp. Trước và trong khuôn viên chùa được người dân địa phương tu bổ một cách chắp vá với nhiều lối thiết kế khác biệt. Ảnh tư liệu : Mỹ Hà

Tại hội nghị, các đại biểu đã được tập huấn những kiến thức cơ bản mang tính khoa học nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di tích. Trong đó, nhấn mạnh cần có thái độ trân trọng đối với các yếu tố nguyên gốc và các bộ phận của di tích; trước khi tiến hành tu bổ, cần phải triển khai việc nghiên cứu liên ngành để có sự hiểu biết cặn kẽ về giá trị, tình trạng bảo quản, các hoàn cảnh lịch sử.

Đối với công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân về việc bảo tồn di tích, các giảng viên cho rằng, cần phổ biến sâu rộng cho nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh về giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc hàm chứa trong các di tích; cần có những mô hình giáo dục truyền thống tại các di tích; tăng cường các hình thức giáo dục trong nhà trường... Các đơn vị chủ quản cần kết hợp với các nhà hát, đoàn làm phim, xây dựng kịch bản về lịch sử văn hóa của các triều đại, về các nhân vật lịch sử, gắn với các nhân vật được thờ trong di tích.

Đền Xuân Hòa ở xã Quỳnh Xuân, Thị xã Hoàng Mai có nhiều hiện vật quý đã bị xuống cấp. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà

Hội nghị sẽ diễn ra trong vòng 2 ngày với các chuyên đề chính như: Lĩnh vực văn hóa di sản; Một số giải pháp về công tác bảo tồn phát huy giá trị di tích; Vấn đề bài trí tại các di tích...

Thanh Nga

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/xa-hoi/201611/can-ton-trong-tuyet-doi-tinh-nguyen-goc-cua-di-tich-2751062/