Cần tính toán kỹ việc thành lập điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại Cái Mép-Thị Vải

Bộ Tài chính cho biết việc thành lập thêm địa điểm kiểm tra chuyên ngành (KTCN) tập trung mới tại cảng Cái Mép-Thị Vải với sự đầu tư thiết bị, máy móc, nhân lực để thực hiện KTCN tập trung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần phải tính toán kỹ về quy mô, kinh phí và hiệu quả mang lại.

Địa điểm KTCN tập trung tại Đà Nẵng hoạt động chưa hiệu quả. Ảnh: N.Linh

Tính toán kỹ

Trước đó, tại Thông báo số 386/TB-VPCP ngày 21/8/2017 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trung tâm KTCN (tập trung các cơ quan kiểm tra chất lượng về y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm) và địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung tại khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải: Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế nghiên cứu triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại khu vực cảng, tạo thuận lợi để chủ hàng thực hiện các thủ tục hành chính cho hàng hóa XNK tại cảng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính mới đây đã có báo cáo Văn phòng Chính phủ cho biết, việc thành lập thêm địa điểm KTCN tập trung mới tại cảng Cái Mép-Thị Vải cần được nghiên cứu kỹ dựa trên đánh giá tình hình XNK, lượng hàng hóa thường xuyên làm thủ tục tại cảng, tình hình thực hiện công tác KTCN trên địa bàn tỉnh và năng lực các đơn vị thực hiện KTCN tham gia.

Đặc biệt, theo Bộ Tài chính, việc xây dựng địa điểm KTCN tập trung mới tại cảng Cái Mép-Thị Vải với sự đầu tư thiết bị, máy móc, nhân lực để thực hiện KTCN tập trung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần phải tính toán kỹ về quy mô, kinh phí và hiệu quả mang lại.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo Cục Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với các cơ quan và các đơn vị thực hiện KTCN tại địa phương để rà soát, đánh giá sự cần thiết thành lập và quy mô triển khai địa điểm.

Để tránh lãng phí kinh phí đầu tư triển khai thực hiện các địa điểm KTCN tập trung, Bộ Tài chính đề xuất: Trên cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động của các địa điểm KTCN tập trung đã thành lập và báo cáo của Cục Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu, Bộ sẽ phối hợp thống nhất với các bộ về việc triển khai các địa điểm KTCN tập trung đã thành lập và việc thành lập địa điểm KTCN tập trung tại cảng Cái Mép-Thị Vài.

Trên cơ sở kết quả đánh giá và ý kiến của các đơn vị tham gia, Bộ Tài chính sẽ báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện tại, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan chủ trì đánh giá lại tình hình và hiệu quả hoạt động các địa điểm KTCN tập trung đến thời điểm hiện nay theo hướng: Đối với các địa điểm KTCN tập trung hoạt động hiệu quả và cần thiết thì tiếp tục duy trì, đầu tư và nâng cao hiệu quả thực hiện các thủ tục KTCN tại các địa điểm này.

Đối với một số cửa khẩu, khu vực cửa khẩu không có hoặc ít có chủng loại hàng hóa XNK cần kiểm tra thì cơ quan KTCN đó không cần thiết phải bố trí người làm việc tại địa điểm.

Đối với các cơ quan KTCN đã có văn phòng, chi nhánh làm việc tại địa bàn thì không nhất thiết phải bố trí người làm việc tại địa điểm KTCN tập trung.

Đối với các địa điểm KTCN tập trung hoạt động không hiệu quả thì quyết định chấm dứt hoạt động để tránh lãng phí và nhân lực.

Một số địa điểm hiện nay không hiệu quả

Việc xây dựng đưa vào hoạt động các địa điểm KTCN tập trung làm việc ngay tại cửa khẩu (địa điểm “một cửa” tư vấn giải quyết các vấn đề liên quan đến KTCN tại cửa khẩu) đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc thực hiện các việc liên quan đến công tác KTCN đối với hàng hóa XNK. Qua đó rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí cho DN, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy việc trao đổi thông tin, phối hợp công tác giữa các đơn vị liên quan tại cửa khẩu.

Sau hơn một năm đưa vào vận hành thí điểm, các địa điểm làm thủ tục KTCN đã bộc lộ một số tồn tại: Các địa điểm này hiện chỉ có một số cơ quan, đơn vị KTCN làm việc và chỉ được trang bị các phương tiện làm việc văn phòng, hành chính; chưa được trang bị máy móc, thiết bị để phân tích, thử nghiệm, do đó chưa cho ra két quả kiểm tra tại chỗ.

Các địa điểm này mới chỉ thực hiện việc tư vấn, giải đáp vướng mắc, đăng ký kiểm tra, lấy mẫu và trả kết quả kiểm tra.

Việc kiểm tra chất lượng hàng hóa và an toàn thực phẩm về cơ bản vẫn phải gửi về phòng thí nghiệm nội địa để kiểm tra và chờ kết quả kiểm tra. Do đó, tỉ lệ DN đăng kí và làm thủ tục KTCN tại đây còn thấp, chủ yếu là các DN XNK không thường xuyên, nhỏ lẻ đến làm việc.

Thậm chí có địa điểm không phát sinh tờ khai đăng ký KTCN như ở địa điểm tại Đà Nẵng (trong 6 tháng đầu năm 2017). Do mặt hàng phải KTCN ít nên các đơn vị KTCN chưa bố trí cán bộ làm việc thường xuyên tại địa điểm (Lạng Sơn, Quảng Ninh) mà chỉ khi có DN đăng ký kiểm tra thì đơn vị KTCN mới cử cán bộ đến để làm thủ tục.

Ngọc Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/can-nghien-cuu-ky-viec-thanh-lap-diem-kiem-tra-chuyen-nganh-tap-trung-tai-cai-mep-thi-vai.aspx