Cần tính toán kỹ quy hoạch điện

Liên tiếp nhiều dự án điện mặt trời (ĐMT) được các địa phương ồ ạt xin bổ sung vào quy hoạch điện, khiến lưới điện truyền tải không theo kịp. Trong khi với việc bổ sung 7.000 MW điện gió, nguy cơ quy hoạch điện dễ bị vỡ, nếu không tính toán khẩn trương việc đầu tư xây dựng, cải tạo lưới truyền tải...

Công suất cả điện gió và điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch hiện nay đã tăng gấp 13 lần quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Công suất cả điện gió và điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch hiện nay đã tăng gấp 13 lần quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Vượt quy hoạch hàng chục lần

Mới đây, theo đề xuất của Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch thêm 7.000 MW điện gió, nâng tổng quy mô công suất điện gió được quy hoạch lên 11.630 MW.

Nói việc bổ sung điện gió vào quy hoạch trên diễn đàn Quốc hội ngày 15-6, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Đây là giải pháp khả thi, hiệu quả để bổ sung kịp thời nguồn điện cho hệ thống; phù hợp với cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ.

Trước đó, trong báo cáo hồi tháng 3-2020 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cho biết, tổng công suất các dự án điện gió đã được phê duyệt vào quy hoạch mới là khoảng 4.800 MW, dự kiến vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2021, chủ yếu ở khu vực Tây Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Với việc bổ sung thêm 7.000 MW điện gió vào quy hoạch, tổng công suất điện gió được bổ sung vào quy hoạch sẽ lên tới 11.630 MW, vượt xa công suất điện gió nêu tại quy hoạch điện VII điều chỉnh. Tại quy hoạch điện VII điều chỉnh, mục tiêu công suất lắp đặt điện gió chỉ khoảng 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030.

Còn với ĐMT, báo cáo tại Quốc hội ngày 15-6, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Đến nay, tổng công suất ĐMT đã được quy hoạch khoảng 10.300 MW, trong đó đã vào vận hành hơn 90 dự án ĐMT với tổng công suất khoảng 5.000 MW. Trong khi đó, tại quy hoạch điện VII điều chỉnh, công suất ĐMT cũng chỉ dừng ở con số 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030.

Như vậy, công suất cả điện gió và ĐMT được bổ sung vào quy hoạch hiện nay đã lên tới 21.930 MW, gấp 13 lần quy hoạch điện VII điều chỉnh. Tuy nhiên, số lượng và công suất các dự án ĐMT, điện gió được các địa phương đề nghị bổ sung quy hoạch trong thời gian vừa qua vẫn còn rất lớn (hơn 25. ĐMT và 45.000MW điện gió). Các đề xuất này sẽ được Bộ Công thương tiếp tục nghiên cứu, xem xét trong Quy hoạch điện VIII.

Sở dĩ các nhà đầu tư đổ xô vào điện gió, ĐMT bởi mức giá hấp dẫn. Với ĐMT, các dự án vận hành thương mại trước tháng 7-2019 được hưởng giá ưu đãi lên đến 2.100 đồng/ kWh trong vòng 20 năm. Nếu so giá mua điện từ các nguồn điện như thủy điện (1.000 đồng/kWh), nhiệt điện (1.500 đồng/ kWh), đó là mức giá rất cao, chỉ xếp sau điện khí và điện chạy dầu.

Khi giá ưu đãi cho ĐMT hết thời hạn, thì đến giai đoạn cao trào của điện gió. Tương tự như ĐMT, chỉ sau một thời gian rất ngắn, hàng trăm nhà đầu tư đã đổ xô vào đầu tư nguồn điện này. Mức giá ưu đãi lên tới gần 2.000 đồng/kWh quy định tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là lực hút doanh nghiệp đầu tư. Giá mua điện này áp dụng với dự án vận hành thương mại trước ngày 1-11-2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Đây là mức giá mua điện gió tăng tương đối cao so với mức giá được quy định tại Quyết định 37/2011/QĐ-TTg từ năm 2011 (khoảng 1.770 đồng một kWh, tương đương 7,8 cent).

Lo lưới... quá tải

Việc dồn dập bổ sung vào quy hoạch dự án ĐMT chính là một nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng quá tải lưới điện xảy ra ở Ninh Thuận, Bình Thuận... vừa qua. Hậu quả là các dự án ĐMT ở khu vực này không thể phát hết lượng điện sản xuất ra lên lưới mà chỉ phát được 30-40% công suất, gây lãng phí nguồn lực không nhỏ.

Nhằm phòng tránh trường hợp tương tự lặp lại với điện gió, ngay đầu năm 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả đầu tư các dự án điện gió. Theo ông Trần Ðình Nhân, Tổng Giám đốc EVN cho biết, trong việc phát triển ĐMT thời gian qua, mặc dù EVN đã thường xuyên theo dõi, chủ động nắm bắt thông tin và khẩn trương làm việc với các chủ đầu tư (từ năm 2018), nhưng thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa đồng bộ giữa phát triển nguồn và lưới truyền tải điện.

Tổ hợp trang trại Năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió Trung Nam huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.

Theo đó EVN đã và đang phối hợp các bộ, ngành liên quan, triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải tỏa công suất các dự án điện gió. Dự kiến trong quý III-2020, Tập đoàn này sẽ giải tỏa hết công suất nguồn điện này, sớm hơn so với kế hoạch!

Cũng theo ông Trần Ðình Nhân, để phát huy hiệu quả các dự án điện gió, tránh những vướng mắc lặp lại như đối với các dự án ĐMT, các nhà đầu tư cần trao đổi, chia sẻ thẳng thắn, thường xuyên cung cấp thông tin, tình hình triển khai dự án với EVN, để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Về phía EVN, Tập đoàn sẽ công khai các thông tin về tình hình đầu tư xây dựng các dự án điện gió.

Theo tính toán của Trung tâm Điều độ quốc gia (A0), điều kiện giải tỏa công suất các dự án cho thấy, các khu vực có dự án, về cơ bản sẽ được giải tỏa hết công suất vào năm 2021, chỉ riêng khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận còn gặp khó khăn. Qua tính toán, khu vực Phú Yên quá tải nhẹ; khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận quá tải; các khu vực còn lại đều có thể giải tỏa tốt.

Khi đề xuất bổ sung 7.000 MW điện gió vào quy hoạch, Bộ Công thương cũng đã phải rà soát sức chịu tải của lưới điện từng khu vực. Căn cứ vào các tính toán đó, Bộ Công thương xét duyệt dự án nào được bổ sung quy hoạch, dự án nào không.

Theo Bộ Công thương, một số công trình lưới điện truyền tải cần thiết phải bổ sung quy hoạch hoặc đẩy sớm tiến độ nhằm giải tỏa các dự án điện gió. Cụ thể, nâng công suất trạm biến áp 500kV Đắk Nâng từ 2x450 MVA lên 2x900 MVA; nâng công suất trạm biến áp 500 kV Pleiku 2 từ 2x450 MVA lên 2x900 MVA; xây dựng mới đường dây 220kV Bạc Liêu - Rẽ NĐ Cà Mau - Sóc Trăng chiều dài 5km; đẩy sớm tiến độ trạm biến áp 220 kV Bình Đại và đường dây 220 kV mạch kép từ trạm biến áp 220 kV Bình Đại - Bến Tre từ giai đoạn 2031 - 2035 sang giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đại diện Bộ Công thương khẳng định, khả năng lưới điện đến năm 2021 (với một số đề xuất cải tạo, đẩy nhanh tiến độ và bổ sung quy hoạch một số công trình) có thể hấp thụ được khoảng 7.000 MW trong trường hợp vận hành bình thường.

Mới đây, trong bản báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Công thương cho biết thêm, định hướng đầu tư lưới điện truyền tải tại quy hoạch điện VIII. Theo đó, quy hoạch lưới điện bảo đảm hiện đại, đồng bộ các phương án phát triển nguồn điện, linh hoạt hơn trong quản lý vận hành và có khả năng tích hợp quy mô lớn nguồn năng lượng tái tạo, khả năng truyền tải các nguồn điện gió xa bờ; định hướng phát triển lưới điện thông minh, lưới điện truyền tải siêu cao áp hơn 500 kV, truyền tải một chiều...

HẢI NAM - HƯƠNG TRÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/44966602-can-tinh-toan-ky-quy-hoach-dien.html