Cần tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp

Việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho mọi người dân, DN; nâng cao chất lượng, thu hút các nguồn vốn đầu tư phù hợp, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu thực hiện cam kết hội nhập của Việt Nam.

Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa phối hợp tổ chức hội thảo lấy ý kiến DN về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư, Luật DN.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Luật DN số 68/2014/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015. Đây là 2 luật quan trọng trong hệ thống pháp luật về kinh doanh của nước ta, tác động trực tiếp đến sự phát triển của cộng đồng DN và sự thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo ông Quách Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mặc dù Chính phủ đã có nhiều cải cách theo hướng thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh nhưng trong quá trình rà soát, lấy ý kiến các DN nhận thấy việc thực thi hai luật vẫn gặp phải nhiều vướng mắc, tồn tại một số quy định thiếu đồng bộ giữa Luật đầu tư, Luật DN sửa đổi với các luật chuyên ngành.

Trên cơ sở đó, ông Tuấn cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư và Luật DN. Đối với Luật đầu tư, Dự thảo sửa đổi nhiều vấn đề quan trọng như: Thủ tục đầu tư, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, địa vị pháp lý của nhà đầu tư nước ngoài, bảo đảm và khuyến khích đầu tư, bãi bỏ 26 ngành nghề kinh doanh có điều kiện…

Đối với Luật DN, Dự thảo sửa đổi các quy định liên quan đến DN Nhà nước, tổ chức, hoạt động, quản trị của DN, bãi bỏ con dấu DN, chế độ báo cáo, yêu cầu thay đổi thông tin đăng ký DN…

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, trọng tâm của Luật DN phải hướng đến vấn đề nâng cao và thúc đẩy quản trị DN tốt; bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông, đặc biệt là cổ đông thiểu số.

Theo đó, một trong những nội dung dự kiến sửa đổi là mở rộng quyền của cổ đông, đặc biệt trong việc tiếp cận thông tin, khởi kiện người quản lý, đề cử người vào Hội đồng quản trị… Giảm yêu cầu, điều kiện đối với cổ đông trong thực hiện một số quyền như: Giảm tỷ lệ về sở hữu, thời hạn sở hữu…

Hạnh Nhung

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/can-tiep-tuc-sua-doi-hoan-thien-luat-dau-tu-luat-doanh-nghiep-344712.html