Cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng tiêu chuẩn

Việc xây dựng và tuân thủ các tiêu chuẩn cho hàng hóa của Việt Nam hiện còn gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức và sự quan tâm của các doanh nghiệp và hợp tác xã chưa cao. Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Kim Hạnh (ảnh), Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao về việc nâng cao nhận thức và hỗ trợ DN đạt các tiêu chuẩn chất lượng.

Xin bà chia sẻ một số thông tin về tình hình nhận thức và sự quan tâm của DN, nông dân đối với các tiêu chuẩn chất lượng?

Tháng 8 vừa qua, ban điều hành dự án “Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập” đã tổ chức một cuộc khảo sát đối với 70 hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nông dân cùng với 100 DN vừa và nhỏ về nhận thức, ứng dụng các tiêu chuẩn trong sản xuất. Kết quả nói chung là đa số các tổ chức, cá nhân, nông dân và các DN chưa có sự quan tâm đúng mức và đầy đủ đến việc xây dựng và tuân thủ tiêu chuẩn. Nguyên nhân của tình trạng này là do các DN, hợp tác xã chưa bị áp lực bởi nhu cầu, chưa có sự đảm bảo rằng hàng hóa sẽ bán được khi mà chi phí đầu tư cho tiêu chuẩn tăng lên. Ngoài ra, việc thiếu nhân lực chuyên môn về tiêu chuẩn chất lượng cũng là hạn chế của các DN, hợp tác xã đối với vấn đề tiêu chuẩn chất lượng...

Theo bà, việc đạt các tiêu chuẩn chất lượng sẽ mang lại những lợi ích gì cho sản phẩm hàng hóa cũng như cho các DN?

Trước khi nói tới lợi ích, chúng ta cần thống nhất với nhau rằng tiêu chuẩn là điều kiện tối thiểu, đầu tiên như tấm giấy thông hành đi vào cửa chính ngạch của thị trường. Không có tiêu chuẩn là không đủ “giấy tờ” để thâm nhập hợp pháp vào các thị trường. Còn về lợi ích, chính việc áp dụng, tuân thủ tiêu chuẩn sẽ tạo cho qui trình, hoạt động tổ chức sản xuất, kinh doanh được đảm bảo bài bản, chuyên nghiệp. Đây cũng là điều kiện để chất lượng sản phẩm luôn ổn định và sự tin tưởng của khách hàng cũng từ đó mà ổn định.

Thời gian qua, Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao đã triển khai các hoạt động gì để hỗ trợ DN và các hợp tác xã đạt các tiêu chuẩn chất lượng, thưa bà?

Hai năm qua, chúng tôi đã tiến hành một chương trình lớn, coi như chương trình xúc tiến thứ hai cho hàng Việt, song song với chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) do người tiêu dùng bình chọn tổ chức 22 năm qua và đến nay vẫn đang tiếp tục.

Công việc đầu tiên là xây dựng nên bộ tiêu chí “HVNCLC-Chuẩn hội nhập” làm nền để đối chiếu, giúp doanh nghiệp và nông dân có điểm tựa để xây dựng lộ trình đổi mới về chuẩn chất (tiêu chuẩn và chất lượng) sản phẩm.

Sau khi kết nạp 76 doanh nghiệp, trong đó có 2 DN đa quốc gia rất thiết tha ứng dụng bộ tiêu chí này là Acecook và Nestle, chúng tôi đã hình thành Câu lạc bộ các DN đạt chuẩn hội nhập. Từ đó, hỗ trợ CLB thông tin cập nhật về thị trường hội nhập, tiếp tục huấn luyện, nâng cao trình độ, khả năng xây dựng và tuân thủ tiêu chuẩn; xây dựng mối quan hệ với các tổ chức chuyên nghiệp quản lý các hệ thống tiêu chuẩn như ký “thừa nhận lẫn nhau” với Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, GMP+ hay chuẩn bị xây dựng một tiêu chuẩn đồng hành cùng GlobalG.A.P.

Chúng tôi cũng không ngừng truyền thông cho Bộ tiêu chí “HVNCLC-Chuẩn hội nhập” để người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến tiêu chuẩn, có sự lựa chọn thích hợp ủng hộ nỗ lực của doanh nghiệp. Tháng 8 vừa qua, chúng tôi cũng đã ký “Thỏa thuận về hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn” với Bộ Khoa học và Công nghệ với 4 nhiệm vụ: Xây dựng nhận thức về tiêu chuẩn, hỗ trợ xây dựng cụ thể tiêu chuẩn, truyền thông và hỗ trợ đổi mới công nghệ và thương mại hóa sản phẩm. Hiện nay việc thực hiện thỏa thuận này đã bắt đầu từ tháng 9/2018.

Quá trình triển khai các hoạt động đó có gặp phải khó khăn gì, thưa bà? Bà chia sẻ về khó khăn và thành công trong quá trình hỗ trợ DN và nông dân làm tiêu chuẩn?

Khó khăn thì nhiều. Như tôi nói, phản ánh từ cuộc khảo sát nói trên, sự thiếu coi trọng, quan tâm của các DN và hợp tác xã; quán tính “đối phó” khi xây dựng tiêu chuẩn, nhằm lấy giấy chứng nhận để thỏa mãn yêu cầu thủ tục của nhà nhập khẩu thay vì coi tiêu chuẩn là nhu cầu tự thân cho toàn bộ quá trình sản xuất. Ngoài ra, DN hiện khó khăn nhiều bề nên khó tập trung làm tốt cho xây dựng tiêu chuẩn, thị trường thế giới cạnh tranh ác liệt và Chính phủ các nước đặc biệt là các nước ASEAN tập trung mạnh mẽ và hiệu quả cho DN nước họ với công cuộc chuyển đổi số và nâng cao vai trò tiêu chuẩn...

Nhưng vẫn có những “tấm gương” lặng lẽ của các nhà nông hay doanh nghiệp luôn đồng hành với hoạt động của dự án, như DN chế biến thực phẩm Vinamit, Vineco, Hải Âu, Ngọc Liên hay như Huy Long An (Fohla)… Hiện đã hình thành nên hàng chục chuỗi liên kết với hình thức hợp tác hứa hẹn bền vững, thay cho lý thuyết về 3 nhà, 4 nhà trước đây, từng được nói đến nhiều nhưng khi ứng dụng thì đầu vào không gắn được với người tiêu dùng cuối cùng nên khó hiện thực hóa.

Kế hoạch sắp tới của Hội để giúp DN và hợp tác xã làm tiêu chuẩn là gì, thưa bà?

Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện song song hai chương trình xúc tiến “HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn” và “HVNCLC - Chuẩn hội nhập”. Tôi mong Nhà nước thực thi các chính sách đã được ban hành như: Giảm tối đa việc kiểm tra, thanh tra liên miên nhũng nhiễu DN; hỗ trợ DN hiệu quả hơn trong những hoạt động mà WTO không cấm như hỗ trợ thông tin thị trường, huấn luyện nhân lực... Và cũng quan trọng không kém là đề nghị nhà nước nhanh chóng có chương trình quốc gia hỗ trợ DN nhỏ chuyển đổi công nghệ.

Xin cám ơn bà!

Nguyễn Hiền (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/can-tiep-tuc-ho-tro-doanh-nghiep-hop-tac-xa-xay-dung-tieu-chuan.aspx