Cân tiền thay đếm ở Venezuela: Cảnh báo cho Iran

Với sự tương đồng giữa Venezuela và Iran thì kỷ lục của đồng bolivar hoàn toàn là viễn cảnh của đồng rial, nếu Tehran thiếu cách giải nguy hữu hiệu...

Lạm phát ở Venezuela có thể lên mức 1 triệu % vào cuối năm 2018, thu ngân cân tiền thay cho đếm

Cuộc khủng hoảng tiền tệ tại Venezuela ngày càng trở nên nghiêm trọng, khi tỉ lệ lạm phát tăng cao, tăng liên tục trong một thời gian ngắn khiến cho tình hình kinh tế - xã hội tại quốc gia này ngày một tồi tệ hơn.

Tỉ lệ lạm phát lên tới 60.000%, khiến giá 1 lít rượu Scotch cao cấp đã lên tới 1 tỷ bolivar, tương đương 16 năm lương tối thiểu của người lao động Venezuela. Còn các loại giá rẻ tiền khác cũng có giá nhiều trăm triệu bolivar.

Tuy nhiên, tình trạng tồi tệ của nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ này chưa dừng lại, đời sống của người lao động Venezuela được dự báo còn khắc nghiệt hơn - dù lương tối thiểu hiện chỉ còn dưới 4 USD/tháng - khi tỉ lệ lạm phát tiếp tục tăng mạnh.

Một chồng tiền bolivar như vậy mà chỉ mua được 1 quả chuối tại Venezuela

Theo ông Alejandro Werner, Giám đốc khu vực Tây bán cầu của IMF, lạm phát ở Venezuela có thể lên tới 1 triệu % vào cuối năm 2018. Nếu điều này xảy ra thì cuộc khủng hoảng ở Venezuela trở thành cuộc suy thoái lớn nhất thế giới trong 60 qua.

Nhà kinh tế của IMF cho rằng, những bất ổn kinh tế tại Venezuela có thể so sánh với Đức sau Thế chiến thứ I và Zimbabwe đầu thập kỉ trước. Ông Werner cảnh báo bất ổn kinh tế nghiêm trọng tại Venezuela sẽ tác động tới các nước láng giềng.

Hồi đầu năm nay, chính phủ Venezuela cho biết, để đối phó với tình trạng lạm phát phi mã thì 3 số 0 trên tờ bolivar sẽ được xóa - nghĩa là đồng nội tệ của Venezuela sẽ được tăng giá trị lên 1.000 lần.

Nhưng tháng 7 vừa qua, Tổng thống Nicolas Maduro cho hay sẽ có tới 5 số 0 trên tờ bolivar được xóa bỏ - nghĩa là nghĩa là đồng nội tệ của Venezuela sẽ được tăng giá trị lên 100.000 lần - vì tăng 1.000 lần chưa "xi nhê" gì., theo Reuters.

Trong thời gian chờ xóa nhiều chữ số 0 tên tờ bolivar, thì người dân nước này rất khổ sở khi phải sử động đồng tiền có giá trị không khác gì tờ "giấy lộn" cho việc chi tiêu, mua sắm và thanh toán các dịch vụ.

Và "trong cái khó ló cái khôn", khi người Venezuela đã có "sáng kiến" là cân tiền cho nhanh thay vì đếm tiền. Đây là điều không ai có thể tưởng tượng nổi tại một quốc gia từng có thu nhập đầu người cao nhất tại khu vực Nam Mỹ.

Nền kinh tế Venezuela bắt đầu bước vào giai đoạn suy thoái nghiêm trọng kể từ khi giá dầu thế giới tụt giảm vào năm 2014, trong khi đó chính phủ nước này lại có chính sách điều hành đi từ nghịch lý đến phi lý, khiến cho tình hình ngày càng thêm tồi tệ.

Nền kinh tế Venezuela phụ thuộc tới 95% vào xuất khẩu dầu thô, nên khi giá dầu giảm sâu là kinh tế nước này rơi ngay vào suy thoái, khủng hoảng, song chính quyền Caracas lại không nhìn nhận và tìm giải pháp khắc phục yếu điểm điểm này.

Tổng thống Nicolas Maduro cho biết phải xóa 5 số 0 trên tờ bolivar mới theo kịp tốc độ lạm phát

Chính quyền của Tổng thống Maduro đã nhìn nhận sự phá hoại của Mỹ là nguyên nhân chính khiến kinh tế Venezuela khủng hoảng nghiêm trọng. Do đó, thay vì tập trung vào cơ cấu lại nền kinh tế thì họ tập trung vào củng cố quyền lực.

Điều đó tạo ra hai hiệu ứng trái chiều trên đất nước Venezuela : kinh tế thì suy giảm nhanh, còn xã hội thì bất ổn tăng cao. Chính quyền thay vì cải cách kinh tế để đảm bảo chất lượng sống cho người dân thì phải tập trung vào giữ quyền lực.

Giới phân tích cho rằng tình hình kinh tế - xã hội tồi tệ tại Venezuela bị ảnh hưởng bởi trừng phạt của Washington luôn ít hơn là do chính sách quản lý và điều hành bất hợp lý của chính phủ nước này.

Vì vậy, Caracas cần nhanh chóng cơ cấu lại nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào dầu thô, từ đó tạo ra một nền kinh tế hàng hóa đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, đồng thời bảo đảm nền tảng vững chắc cho đồng nội tệ.

Theo các chuyên gia kinh tế, khi chưa có điều kiện tăng quỹ dự trữ quốc gia, thì phát triển kinh tế hàng hóa là lối thoát duy nhất cho cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Venezuela, đồng thời cũng là cách tốt nhất giúp Caracas chống lại sự phá hoại của Mỹ.

Lời cảnh báo cho Iran

Tình hình khủng hoảng kinh tế tồi tệ tại Venezuela được xem là lời cảnh báo nghiêm khắc với Iran, bởi dù cách nhau nửa vòng trái đất nhưng giữa "cường quốc Trung Đông" này với "quốc gia Nam Mỹ giàu có một thời" kia có rất nhiều tương đồng.

Thứ nhất, nền kinh tế Venezuela phụ thuộc 95% vào khai thác và xuất khẩu dầu thô thì kinh tế Iran cũng không kém cạnh gì trong sự phụ thuộc vào thứ vàng đen này, cũng khoảng 95% sức mạnh của nền kinh tế.

Thứ hai, Venezuela bị Mỹ trừng phạt thì Iran cũng đồng cảnh ngộ và nếu Caracas xem sự phá hoại của Washington là nguyên nhân chính của khủng hoảng kinh tế thì quan điểm của Tehran cũng tương tự như vậy.

Đồng rial đang mất giá rất nhanh và sức mua của đồng tiền này cũng giảm sút

Thứ ba, đồng bolivar mất giá nhanh chóng thì đồng rial cũng đang rơi vào tình trạng tương tự, song cũng như Venezuela, Iran cũng không có được một nền kinh tế hàng hóa dồi dào, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân.

Thứ tư, chính quyền Venezuela không xem cơ cấu lại nền kinh tế là nển tảng cho giải quyết khủng hoảng tiền tệ, mà là thay đổi phương thức thanh toán - dùng đồng petro ảo - thì chính quyền Iran cũng chọn phương cách này - tiền ảo Bitcoin.

Với những tương đồng căn bản như vậy, hậu quả của nền kinh tế tồi tệ hiện nay tại Venezuela, rõ ràng là một lời cảnh báo rất nghiêm khắc với chính quyền Iran trong việc giải quyết những khó khăn của đất nước.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/can-tien-thay-dem-o-venezuela-canh-bao-cho-iran-3363091/