Cần thực hiện đúng, đủ trách nhiệm với trẻ em

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), nhấn mạnh bên cạnh việc đẩy mạnh xã hội hóa, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện đúng, đầy đủ trách trách nhiệm đối với các quyền của trẻ em đã được quy định trong Luật Trẻ em

Phóng viên: Trong những năm qua, công tác chăm sóc trẻ em ở nước ta đã được các cấp, ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể quan tâm như thế nào, thưa phó cục trưởng?

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

- Bà NGUYỄN THỊ NGA: Tôi vừa đọc loạt 4 bài "Đừng để tâm hồn trẻ thơ què quặt" của Báo Người Lao Động, thấy cách đặt vấn đề và nêu thực trạng của báo rất đúng và trúng về quyền trẻ em, đặc biệt là nhóm quyền liên quan đến văn hóa, vui chơi và giải trí của trẻ em. Với tư cách là phó cục trưởng Cục Trẻ em, tôi rất cảm ơn phản ánh của quý báo.

Còn vấn đề phóng viên hỏi, chúng ta đã có Chỉ thị 20 năm 2012 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; Quốc hội cũng đã ban hành Luật Trẻ em 2016; Chính phủ đã ban hành rất nhiều nghị định và đặc biệt có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Chính phủ; các bộ,̣ ngành, tổ chức, địa phương trong việc triển khai các chương trình, mô hình về công tác trẻ em.

Là một người gắn bó với công tác trẻ em lâu năm, trên bình diện chung, xin bà cho biết trẻ em ở trường, ở nơi sống, ở các không gian công cộng, ở các chương trình xã hội... đang được giáo dục tâm hồn ra sao khi mà những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật dành cho trẻ em quá ít và thiếu vắng?

- Luật Trẻ em 2016 có 25 điều liên quan đến quyền của trẻ em, đặc biệt có những quy định rất cụ thể của luật liên quan đến nhóm chăm sóc và giáo dục trẻ em như bảo đảm điều kiện vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch cho trẻ em; nhà nước có chính sách hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn hóa nghệ thuật; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở cho trẻ em; có chính sách ưu tiên trẻ em khi sử dụng dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao, du lịch và tham quan di tích, thắng cảnh... Bên cạnh đó, nhà nước khuyến khích tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia ủng hộ, đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ trẻ em vui chơi, giải trí...

Liên quan đến sản phẩm, ấn phẩm văn hóa, nghệ thuật dành cho trẻ em, kể cả trên sàn diễn, trên truyền hình và trên nền tảng số, có thể nói giai đoạn trước đây có rất nhiều tác giả dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ của mình để có những tác phẩm rất hay phục vụ trẻ em, đó là những bài hát, những cuốn sách đi cùng năm tháng. Cá nhân tôi đến bây giờ vẫn còn nhớ những bài hát hay sáng tác cho thiếu nhi, những tác phẩm văn học hay dành cho thiếu nhi, kể cả những "sân chơi" sinh hoạt hè được tổ chức trong thế hệ của mình.

Loạt bài “Đừng để tâm hồn trẻ thơ què quặt” trên Báo Người Lao Động Ảnh: QUANG LIÊM

Còn bây giờ, rõ ràng chúng ta thấy sự thiếu hụt đó. Thực tế, thông qua các diễn đàn trẻ em các cấp, trẻ em quốc gia, bản thân các em cũng đã có những tiếng nói, kiến nghị với các cấp, bộ, ngành, mà một trong số những điều các em mong đợi và truyền đi thông điệp, đó là các bộ, ngành, địa phương cần phải quan tâm đến các sản phẩm, các thiết chế, các điểm vui chơi dành cho trẻ em.

Có thể nói vai trò, giá trị của việc giáo dục nhân cách thông qua các tác phẩm nghệ thuật hay các sản phẩm văn hóa giải trí lành mạnh sẽ giúp cho trẻ phát triển toàn diện. Tuy nhiên, phải thừa nhận có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan trong việc trẻ em của chúng ta hiện nay đang có những thiếu hụt hay được tiếp cận hạn chế những sản phẩm văn hóa phục vụ lứa tuổi của mình.

Thực tế từ các chuyến công tác, kiểm tra ở cơ sở, cho thấy hầu hết ở các địa phương, từ cấp xã trở lên cũng đều nêu những khó khăn và kiến nghị các bộ, ngành cần quan tâm hơn đến các thiết chế văn hóa dành cho trẻ em trong giai đoạn tới.

Giáo dục nhân cách, đặc biệt là giáo dục nhân cách cho trẻ em, không gì hiệu quả bằng tác phẩm nghệ thuật. Vì lẽ đó, những gì tư nhân không làm thì nhà nước phải làm. Vậy giải pháp nào để khắc phục những bất cập nêu trên?

- Những bất cập và sự thiếu vắng "sân chơi" văn hóa, giải trí dành cho trẻ em, loạt bài của Báo Người Lao Động đã nêu khá rõ về thực trạng. Báo cáo giám sát của Quốc hội cũng có nhận định một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em trong thời gian qua là do các thiết chế văn hóa chưa được quan tâm và thực hiện đầy đủ.

Để khắc phục, việc đầu tiên là chúng ta phải tiếp tục rà soát những quy định mà Luật Trẻ em đã phân giao trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương.

Vẫn còn những nội dung trong Luật Trẻ em chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ đã dẫn đến thực hiện quyền của trẻ em, trong đó có quyền được bảo đảm về văn hóa, vui chơi giải trí chưa bảo đảm.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV cũng ban hành Nghị quyết 121 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em. Trong đó, giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiến hành giám sát thường xuyên đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần ưu tiên xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao dành cho trẻ em, nhất là tại các địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Chúng tôi hy vọng thông qua hoạt động giám sát, Quốc hội sẽ có kiến nghị, yêu cầu đối với các bộ, ngành, địa phương, thực hiện đúng - đủ - hết trách nhiệm đối với các quyền của trẻ em đã được quy định cụ thể trong luật. Bên cạnh đó, rất cần xã hội hóa, sự tham gia của các cá nhân, tổ chức để các ấn phẩm, chương trình, sản phẩm văn hóa, giải trí có chất lượng được sản xuất nhiều hơn, phục vụ và đáp ứng nhu cầu của trẻ em.

Sẽ đề ra những mục tiêu, chỉ tiêu rất cụ thể

"Năm 2020 là năm rất quan trọng khi chúng ta tổng kết Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020, những chương trình quốc gia liên quan đến văn hóa, liên quan đến trẻ em... Với những "khoảng trống", những khó khăn, bất cập trong thời gian qua, các bộ, ngành trong đó có Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về trẻ em sẽ đánh giá, tổng hợp những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện quyền trẻ em thời gian qua, trên cơ sở đó sẽ phối hợp với các bộ, ngành chức năng, các tổ chức liên quan và địa phương để đề ra những mục tiêu, chỉ tiêu rất cụ thể nhằm đáp ứng được việc bảo đảm quyền trẻ em, trong đó có nhóm quyền liên quan đến văn hóa, vui chơi giải trí cho trẻ. Trên cơ sở này sẽ đưa vào Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 cũng như các chương trình mà Chính phủ giao cho các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng, thực hiện trong giai đoạn 5 năm hoặc 10 năm tới" - bà Nguyễn Thị Nga nói.

Văn Duẩn thực hiện

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/dung-de-tam-hon-tre-tho-que-quat-can-thuc-hien-dung-du-trach-nhiem-voi-tre-em-20200709205529336.htm