Cần thực hiện bình ổn giá cả để giá sách giáo khoa không quá cao

Qua khảo sát cho thấy tuy đơn giá tính trên mỗi trang in biến động không nhiều nhưng giá của cả bộ SGK mới có cao hơn giá của cả bộ SGK lớp 1 hiện hành từ 3,3 lần đến 3,7 lần.

Trong chương trình Phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội vể đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc thực hiện, triển khai Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã đạt được những kết quả nhất định.

Kết quả chuẩn bị sách giáo khoa (SGK) đến nay đã triển khai tốt việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa được 9 đầu sách giáo khoa lớp 1, kịp thời triển khai chương trình mới từ năm học 2020-2021.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo, vẫn còn nhiều khó khăn do đây là một vấn đề lớn. Lần đầu tiên, chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả các môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học theo tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Việc biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới lần đầu tiên được áp dụng nên gặp nhiều khó khăn từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện.

Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày báo cáo tại phiên họp (ảnh: Quốc hội)

Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày báo cáo tại phiên họp (ảnh: Quốc hội)

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và cơ sở vật chất cũng còn nhiều khó khăn. Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều, còn thừa thiếu cục bộ; đồng thời còn thiếu so với quy định, đặc biệt là cấp tiểu học.

Số lượng các trường lớn, trải rộng khắp cả nước, ngân sách nhà nước đầu tư chung cho giáo dục đào tạo còn hạn chế nên điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông vẫn còn nhiều khó khăn. Đây là khó khăn rất lớn trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới của các địa phương…

Thẩm tra báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nêu rõ, những kết quả đạt được sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 88 và 3 năm thực hiện Nghị quyết 51 của Quốc hội thể hiện sự cố gắng rất lớn của Chính phủ và các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, đối chiếu với Nghị quyết 88, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới đã chậm 2 năm. Đến thời điểm hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực hiện được nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa lớp 1; việc tập huấn giáo viên đại trà mới bắt đầu triển khai; chất lượng tập huấn một số cuộc, theo phản ánh của nhiều cán bộ, giáo viên, cũng còn hạn chế…

Đáng quan tâm, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cho rằng, báo cáo của Chính phủ không nêu vấn đề giá SGK nhưng đây là vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm. Hiện nay, các sách giáo khoa lớp 1 đã phát hành là sách giáo khoa xã hội hóa do các nhà xuất bản công lập tự chủ tài chính phát hành. Do đó, vấn đề giá bán SGK cần được Chính phủ quan tâm thích đáng.

Qua khảo sát cho thấy tuy đơn giá tính trên mỗi trang in biến động không nhiều nhưng giá của cả bộ SGK mới có cao hơn giá của cả bộ SGK lớp 1 hiện hành từ 3,3 lần đến 3,7 lần (SGK mới có giá từ 179.000 đ/bộ đến 199.000 đ/bộ bao gồm cả SGK điện tử, trong khi SGK hiện hành có giá là 54.000 đ/bộ). Nguyên nhân sự chênh lệch giá là do bộ SGK lớp 1 mới có số lượng quyển nhiều hơn, kỹ thuật trình bày, in ấn có thay đổi so với bộ SGK hiện hành.

Để đảm bảo chính sách xã hội hóa trong biên soạn và phát hành SGK đạt được kết qua tốt, Ủy ban thẩm tra đề nghị Bộ GDĐT nghiên cứu chỉ đạo các nhà xuất bản về việc giảm giá bán SGK một cách hợp lý trên cơ sở điều chỉnh hình thức và kỹ thuật in ấn phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội chung của đất nước.

Bên cạnh đó, cho đến nay, Bộ GDĐT chưa hoàn thành việc tổ chức, biên soạn một bộ SGK theo yêu cầu của Nghị quyết 88. Theo Báo cáo của Chính phủ, tháng 3-2019, Bộ GDĐT đã tổ chức đấu thầu để tuyển chọn tác giả biên soạn bộ SGK nhưng do số tác giả tham gia đấu thầu không đủ nên không tổ chức biên soạn được bộ SGK theo yêu cầu của Nghị quyết 88. Nguyên nhân của tình trạng trên là do dù có kế hoạch tổng thể, nhưng Bộ GDĐT chưa hình dung hết quá trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

Thảo luận tại Phiên họp, một số ý kiến cho rằng, việc xã hội hóa sách giáo khoa là một xu thế tiến bộ, phù hợp với xu thế của thế giới nhưng việc thực hiện bộ sách mới của nhà nước còn chậm.

Đặc biệt, giá sách giáo khoa tăng lên 2,3 lần so với trước khi xã hội hóa, nên cần thực hiện bình ổn giá cả sách giáo khoa để không quá cao, không ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa…

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-thuc-hien-binh-on-gia-ca-de-gia-sach-giao-khoa-khong-qua-cao-193438.html