Cần thống nhất công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn

Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải hiện nay đã tăng đáng kể qua từng năm. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom chất thải rắn (CTR) sinh hoạt khu vực đô thị mới đạt trung bình hơn 85%, khu vực nông thôn đạt khoảng từ 45 đến 50%... Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất cập nêu trên là do việc phân công, phân nhiệm trong quản lý CTR còn chồng chéo giữa các bộ, ngành liên quan.

Phân loại và xử lý rác tại Nhà máy cơ khí chế tạo thiết bị môi trường của Công ty TNHH Thủy lực máy trong Khu công nghiệp Đồng Văn II, huyện Duy Tiên (Hà Nam). Ảnh: Quang Minh

Phân loại và xử lý rác tại Nhà máy cơ khí chế tạo thiết bị môi trường của Công ty TNHH Thủy lực máy trong Khu công nghiệp Đồng Văn II, huyện Duy Tiên (Hà Nam). Ảnh: Quang Minh

Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải hiện nay đã tăng đáng kể qua từng năm. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom chất thải rắn (CTR) sinh hoạt khu vực đô thị mới đạt trung bình hơn 85%, khu vực nông thôn đạt khoảng từ 45 đến 50%... Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất cập nêu trên là do việc phân công, phân nhiệm trong quản lý CTR còn chồng chéo giữa các bộ, ngành liên quan.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2016, cả nước mới thu gom được hơn 33.167 tấn CTR, trong đó, tổng lượng CTR thông thường thu gom được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đạt khoảng 27.067 tấn (chiếm tỷ lệ 81%); khoảng 5.100 tấn CTR được thu gom nhưng chưa xử lý theo quy định. Ngoài ra, còn một khối lượng lớn CTR chưa được thu gom đã và đang gây ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý, trong các nguồn phát sinh CTR, thì lượng CTR sinh hoạt tại các đô thị tiếp tục tăng trung bình từ 10 đến 16% mỗi năm. Lượng CTR sinh hoạt đô thị tăng mạnh ở các đô thị lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng... nơi có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh, chiếm tới 45,24% tổng lượng CTR sinh hoạt phát sinh từ tất cả các đô thị trên cả nước. Tỷ lệ CTR sinh hoạt chiếm khoảng từ 60 đến 70% tổng lượng CTR đô thị (tỷ lệ này tại một số đô thị lên đến 90%). Tại khu vực nông thôn, lượng CTR sinh hoạt phát sinh trung bình khoảng 0,33 kg/người/ngày. Tuy nhiên, hiện số lượng CTR sinh hoạt nông thôn vẫn chưa được thống kê đầy đủ, do công tác quản lý còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, lượng CTR thông thường phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp ước tính khoảng 25 triệu tấn/năm; riêng từ các khu công nghiệp (KCN) khoảng 8,1 triệu tấn/năm. Đáng chú ý, CTR công nghiệp từ các KCN, khu chế xuất, các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngoài KCN, cụm công nghiệp (CCN) được thu gom và tái sử dụng với tỷ lệ khá cao, nhưng phần lớn CTR chưa được phân loại tại nguồn, mà được thu gom lẫn lộn vận chuyển ra bãi chôn lấp…

Trong những năm qua, công tác quản lý và kiểm soát CTR luôn là nội dung trọng tâm được triển khai ở các cấp, các ngành, địa phương nhằm giảm đến mức thấp nhất và ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường do CTR gây ra. Tuy nhiên hiện nay, tổng khối lượng CTR sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt khoảng hơn 85%. Tại khu vực nông thôn, tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt mới đạt khoảng từ 40 đến 55%. Trong khi đó, phần lớn các CCN vẫn chưa hoàn thiện các công trình thu gom, xử lý chất thải tập trung. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất nằm ngoài KCN, CCN việc quản lý, kiểm soát ô nhiễm còn gặp rất nhiều khó khăn. Phó Tổng cục trưởng Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) Nguyễn Hưng Thịnh cho rằng: Công tác quản lý CTR ở nước ta còn gặp không ít khó khăn về thể chế, chính sách; còn thiếu quy định chi tiết đối với một số chất thải đặc thù. Việc phân công, phân nhiệm trong quản lý chất thải còn chồng chéo và nhiều lỗ hổng dẫn đến khó thống nhất trong quản lý nhà nước về CTR. Thí dụ, Bộ TN và MT được giao quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường (BVMT), nhưng một số nội dung về: Hướng dẫn quản lý đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTR sinh hoạt; phương pháp lập, quản lý chi phí và phương pháp định giá dịch vụ xử lý CTR sinh hoạt; công bố định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt; suất vốn đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTR lại được giao Bộ Xây dựng thực hiện.

Đáng chú ý, theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu, Bộ TN và MT được giao quy định chi tiết về xử lý các bao bì, hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y thải phát sinh trong hoạt động nông nghiệp; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chi tiết về việc thu gom, lưu giữ chất thải phát sinh trong hoạt động nông nghiệp. Với các quy định nêu trên, hiện nay chưa rõ đơn vị nào chịu trách nhiệm quy định chi tiết về xử lý CTR thông thường phát sinh trong hoạt động nông nghiệp... Khoản 1 Điều 28 Nghị định 38/2015/NĐ-CP nêu rõ, Chính phủ giao cho UBND cấp tỉnh phân công, phân cấp trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn và phân cấp quản lý cho UBND các cấp về quản lý CTR theo quy định, dẫn đến việc tùy địa phương giao lĩnh vực quản lý CTR cho Sở Xây dựng, hoặc giao cho Sở TN và MT chủ trì quản lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn...

Để thực hiện phương án thống nhất quản lý nhà nước về CTR, Bộ TN và MT hiện đang tích cực phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành rà soát, đề xuất trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần giao Bộ TN và MT tiến hành rà soát lại các quy hoạch về quản lý CTR; tổ chức triển khai đầu tư các dự án trọng điểm về xử lý CTR phù hợp điều kiện của các vùng, miền, có thuê tư vấn quốc tế để bảo đảm công nghệ xử lý đạt các yêu cầu, chuẩn mực của quốc tế. Xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích và huy động nguồn lực từ xã hội đầu tư các dự án trọng điểm về xử lý CTR phù hợp điều kiện của các vùng, miền; sớm luật hóa các chủ trương, cơ chế, chính sách về chống rác thải nhựa, kiểm soát và xử lý rác thải nhựa. Đồng thời, đề ra các chế tài để hạn chế các sản phẩm CTR gây nguy hại đến môi trường; tổ chức các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về quản lý, thu gom, phân loại CTR tại gia đình và cộng đồng...

KHÁNH HUY

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/vi-moi-truong-xanh/item/40009802-can-thong-nhat-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-chat-thai-ran.html