Cần Thơ: Xử lý kịp thời hiện tượng sạt lở bờ sông

Hiện tượng sạt lở bờ sông mới đây tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ được xác định do yếu tố tự nhiên và hiện đã qua giai đoạn nguy hiểm nhất, quy mô sạt đang giảm dần theo từng ngày, sau những nỗ lực khắc phục rất kịp thời của các cơ quan chức năng.

Sáng 5/10, đoạn bờ sông đường 30-4, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ xuất hiện tình trạng sạt lở, ban đầu chỉ vài mét, sau đó lan rộng hơn, kéo dài gần 100 m dọc bờ sông, chỗ ăn vào sâu nhất hơn 20 m.

Lý giải về nguyên nhân gây sạt lở,ông Đào Anh Dũng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, cho biếtsạt lở tại sông Cần Thơ được xác định là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên bởi đây là khúc sông có nguy cơ sạt lở cao nhất trên toàn tuyến, khu vực sạt lở lại nằm ở bờ bên lở của sông Cần Thơ, đúng vị trí lõm cong vào, tạo thành điểm xung yếu. Vào thời điểm này trong năm, triều cường lên rất cao, cộng thêm lòng sông tại đây có nhiều hố xoáy ngầm. Theo khảo sát của các chuyên gia, hiện đang có 3 hố xoáy lớn dưới lòng sông, mỗi hố dài khoảng 40 m, rộng 22-25 m, sâu hơn lòng sông từ 4-6 m; cùng rất nhiều hố nhỏ xung quanh, tạo nên những dòng xoáy chảy xiết, tác động vào bờ bên lở gây nên sạt đất.

Ông Dũng bác bỏ dư luận cho rằng nguyên nhân sạt lở có phần do việc xây dựng công trình Vincom Xuân Khánh.“Căn cứ trên đặc điểm địa hình, địa chất khúc sông này, Thành phố xác định có nguy cơ sạt lở cao. Việc xảy ra là quá trình tất yếu, không tại khúc này thì có thể sẽ xảy ra ở khu vực lân cận Vincom Xuân Khánh”, ông Dũng khẳng định và cho biết thêm: Công trình Vincom Xuân Khánh được xây dựng bằng giải pháp khoan cọc nhồi, các cọc móng có độ sâu gần 80 m nên kiên cố và không ảnh hưởng đến địa tầng khu vực.

Được biết, ngay khi xảy ra sạt lở, chính quyền Thành phố đã cùng chủ đầu tư Vincom Xuân Khánh chủ động tiến hành xử lý bằng cả các giải pháp trước mắt và lâu dài. Cụ thể, toàn bộ các hố xoáy lở ở giữa sông được lấp đầy bằng các bao tải cát, sau đó trải vải địa kỹ thuật phủ mặt và dùng các rổ đá chặn phía trên nhằm cố định chắc chắn, tạo lòng sông bằng phẳng để dòng chảy lặng đi, không tạo dòng xói lở vào bờ nữa. Đồng thời, phần sát bờ được ép cừ thép để ngăn đất phía trên sạt xuống.

“Về lâu dài, Thành phố sẽ khảo sát lại toàn bộ lòng sông, đo vận tốc dòng chảy, khảo sát địa chất cụ thể hơn tại khu vực xói lở để có biện pháp tối ưu nhất, tìm giải pháp đồng bộ cho toàn tuyến. Ngoài ra, khúc sông này thuộc dự án ODA kiên cố hóa 6 km đường sông có nguy cơ sạt lở cao đang được Thành phố thực hiện trong giai đoạn 2016-2020. Hiện dự án đã có thiết kế và phương án kỹ thuật và sẽ triển khai trong giai đoạn 2016-2020 để giảm thiểu nguy cơ sạt lở như hiện tại”, ông Dũng cho biết.

Long Hồ

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/can-tho-xu-ly-kip-thoi-hien-tuong-sat-lo-bo-song/288582.vgp