Cần Thơ - trọng điểm 1 của khu Tây Nam Bộ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Đêm mùng 1 Tết, các đô thị khu vực Tây Nam Bộ đồng loạt nổ súng mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong đó, Khu ủy Tây Nam Bộ xác định Cần Thơ (nơi tập trung cơ quan đầu não Vùng IV chiến thuật và Quân đoàn IV ngụy) là trọng điểm 1 của miền Tây Nam Bộ (Khu IX) và cả đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tiểu đoàn Tây Đô vượt sông Cần Thơ chuẩn bị cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. (Ảnh tư liệu)

Tiểu đoàn Tây Đô vượt sông Cần Thơ chuẩn bị cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. (Ảnh tư liệu)

NDĐT - Đêm mùng 1 Tết, các đô thị khu vực Tây Nam Bộ đồng loạt nổ súng mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong đó, Khu ủy Tây Nam Bộ xác định Cần Thơ (nơi tập trung cơ quan đầu não Vùng IV chiến thuật và Quân đoàn IV ngụy) là trọng điểm 1 của miền Tây Nam Bộ (Khu IX) và cả đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Để tăng cường cho vùng trọng điểm này, Trung ương Cục và Khu ủy Tây Nam Bộ cử đồng chí Vũ Đình Liệu (Tư Bình) ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy làm Bí Thư tỉnh ủy Cần Thơ cùng với lãnh đạo Quân khu ủy, Tư lệnh Quân khu trực tiếp lãnh đạo và tham gia Ban chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Cần Thơ.

Về tổ chức và lực lượng, Tỉnh ủy Cần Thơ chủ trương xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng các loại đáp ứng yêu cầu tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công, nhất là xây dựng lực lượng tại chỗ ở các vùng ven thị xã, thị trấn. Lực lượng chủ lực của Cần Thơ ngoài Tiểu đoàn Tây Đô, cuối năm 1967, Tỉnh ủy Cần Thơ thành lập thêm tiểu đoàn Tây Đô 2. Lực lượng biệt động Cần Thơ được bổ sung, huấn luyện nắm chắc tình hình địch trong nội thành. Hầu hết các quận, huyện và thị xã Vị Thanh đều thành lập cấp đại đội. Du kích tập trung ở các xã từ một tiểu đội đến trung đội, ở thời điểm tổng tiến công lên tới một đại đội. Bên cạnh đó, tham gia tiến công vào đầu não Vùng IV chiến thuật có sự hỗ trợ, tích cực của tiểu đoàn 303, 307, 309 (Khu 9) và lực lượng pháo binh quân khu 9.

Để chuẩn bị Tổng tiến công 0 giờ ngày 29-1 (30 Tết), ta cho quân vượt sông Cần Thơ, ém quân vào các căn cứ ven Lộ Vòng Cung chờ lệnh Tổng tiến công theo bốn hướng vào các mục tiêu, gồm: Sở chỉ huy quân đoàn IV (Vùng IV chiến thuật), Tiểu khu Phong Dinh, Sở chỉ huy lực lượng quân trấn Cần Thơ, Trung tâm chỉ huy địa phương quân Vùng IV, Đài phát thanh, Cư xá tình báo và cố vấn Mỹ, Tòa lãnh sự quán Mỹ, sân bay Lộ Tẻ (Không đoàn 73), sân bay Trà Nóc (Không đoàn 74), căn cứ hai trung đoàn thiết giáp, căn cứ liên đoàn biệt động quân số 42, 44, căn cứ các tiểu đoàn bảo an, biệt kích và thám báo.

Đúng 3 giờ sáng 30-1-1968 (đêm mùng 1, rạng sáng mùng 2 tết), ta đồng loạt nổ súng tiến công vào các mục tiêu đã định.

Từ hướng Nam, Đội biệt động TP Cần Thơ cùng với đại đội 20 (Tiểu đoàn Tây Đô) đánh tiêu diệt đơn vị cảnh sát dã chiến ở cầu đầu Sấu mở đường cho Tiểu đoàn Tây Đô đánh chiếm Lãnh sự quán và cơ quan tình báo Mỹ trên đường Hùng Vương. Hướng Tây Nam, Tiểu đoàn 307 của quân khu 9 đánh chiếm Đài phát thanh, khu vực hậu cần và Trung tâm nhập ngũ Vùng IV chiến thuật và bắt liên lạc với Tiểu đoàn Tây Đô. Ở hướng Bắc, Tiểu đoàn 303 dưới sự yểm trợ của trung đoàn 6 pháo binh quân khu 9 và đặc công đánh sân bay Lộ Tẻ, sân bay Trà Nóc, cô lập trung tâm chỉ huy của địch và khu quân sự Bình Thủy. Hướng Tây Bắc: các đơn vị vũ tranh thành phố được sự yểm trợ của trung đoàn 6 pháo binh, quân khu 9 tiến công sân bay Trà Nóc và các mục tiêu quân sự ở đây.

Ngày 1-2-1968, Tiểu đoàn 309 (do nhận lệnh chậm) từ huyện Phụng Hiệp cấp tốc hành quân lên Cần Thơ cùng các đơn vị bạn đánh vào khu vực cầu Tham Tướng, khu văn hóa (Đại học Cần Thơ), làm chủ địa bàn này. Sau đó vì địch phản kích mạnh, các tiểu đoàn lần lượt rút ra vùng ven Lộ Vòng Cung bám trụ và liên tục đánh địch phản kích.

Ngày 4-2-1968, ta đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 42 và 44 biệt động quân. Ngày 5-2, ta pháo kích sân bay Trà Nóc và sân bay Lộ Tẻ, phá hủy một số máy bay địch. Đêm 6-2, ta tập kích vào tiểu đoàn 2 (sư đoàn 21 ngụy) và một đại đội bảo an, diệt 60 tên. Ngày 7-2, Tiểu đoàn Tây Đô phố hợp du kích xã An Bình tiếp tục đánh sân bay Lộ Tẻ, phá hủy 45 máy bay các loại, tiêu diệt và làm bị thương 200 lính Mỹ ngụy và chư hầu.

Cùng với tiến công quân sự, lực lượng chính trị của quần chúng nổi dậy bao vây đồn bốt, phá ấp chiến lược và phục vụ chiến đấu (dẫn đường, tiếp tế lương thực, cứu chữa, nuôi giấu thương binh...). Hàng nghìn thanh niên ở các huyện phía sau được huy động bổ sung cho các đơn vị chủ lực của khu 9, tỉnh Cần Thơ nhằm bảo đảm cho chiến đấu được liên tục, lâu dài.

Từ ngày 15-2 đến 23-3-1968, các lực lực của ta phối hợp mở nhiều đợt phản công, nổi dậy tiêu hao sinh lực địch ở các chi khu Phong Điền (huyện Phong Điền), chi khu Cái Tắc (huyện Châu Thành A), các đồn bót của địch ở quận Ô Môn, huyện Châu Thành, Phụng Hiệp. Đặc biệt, hơn 10.000 dân ở thị xã Vị Thanh, Long Mỹ (tỉnh Cần Thơ nay là tỉnh Hậu Giang), huyện Gò Quao, Giồng Riềng (tỉnh Rạch Giá nay là tỉnh Kiên Giang) đấu tranh chống địch càn quét, bắn phá bằng xe tăng M113 bảo vệ bộ đội, cơ sỡ hậu cần của ta.

Kết thúc đợt cao điểm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tuy ta chưa làm chủ hoàn toàn TP Cần Thơ và thị xã Vị Thanh, nhưng quân, dân Cần Thơ đã tiêu diệt, loại khỏi vòng chiến 10.000 tên (trong đó có 1.500 lính Mỹ và chư hầu), phá hủy bắn rơi 150 máy bay các loại, phá hủy 50 xe quân sự và thiết giáp M113 và tám khẩu pháo, tiêu diệt 100 đồn bốt, giải phóng 10 xã với hơn 20.000 dân phá vỡ tuyến phòng ngự Lộ Vòng Cung, dồn địch và thế bị động.

Cuộc tiến công, phản kích đợt 2 (từ 5-5-1968 đến 16-6-1968) và đợt 3 ( từ 13-8 đến 30-9) Tiểu đoàn Tây Đô, Tiểu đoàn 307 phối hợp du kích, dân quân địa phương đánh chiếm các đồn bốt ở khắp các quận huyện của tỉnh Cần Thơ, đánh vào sân bay Lộ Tẻ, sân bay Trà Nóc… tiêu diệt nhiều sinh lực, khí tài quân sự của địch.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dây xuân Mậu Thân 1968, Lộ Vòng Cung (tuyến lửa vòng cung) trở thành địa danh huyền thoại của Cần Thơ và khu Tây Nam bộ và ĐBSCL. Do vị trí chiến lược bao quanh thành phố, địch chọn tuyến lộ này làm vành đai bảo vệ trung tâm thành phố, cơ quan đầu não Vùng IV chiến thuật. Ta cũng chọn tuyến lộ này để tập kết lực lượng tiến công. Vì thế cuộc chiến đấu nơi đây diễn ra vô cùng quy mô và ác liệt, tranh chấp giữa ta và địch từng tấc đất. Có thời điểm, địch dùng máy bay ném bom B52, xe tăng, pháo binh… liên tục càn quét các cơ sở, căn cứ của ta trên tuyến Lộ Vòng Cung nhưng quân, dân ta vẫn kiên cường bám trụ, không ngại hy sinh, đánh địch kéo dài đến cuối tháng 5-1968 cuộc chiến ở tuyến lửa Vòng Cung mới tạm lắng xuống.

Trong ba đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quân dân Cần Thơ loại khỏi vòng chiến đầu hơn 25.000 tên địch, diệt gọn một tiểu đoàn, chín trung đội, ba đoàn bình định, một trung đội phòng vệ dân sự, tiêu hao 12 tiểu đoàn. Tiêu diệt thêm 56 đồn, giải phóng thêm bốn xã với hơn 10.000 dân, phá hủy 288 máy bay, thu hơn 600 súng…

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân các đô thị vùng Tây Nam Bộ, đặc biệt của quân dân Cần Thơ đã góp phần cùng với quân, dân miền nam tạo ra bước ngoặc quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; làm phá sản hoàn toàn chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, góp phần tạo tiền đề buộc Mỹ rút quân về nước, chuẩn bị cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước…

Lực lượng vũ trang tỉnh Cần Thơ nhận cờ quyết thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. (Ảnh tư liệu)

Hồi ức một chiến sĩ biệt động Sài Gòn về trận chiến 50 năm trước

Đồng chí Phan Văn Hôn (Bảy Hôn), nguyên chiến sĩ đội 5 - Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Tháng 6-1967, tôi được rút về làm chiến sĩ đội 5 Biệt động Sài Gòn. Tháng 11, chúng tôi đóng quân ở An Tịnh, Trảng Bàng để chuẩn bị cho những trận đánh lớn sắp tới. Ở đây, tôi và các đồng đội được học chính trị để hiểu hơn về truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam, học về tinh thần bất khuất, bảo vệ khí tiết của những tấm gương anh hùng đi trước.

Thời điểm đó, tôi đã có người yêu, đã hứa hẹn hai năm nữa sẽ làm đám cưới. Đồng chí chỉ huy Tư Tăng (Nguyễn Văn Tăng) biết chuyện, khuyên tôi ở lại. Nhưng tôi cương quyết nói với đồng chí chỉ huy, hạnh phúc của tôi nằm trong hạnh phúc của dân tộc; nhân dân hạnh phúc tôi mới có hạnh phúc. Chiến thắng trở về, trong ngày vui của tôi phải có đồng đội tham dự.

Ngày 29 Tết, chúng tôi bắt đầu di chuyển về Sài Gòn. Đội tôi có 17 đồng chí, trong đó có 15 đồng chí trực tiếp chiến đấu. Đúng 4 giờ chiều, chúng tôi có mặt tại căn nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), chủ căn nhà là ông Trần Văn Lai. Đây là căn nhà chứa vũ khí cho Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Vào lúc 4 giờ 30 phút, đồng chí Tư Tăng đến kiểm tra và yêu cầu toàn đội lau chùi vũ khí chuẩn bị chiến đấu, nhưng chưa cho biết mục tiêu chiến đấu là nơi nào. Sau khi đồng chí Năm Lai bật nắp hầm bí mật, chúng tôi ai nấy đều bất ngờ, vì ngay trong lòng thành phố lại có một kho vũ khí lớn như thế.

Chúng tôi lần lượt lau chùi vũ khí cho tới 9 giờ, đồng chí Tư Tăng đến lần thứ ba, kiểm tra mọi thứ rồi trải tấm địa bàn ra và cho biết, Đội sẽ đánh thẳng vào Dinh Độc lập. Nghe đồng chí Tư Tăng phổ biến như thế, toàn Đội vô cùng sung sướng, tự hào. Đây là mục tiêu rất quan trọng và là cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn.

Đúng 0 giờ ngày mồng một Tết, chúng tôi bắt đầu di chuyển đến mục tiêu. Đồng chí chỉ huy căn dặn, nếu trên đường đi mà địch nghi và nổ súng thì chúng ta cứ nổ súng tiếp tục tiến công. Lực lượng chọn phương án đánh vào cửa sau Dinh Độc lập, vì cửa trước địch bảo vệ rất nghiêm ngặt, trong khi cửa sau phía đường Nguyễn Du ít được chú ý và ta đã bí mật tiếp cận rồi bất ngờ tiến công. Trong 15 phút, quân ta tiến công và làm chủ trận địa. Trong 30 phút chiến đấu tiếp theo, ta làm chủ trận địa, lúc bấy giờ Đội 5 kiểm tra lại quân số và biết có bảy đồng chí đã hy sinh.

Đội còn lại tám đồng chí, trong đó có tôi và đồng chí Vũ Minh Nghĩa bị thương, nhưng chúng tôi vẫn chắc tay súng chiến đấu. Đến ngày hôm sau, thêm một đồng chí hy sinh. Khi đội còn bảy đồng chí, chúng tôi vẫn tiếp tục đánh địch đến viên đạn cuối cùng.

Hôm nay, ôn lại chặng đường lịch sử 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968, tôi rất tự hào vì đã được tham gia trận chiến đấu quan trọng đó. Giờ đây, tôi vẫn nhớ như in lời đồng chí Tư Tăng đã nói khi chúng tôi chuẩn bị tiến đánh Dinh Độc lập: Đảng ta nuôi quân ngàn ngày, dùng một giờ và thời khắc Xuân Mậu Thân là giây phút thiêng liêng của dân tộc. Đảng cần ta Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

VÕ MẠNH HẢO (Ghi theo lời kể của đồng chí PHAN VĂN HÔN (Bảy Hôn), nguyên chiến sĩ đội 5 - Biệt động Sài Gòn - Gia Định)

THANH TÂM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/35644502-can-tho-trong-diem-1-cua-khu-tay-nam-bo-trong-cuoc-tong-tien-cong-va-noi-day-xuan-mau-than-1968.html