Cần Thơ: Tìm giải pháp thúc đẩy kết nối cung - cầu công nghệ

Nhằm kết nối cung cầu công nghệ giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, vừa qua Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ đã tổ chức buổi Tọa đàm 'Giải pháp thúc đẩy kết nối cung cầu công nghệ'.

Trường đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ ký kết hợp tác với Trung tâm Anh ngữ đào tạo trực tuyến Engo.

Trường đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ ký kết hợp tác với Trung tâm Anh ngữ đào tạo trực tuyến Engo.

Tại Tọa đàm các diễn giả đã bàn nhiều đến các vấn đề như: Thực trạng chuyển giao công nghệ tại Việt Nam; Tiềm năng và thách thức thị trường khoa học công nghệ; Động lực và giải pháp thúc đẩy kết nối cung cầu công nghệ…

TS. Đỗ Hoài Nam - nguyên Vụ trưởng Vụ Đánh giá -Thẩm định và Giám định Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: “Từ năm 2007 đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức được 4 kỳ Techmart quy mô quốc gia và quốc tế, 20 Techmart và TechDemo quy mô vùng và chuyên ngành huy động được 5.908 đơn vị tham gia với 6.437 gian hàng, giới thiệu và chào bán 24.802 công nghệ và thiết bị. Qua Techmart, TechDemo các đơn vị tham gia đã ký được 6.768 biên bản ghi nhớ và hợp đồng mua bán công nghệ với tổng giá trị giao dịch 8.306 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thị trường công nghệ nước ta chủ yếu vẫn là tìm kiếm mua bán máy móc thiết bị, chưa có nhiều giao dịch có hàm lượng cao công nghệ cao như mua bán công nghệ, bản quyền sáng chế… Dù hiện nay, ngay trong các kỳ Techmart có rất nhiều nhu cầu về chuyển giao công nghệ thiết bị nhưng đa số chỉ dừng ở mức tìm hiểu và khảo sát thông tin. Bên cạnh đó, các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ nội sinh thường được các đơn vị đặt lên bàn cân, so sánh với những đơn vị cung cấp ở nước ngoài. Nếu như không có những thông tin cụ thể, ưu điểm vượt trội, tư vấn thiệt hơn, sản phẩm trong nước sẽ khó có cơ hội cạnh tranh dù chất lượng đảm bảo, giá thành rẻ hoặc tương đương và điều kiện bảo hành, bảo trì tốt hơn hẳn thiết bị ngoại nhập”.

Các diễn giả cũng cho rằng thị trường khoa học công nghệ ở Việt Nam rất nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức. Theo ThS. Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Starup & Innovation Hub (SIHUB) cho rằng, nhu cầu thị trường công nghệ rất lớn như công nghệ ứng dụng phục vụ cho hệ thống ngân hàng, hàng không, mua sắm tiêu dùng, đào tạo… Nhưng có nhiều thách thức là kinh doanh sáng tạo, năng lực sản xuất hàng hóa sáng tạo, kỹ năng mua bán, giao dịch, chiến lược khoa học công nghệ các cấp, mối quan hệ tay 3 Nhà nước - Doanh nghiệp - Nghiên cứu.

Tại buổi Tọa đàm, nhiều đơn vị đã ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ, trong đó, trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ đã ký hợp tác với Trung tâm Anh ngữ đào tạo trực tuyến Engo (Thành phố Hồ Chí Minh). Ông Đoàn Hữu Đức - Giám đốc điều hành và sáng lập Engo tại Việt Nam chia sẻ: “Hiện nay, các chương trình đào tạo tiếng Anh trực tuyến tại thành phố Cần Thơ cũng như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long còn bỏ ngỏ nên Engo muốn hợp tác với trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ để triển khai chương trình học tiếng Anh trực tuyến cho sinh viên. Engo có thể giúp người học trên ứng dụng máy tính, điện thoại, mọi lúc, mọi nơi. Học đủ cấp độ từ A1-C1, IELTS, TOEIC, tiếng Anh kinh doanh… Đây là chương trình học tiếng Anh hàng đầu thế giới từ Anh quốc ra đời từ năm 2002, từ nền tảng Really Enghlish Anh Quốc, tận dụng thế mạnh của công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo nên chương trình tiếng Anh trực tuyến Engo. Ứng dụng công nghệ AI vào thực hành phát âm chuẩn; cải thiện đọc, nghe, nói, ngữ pháp qua các chủ đề tinh lọc, bài tập đa dạng, cuối mỗi bài học đều phần kiểm tra, cuối mỗi khóa học có bài kiểm tra theo chuẩn TOIEC. Chương trình đã triển khai thành công tại hơn 22 quốc gia trên thế giới. Mong muốn của Engo là đem công nghệ tiên tiến học trực tuyến để giúp sinh viên học tiếng Anh tiện lợi và tốt hơn”.

Huỳnh Biển

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/can-tho-tim-giai-phap-thuc-day-ket-noi-cung-cau-cong-nghe-292812.html