Cần Thơ sẽ triển khai kỹ thuật ghép thận

Bệnh viện (BV) Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Đa khoa TP Cần Thơ và Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long đã trình Bộ Y tế phê duyệt Đề án triển khai kỹ thuật ghép thận. Đây là tin vui cho những người mắc bệnh thận giai đoạn cuối ở các tỉnh miền Tây. Việc các BV của thành phố triển khai kỹ thuật cao này sẽ củng cố thêm vai trò trung tâm y tế vùng ĐBSCL của Cần Thơ trong quá trình hội nhập.

Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối phải lọc máu định kỳ 3 lần/tuần, gắn liền cuộc sống với BV. Trong ảnh: Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân suy thận lọc máu tại BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long.

Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối phải lọc máu định kỳ 3 lần/tuần, gắn liền cuộc sống với BV. Trong ảnh: Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân suy thận lọc máu tại BV Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long.

Sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết

Theo số liệu thống kê của Hội Thận học thế giới, ước tính khoảng 500 triệu người trên thế giới mắc các bệnh lý thận mạn tính. Việt Nam có khoảng 5 triệu người suy thận, riêng bệnh giai đoạn cuối cần lọc máu khoảng 800.000 người, chiếm 0,1% dân số. Ở ÐBSCL, số người suy thận mạn giai đoạn cuối phải can thiệp lọc máu ngoài thận hoặc thẩm phân phúc mạc có hơn 5.000 người.

Tại Hội thảo “Ghép thận - triển vọng và tương lai cho người suy thận” do BV Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long tổ chức vào cuối năm 2019, Phó Giáo sư - Tiến sĩ - bác sĩ Thái Minh Sâm, Trưởng Khoa Ngoại tiết niệu BV Chợ Rẫy, chia sẻ: Suy thận là căn bệnh có xu hướng ngày càng tăng và trẻ hóa, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của bệnh nhân, gia đình, tạo gánh nặng cho xã hội. Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân được chỉ định điều trị thay thế thận bằng các phương pháp lọc thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc và ghép thận. Bệnh nhân chạy thận nhân tạo sử dụng máy lọc để làm việc thay thế thận 3 lần/tuần, cuộc sống gắn liền với BV. Ngoài tốn kém về tài chính, người bệnh chịu đựng nhiều đau đớn, mệt mỏi, đối diện với nguy cơ tử vong cao. Trên 50% người bệnh chạy thận tử vong dưới 5 năm lọc máu và số người sống từ 10 năm trở lên chỉ chiếm khoảng 15 - 20% tổng số người chạy thận.

Theo các bác sĩ, phương pháp thẩm phân phúc mạc có ưu điểm là bệnh nhân có thể tự thay dịch lọc tại nhà, với điều kiện nguồn nước sinh hoạt và phòng ốc hợp vệ sinh để tránh nguy cơ nhiễm trùng. Phương pháp ghép thận là phẫu thuật lấy một quả thận còn tốt từ người cho để ghép vào cơ thể người nhận. Ðây là cách tốt nhất giúp bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối có cuộc sống tương đối bình thường. Người cho thận có thể sống bình thường, lâu dài với một quả thận, không có bất cứ hạn chế nào, kể cả hoạt động thể lực.

Hiện nay, người dân miền Tây muốn ghép thận phải đến BV Chợ Rẫy, BV 115, BV Ða khoa Trung ương Huế, BV 103 ở Hà Nội hoặc ra nước ngoài phẫu thuật. Còn tới đây, người mắc bệnh thận có nhu cầu ghép thận điều trị không cần phải đi xa. BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ, Ða khoa TP Cần Thơ và Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long đã sẵn sàng mọi điều kiện để triển khai kỹ thuật ghép thận.

Đáp ứng nhu cầu điều trị

Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Nghiêm, Phó Giám đốc BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết: Hiện tại, lượng bệnh nhân suy thận mạn được lọc máu tại BV trung bình 2.100 lượt lọc/tháng. BV đang quản lý điều trị khoảng 150 bệnh nhân suy thận mạn. Tính chung cả khu vực ÐBSCL, người bệnh thận có nhu cầu điều trị, ghép thận rất lớn. Ngoài nguồn thận người cho tự hiến thì số bệnh nhân chấn thương sọ não nặng hoặc các bệnh tai nạn khác nặng quá khả năng cứu chữa trung bình khoảng 120 ca/năm, nên nguồn thận cho từ bệnh nhân chết não là rất lớn. Do đó, nhu cầu của người bệnh cần ghép thận và nguồn thận cho/nhận là khả thi và cần thiết để triển khai kỹ thuật ghép thận tại BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ - bác sĩ Thái Minh Sâm (bìa phải) cùng các chuyên gia của BV Chợ Rẫy đến khảo sát điều kiện triển khai ghép thận tại BV Đa khoa TP Cần Thơ vào cuối năm 2019.

Theo bác sĩ CKII Nguyễn Minh Nghiêm, BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ là BV hạng I trực thuộc Bộ Y tế, có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân khu vực ÐBSCL. Thời gian qua, BV không ngừng triển khai các kỹ thuật cao, chuyên khoa sâu, đặc biệt phát triển kỹ thuật vi phẫu mạch máu rất mạnh. Hiện tại, BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ có 5 khoa với đội ngũ phẫu thuật viên thực hiện khâu nối mạch máu vi phẫu rất tốt. Ðặc biệt, các bác sĩ chuyên khoa ngoại tiết niệu đều có trình độ sau đại học và nhiều năm kinh nghiệm về phẫu thuật, thuận lợi để triển khai kỹ thuật ghép thận. BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ cũng đã xây dựng và trang bị hệ thống phòng mổ đảm bảo cho yêu cầu ghép tạng. Dẫu vậy, để triển khai đồng bộ tất cả các khâu cho kỹ thuật ghép thận, BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ đã cử các ê-kíp đi học kỹ thuật ghép thận tại BV Chợ Rẫy.

Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Nghiêm cho biết, giai đoạn 2020 - 2025, BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ đặt mục tiêu phấn đấu đủ điều kiện xin nâng hạng lên BV hạng Ðặc biệt. Ban Giám đốc BV Ða khoa Trung ương Cần Thơ đặt tiêu chí triển khai kỹ thuật ghép tạng mà trước hết là ghép thận. Tập thể cán bộ y tế BV quyết tâm thực hiện mục tiêu này với mong muốn đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh như được mổ sớm không phải chờ lâu do tình trạng quá tải ở các BV tuyến trên.

BV Ða khoa TP Cần Thơ cũng đang chờ được phê duyệt Ðề án triển khai kỹ thuật ghép thận, với sự phối hợp, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật mà đầu mối cũng từ BV Chợ Rẫy. Bác sĩ CKII Huỳnh Minh Phú, Phó Giám đốc BV Ða khoa TP Cần Thơ, cho biết: Triển khai ghép tạng là một trong những mục tiêu phát triển của BV, xứng tầm với vai trò cánh chim đầu đàn ngành Y tế thành phố, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cần thiết cho người dân thành phố và các tỉnh trong vùng. Người bệnh lọc thận định kỳ đa phần nghèo khó do tốn kém chi phí điều trị trong thời gian dài. Do vậy, Ban Giám đốc BV Ða khoa TP Cần Thơ sẽ kêu gọi sự hỗ trợ của các mạnh thường quân để giúp đỡ một phần chi phí cho những người bệnh nghèo có nhu cầu ghép thận; khuyến khích các y bác sĩ phát triển chuyên môn, nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc người bệnh.

Có thể thấy, trong 3 đơn vị sắp triển khai phẫu thuật ghép thận thì BV Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long là đơn vị ngoài công lập duy nhất. Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Mai Lan, Trưởng Khoa Thận niệu BV Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long, cho biết: BV Ða khoa Hoàn Mỹ Cửu Long đã sẵn sàng các quy trình thủ tục để phẫu thuật những ca ghép thận đầu tiên. Theo đó, 3 cặp cho - nhận thận ở Cà Mau, Sóc Trăng và Cần Thơ đăng ký phẫu thuật ghép thận đã hoàn thành các xét nghiệm về tính tương thích. Những ca ghép đầu tiên sẽ có sự hỗ trợ một phần chi phí từ nguồn vận động.

Theo các bác sĩ, trong phẫu thuật ghép thận thì việc theo dõi sức khỏe bệnh nhân sau ghép là giai đoạn vô cùng quan trọng. Bệnh nhân phải định kỳ tái khám, uống thuốc chống thải ghép và ức chế miễn dịch suốt đời. Người ghép thận có nguy cơ nhiễm trùng cơ hội cao, phải thường xuyên nhập viện điều trị. Vì thế, người dân miền Tây ghép thận ở tuyến trên, sau ghép phải tái khám, đi lại vất vả và tốn kém nhiều chi phí. Do đó, khi các bệnh viện tại Cần Thơ triển khai ghép thận sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh trong vùng. Các BV ghép thận ở thành phố Hồ Chí Minh cũng mong muốn các BV ở Cần Thơ sớm triển khai ghép thận để trong những trường hợp cần thiết có thể chuyển bệnh nhân sau ghép thận ở các BV tại thành phố Hồ Chí Minh về Cần Thơ theo dõi sức khỏe.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/can-tho-se-trien-khai-ky-thuat-ghep-than-a122735.html