Cần Thơ: Phấn đấu chỉ số PCI vào top đầu cả nước trong năm 2022

Để đạt được mục tiêu, theo ông Phạm Văn Hiểu Chủ tịch HĐND thành phố cần đề ra nhiều giải pháp trước mắt lẫn căn cơ, đặc biệt là đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; chú trọng xây dựng tư duy đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp ở các cấp chính quyền.

Chiều ngày 17/8, UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 và đề xuất giải pháp cải thiện PCI năm 2022 của TP Cần Thơ”.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Cần Thơ thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành “Tốt”

Ông Trần Việt Trường Chủ tịch UBND TP cho biết: Năm 2021, chỉ số PCI TP đạt 68,06 điểm (tăng 1,73 điểm), giữ nguyên hạng và xếp hạng 12/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; đứng thứ 2 trong vùng ĐBSCL (sau tỉnh Đồng Tháp) và xếp trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành “Tốt” của cả nước.

Tuy nhiên, PCI 2021 của TP Cần Thơ đứng thứ 12 - vị trí thấp nhất trong nhóm tốt - chưa tương xứng với vị trí là địa phương trung tâm của vùng ĐBSCL về dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục… do vậy cần cải thiện điểm số của các chỉ số thành phần có điểm giảm trong năm 2021 như: Gia nhập thị trường; tính minh bạch; chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; đào tạo lao động; đồng thời, không ngừng duy trì, giữ ổn định điểm số của các chỉ số thành phần có điểm số tăng trong thời gian qua, phấn đấu đưa Cần Thơ vào top 10 cả nước trong năm 2022 về Chỉ số PCI.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ phân tích, các điểm mạnh của TP Cần Thơ thể hiện ở là tính năng động và tiên phong của lãnh đạo trong chỉ đạo, điều hành kinh tế, được doanh nghiệp đánh giá rất cao; đặc biệt là tính năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh, tính linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và thái độ của chính quyền đối với khu vực tư nhân.

Bên cạnh những điểm sáng tích cực, Giám đốc VCCI Cần Thơ cũng nêu một số điểm cần cải thiện của PCI TP Cần Thơ. Đó là chi phí về thời gian khi thực hiện thủ tục hành chính, đây là chỉ số được doanh nghiệp không đánh giá cao thời gian qua. Bên cạnh đó cần cải thiện về chi phí gia nhập thị trường; tính minh bạch trong tiếp cận thông tin…

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại hội thảo.

Trong khi đó, theo ông Trương Hồng Dự - Phó Giám đốc Sở Nội vụ - để cải thiện chỉ số tính minh bạch trong đánh giá chỉ số PCI của TP, cần tập trung vào mốt số vấn đề như: Cập nhật các văn bản liên quan đến quy hoạch, tài liệu pháp lý cho công dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử TP và trên trang thông tin điện tử của các cơ quan, địa phương đầy đủ, kịp thời, nội dung phong phú, hấp dẫn. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, công khai, minh bạch thông tin, phát huy hiệu quả của chính quyền điện tử, triển khai các thủ tục liên quan đến thuế, nhất là kê khai và nộp thuế điện tử; đồng thời, tạo điều kiện cho việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp và doanh nghiệp có cơ hội tham gia vào quá trình ban hành chính sách, phản biện, giám sát thực hiện chính sách đầy đủ.

Xây dựng tư duy đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Phạm Văn Hiểu Chủ tịch HĐND TP đề nghị, trước mắt TP cần rà soát chỉ số thành phần bị giảm điểm, có thứ hạng thấp (như chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; gia nhập thị trường; tính minh bạch; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý; tiếp cận đất đai; chi phí không chính thức…) để có giải pháp và tiêu chí cụ thể để phấn đấu; giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chính trong việc thực hiện các chỉ số thành phần, thứ hạng thấp hoặc giảm điểm…

Ông Phạm Văn Hiểu - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP - phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Về giải pháp căn cơ, ông Phạm Văn Hiểu cho rằng cần hoàn thiện các chính sách trên từng lĩnh vực thuộc thẩm quyền của TP, nhất là lĩnh vực liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư; cụ thể hóa và ban hành Bộ tiêu chí về chỉ số năng lực cạnh tranh cho TP, cho các sở ngành, quận, huyện. Nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ công chức, đặc biệt là người đứng đầu các cấp (kể cả cấp phòng) trong tham mưu, giải quyết công việc, thực hiện mệnh lệnh cấp trên giao. “Người đứng đầu các cấp phải năng động, tiên phong trong thực hiện vài trò, trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Chúng ta phải xây dựng tư duy đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp ở các cấp chính quyền”, ông Hiểu nhấn mạnh.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch quyết định, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch kế hoạch sử đất, các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, các lĩnh vực và dự án thu hút đầu tư; đổi mới và nâng cao chất lượng đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp, kịp thời giải quyết ngay các vướng mắc, hạn chế của từng cấp chính quyền, từng lĩnh vực.

Hà Vy

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/can-tho-phan-dau-chi-so-pci-vao-top-dau-ca-nuoc-trong-nam-2022-173996.html