Cần Thơ: Nỗ lực vì sự an toàn bến khách ngang sông

Ngày 28/6, Ban An toàn giao thông Thành phố Cần Thơ phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông bến khách ngang sông.

Lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm kết hợp với tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân

Lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm kết hợp với tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân

Đến nay, phần lớn các phương tiện tại các bến khách ngang sông trên địa bàn thành phố đã được trang bị các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, có đủ đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện tại các bến khách trên sông được cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Tuy nhiên, giao thông trên tuyến đường thủy luôn tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn bất ngờ, đặc biệt là vào mùa mưa bão gây nguy hiểm cho phương tiện tham gia giao thông.

Ông Tống Hoàng Kha, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, việc phát triển kinh tế vận tải đường thủy là điều tất yếu. Hiện Cần Thơ có hơn 780 bến thủy, 10 cảng thủy nội địa và 91 bến khách ngang sông với tổng số phương tiện đăng ký hơn 9.400 phương tiện. Vì vậy, việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động vận tải hành khách bằng phương tiện thủy, đảm bảo trật tự An toàn giao thông đường thủy nội địa là vô cùng cần thiết.

Tại Hội nghị, các cấp ngành chức năng đã triển khai một số nội dung liên quan đến hoạt động bến khách ngang sông. Cụ thể, Luật Giao thông đường thủy nội địa 2014; Thông tư 50/2014/TT-BGTVT ngày 17/10/2014 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa; Thông tư số 80/2014/TT-BGTVT ngày 30/12/2014 của Giao thông Vận tải quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên đường thủy nội địa; Thông tư số 56/2014/TT-BGTVT quy định thi, kiểm tra, cấp, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn.

Bên cạnh triển khai quy định của pháp luật, Hội nghị còn cung cấp, đề cập những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 132/2915/NĐ-CP. Đồng thời, nêu lên một số hành vi vi phạm hành chính thường gặp như: Không mang theo giấy chứng nhận đăng ký phương tiện; không tuân thủ nghiêm quy định về trang bị áo phao, dụng cụ nổi trên phương tiện khi tham gia giao thông thủy…

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo trật tự Giao thông Vận tải, kéo giảm tai nạn trên cả ba tiêu chí, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã ban hành Chỉ thị 08/CT-UBND ngày 27/6/2019 về tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự Giao thông Vận tải năm 2019 trên địa bàn Thành phố Cần Thơ.

Theo đó, chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến với các tầng lớp nhân dân quy định pháp luật về đảm bảo trật tự An toàn giao thông để người điều khiển, đơn vị vận tải và nhân dân tự giác chấp hành. Ban An toàn giao thông Thành phố cùng Sở Giao thông Vận tải đóng vai trò “đầu tàu” trong việc tham mưu, triển khai các đề án, chương trình nhằm đảm bảo trật tự An toàn giao thông. Song song đó, kịp thời xác định các “điểm đen” về tai nạn để chủ động khắc phục, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản người dân.

Nói về hoạt động bến khách ngang sông, ông Mai Minh Ngoan, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông Thành phố Cần Thơ cho rằng, giao thông đường thủy góp phần tạo động lực lớn phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự chuyển biến tích cực cho người dân. Tuy nhiên, tai nạn giao thông được xem là “vấn nạn”, ám ảnh lớn đối với người dân và là thách thức lớn đối với các cấp ngành chức năng. Tình hình phương tiện vận chuyển xuống cấp, chở quá số người quy định vẫn còn xảy ra. Bên cạnh đó, ý thức của người dân không tuân thủ quy định khi tham gia giao thông vận còn hạn chế.

Cũng theo Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố, để đảm bảo trật tự An toàn giao thông đường thủy có hiệu quả, thời gian tới, cần thay đổi mạnh mẽ về hình thức và nội dung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm. Thấu đáo đến từng địa bàn, từng đối tượng cụ thể. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Đồng thời, tiếp tục duy trì và phát huy các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”, “Đoạn tuyến sông an toàn”…

Bên cạnh đó, chủ bến, chủ phương tiện cần tuyệt đối chấp hành, thực hiện nghiêm túc các quy định liên quan. “Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt các cấp ngành chức năng, hơn hết, bản thân mỗi người dân cần tăng cường nhận thức để tự bảo vệ tính mạng và tài sản chính mình”, ông Ngoan nhấn mạnh.

Dịp này, ông Ngoan đã công bố Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành Đường thủy nội địa năm 2019.

Nguyễn Cuộc

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nhip-song-hom-nay/can-tho-no-luc-vi-su-an-toan-ben-khach-ngang-song-459183.html