Cần Thơ mời gọi đầu tư vận tải hành khách công cộng

Theo kế hoạch phát triển xe buýt của TP Cần Thơ giai đoạn 2019-2021, thành phố sẽ mời gọi nhà đầu tư tham gia khai thác 5 tuyến xe buýt không trợ giá và 3 bãi đỗ xe buýt kết hợp điểm đầu - cuối xe buýt. Từ đó, từng bước kết nối giao thông các quận, huyện thành phố và các tỉnh lân cận; kết nối các khu vực trung tâm đô thị, khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông.

TP Cần Thơ đang kêu gọi đầu tư khai thác các tuyến và bến bãi xe buýt, phát triển vận tải hành khách công cộng.

Kết nối giao thông

UBND TP Cần Thơ vừa phê duyệt Kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2021 (Quyết định 2439/QĐ-UBND ngày 11-10-2019). Kế hoạch này nhằm mở mới và duy trì luồng tuyến xe buýt hợp lý, bảo đảm thuận lợi cho việc đi lại của người dân theo hướng phát triển tuyến xe buýt từng bước kết nối trung tâm 9 quận, huyện thành phố và các tỉnh lân cận. Đồng thời, kết nối Sân bay quốc tế Cần Thơ với bến xe khách trung tâm và các điểm du lịch; kết nối các trường học, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn trong khu vực trung tâm; kết nối các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố để khuyến khích người dân đi xe buýt, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông khi đô thị ngày càng phát triển.

Thành phố xác định từng bước nâng cao chất lượng phương tiện xe buýt theo hướng hiện đại và tiện nghi, bảo đảm đầu tư phương tiện phù hợp với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông và nhu cầu đi lại của người dân; cải thiện kết cấu hạ tầng phục vụ VTHKCC bằng xe buýt, bao gồm đầu tư mới và nâng cấp cải tạo một số bến xe buýt, điểm đầu, cuối, trung chuyển xe buýt và hệ thống điểm dừng, nhà chờ. Qua đó, góp phần tăng cường tỷ lệ đảm nhận của VTHKCC bằng xe buýt tại TP Cần Thơ đến năm 2020 đạt từ 5-10%.

Về kế hoạch phát triển mạng lưới tuyến xe buýt trong giai đoạn 2019-2021, thành phố mời gọi nhà đầu tư tham gia khai thác 5 tuyến xe buýt không trợ giá. Đó là tuyến quốc lộ 1A (phường Ba Láng) - quốc lộ 1 (cũ) - 30 Tháng 4 - Đại lộ Hòa Bình - Nguyễn Trãi – Cách Mạng Tháng Tám – Lê Hồng Phong – Ô Môn – đường tỉnh 922 – Cờ Đỏ và ngược lại (chiều dài 54,9km, 27 xe buýt, tần suất hoạt động 15 phút/chuyến). Tuyến Ngã Ba Lộ Tẻ (Thốt Nốt) – quốc lộ 91 – đường tỉnh 921 - Cờ Đỏ – đường tỉnh 919 – Vĩnh Thạnh – quốc lộ 80 – Thốt Nốt - Ngã Ba Lộ Tẻ (chiều dài 62,5km, 31 xe buýt, tần suất hoạt động 15 phút/chuyến). Tuyến Ô Môn – quốc lộ 91 – Ngã Ba Lộ Tẻ – Kinh B (quốc lộ 80) và ngược lại (chiều dài 58,4,5 km, 29 xe buýt, tần suất hoạt động 15 phút/chuyến). Tuyến Sân bay – Nguyễn Duy Tân – Cách Mạng Tháng Tám – Trần Phú – Lê Lợi – Khách sạn Công Đoàn - Cầu Ninh Kiều – Nguyễn Trãi – Ngô Gia Tự – Hai Bà Trưng – Nguyễn An Ninh – Lý Tự Trọng – Trần Hưng Đạo – 3 Tháng 2 – Nguyễn Văn Linh – đường tỉnh 923 – Phong Điền – Cầu Trà Niền (mới) – Nguyễn Văn Cừ nối dài – Võ Văn Kiệt – Sân bay (chiều dài 53,1km, 31 xe buýt, tần suất hoạt động 15 phút/chuyến). Tuyến Sân bay – Võ Văn Kiệt – Nguyễn Văn Cừ – Nguyễn Văn Linh – Bến xe 91B – Cầu Hưng Lợi – Bến xe Trung tâm - Cái Cui và ngược lại (chiều dài 21,6km, 20 xe buýt, tần suất hoạt động 15 phút/chuyến).

TP Cần Thơ mời gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện đầu tư xây dựng 3 bãi đỗ xe buýt kết hợp điểm đầu- cuối xe buýt; gồm bãi đỗ Ba Láng (quận Cái Răng), bãi đỗ Kinh B (huyện Vĩnh Thạnh) và bãi đỗ Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ tại trước lối vào cảng hàng không (quận Bình Thủy) theo Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư xây dựng bãi đỗ xe buýt kết hợp điểm đầu- cuối xe buýt UBND thành phố phê duyệt. Quy mô khoảng 5.000m2 cho mỗi bãi đỗ. Trong đó, đất xây dựng công trình, đất cây xanh, đất giao thông và sân bãi khoảng 2.500m2; đất xây dựng cây xăng khoảng 1.500m2; đất thương mại dịch vụ khác (siêu thị, dịch vụ ăn uống...) khoảng 1.000m2. Ngoài ra, đối với điểm dừng, nhà chờ hiện đại ứng với 5 tuyến xe buýt sẽ được đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách thành phố và giao Sở Giao thông Vận tải thực hiện xã hội hóa bằng khai thác quảng cáo tại các nhà chờ để có kinh phí duy tu sữa chữa trong quá trình khai thác.

Triển khai mời gọi đầu tư

Theo kế hoạch đã được phê duyệt, trong quý IV-2019, sẽ thành lập Trung tâm Quản lý và Điều hành VTHKCC TP Cần Thơ, trực thuộc Sở Giao thông vận tải. Trung tâm có chức năng thực hiện công tác quản lý, điều hành và giám sát VTHKCC trên địa bàn TP Cần Thơ (trên cơ sở tách chức năng quản lý, giám sát và điều hành với chức năng kinh doanh dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt từ Ban Quản lý và Điều hành VTHKCC, trực thuộc Sở Giao thông vận tải). Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên.

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ cho biết, việc triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2021, Sở đang trình UBND thành phố thống nhất Bộ tiêu chí mời gọi đầu tư khai thác 5 tuyến xe buýt không trợ giá để Sở triển khai mời gọi các nhà đầu tư tham gia, công bố rộng rãi. Ngoài ra, Sở xây dựng Bộ Định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá cho hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ, đây là công cụ để kiểm soát chặt chẽ hoạt động xe buýt, đồng thời phục vụ phát triển xe buýt trợ giá sau này; Sở đang xin bố trí kinh phí thuê tư vấn xây dựng bộ định mức (thời gian hoàn thành trong quý IV-2019).

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ Lê Tiến Dũng cho biết: Thành phố phát triển xe buýt theo hướng hiện đại để kết nối giao thông vùng, kết nối các trung tâm thương mại, dịch vụ, các cơ sở giáo dục, đào tạo, y tế và một số cơ sở khác… Giai đoạn đầu, tập trung phát triển xe buýt ở một số quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn và Thốt Nốt; nằm trên hành lang quốc lộ 91. Đến năm 2020, sau khi tuyến đường Nguyễn Văn Cừ (nối Phong Điền và trung tâm thành phố) và đường tỉnh 922 mới hoàn thành thành đưa vào khai thác, sẽ phát triển các tuyến xe buýt ở các huyện Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh… để kết nối đồng bộ giao thông công cộng.

Theo Kế hoạch phát triển xe buýt trên địa bàn thành phố, có một số cơ chế ưu đãi nhà đầu tư tham gia khai thác xe buýt tại Cần Thơ. Đó là, được miễn giảm tiền thuê đất: nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi theo Quyết định số 55/2012/QĐ-TTg của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 62/2009/QĐ-TTg về việc miễn tiền thuê đất để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe của doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng. Khai thác các nguồn thu từ kinh doanh dịch vụ: nhà đầu tư được quyền khai thác quảng cáo trên thân xe ứng với số phương tiện xe buýt của nhà đầu tư khai thác trên các tuyến; khai thác các bãi đỗ xe buýt kết hợp điểm đầu- cuối xe buýt và các dịch vụ khác do nhà đầu tư xây dựng theo quy định.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/can-tho-moi-goi-dau-tu-van-tai-hanh-khach-cong-cong-a114525.html