Cần Thơ kiến nghị Bộ GTVT đẩy nhanh nhiều 'đại dự án' trên địa bàn

Để phát huy vai trò là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, Cần Thơ kiến nghị Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đưa vào khai thác các dự án qua thành phố trong giai đoạn 2021-2025…

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dự kiến khởi công năm 2022. Ảnh: Cảnh Kỳ

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dự kiến khởi công năm 2022. Ảnh: Cảnh Kỳ

Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo thành phố Cần Thơ và Bộ GTVT chiều 11/12, đại diện Sở GTVT Cần Thơ cho biết, tháng 8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 59 (Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 – PV), trong đó yêu cầu Cần Thơ phải phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng, là đầu mối quan trọng về GTVT nội vùng và liên vận quốc tế.

Để triển khai nhiệm vụ này, UBND thành phố Cần Thơ kiến nghị Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ đầu tư và hoàn thành đưa vào khai thác trong giai đoạn 2021-2025 đối với các dự án đường cao tốc trọng điểm kết nối vùng qua địa bàn Cần Thơ như đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT để sớm triển khai đầu tư và hoàn thành các dự án như nâng cấp Quốc lộ (QL) Nam Sông Hậu (đoạn từ ngã năm cầu Cần Thơ đến cảng Cái Cui); tuyến tránh thành phố Long Xuyên (đoạn Thốt Nốt - Lộ Tẻ); nâng cấp, mở rộng QL91 (đoạn Km0 - Km7)…

Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ GTVT ủng hộ và đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương giao Cần Thơ làm chủ đầu tư thực hiện dự án mở rộng tuyến QL61C (đường nối Vị Thanh - Cần Thơ) đối với đoạn qua địa phận Cần Thơ với chiều dài 10,2km, quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến là 978 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, sớm thi công hoàn thành giai đoạn 2 dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu (kênh Quan Chánh Bố) trong giai đoạn 2021-2025 để đáp ứng cho tàu có tải trọng đến 20.000 tấn vào các cảng của Cần Thơ…

Nói về dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, hiện Bộ GTVT đã hoàn thiện công tác đấu thầu và chi 900 tỷ đồng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và đã có khoảng 20km mặt bằng sạch. Khoảng 5km còn lại do vướng nhiều nhà cửa của dân, cần thêm khoảng 500 tỷ đồng, Bộ GTVT chủ trương sẽ phối hợp với tỉnh Vĩnh Long bố trí vốn hoàn thành GPMB trên toàn tuyến vào đầu năm 2021.

Với hai tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cần Thơ - Cà Mau, Bộ trưởng GTVT cho biết, trong nhiệm kỳ tới sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét, phê duyệt GPMB toàn bộ từ Châu Đốc đến Sóc Trăng và từ Cần Thơ đến Cà Mau.

Định hướng trước mắt của Bộ GTVT là xây dựng một đơn nguyên để thông xe giai đoạn 1 chỉ dành cho xe ô tô, phần mặt bằng còn lại sẽ lập hàng rào bảo vệ, phấn đấu khởi công vào năm 2022. Đơn nguyên thứ 2 sẽ sắp xếp vào các giai đoạn tiếp theo.

Đối với QL91 đoạn Km0-Km7, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự án này có khó khăn nhất định do chi phí GPMB lớn gấp 2-3 lần chi phí xây lắp. Năm 2008, Bộ GTVT đã có quyết định chuyển tuyến này thành đường đô thị và chuyển cho Cần Thơ khai thác, đầu tư.

Như Tiền phong đã phản ánh, đoạn 7km này sau nhiều năm ‘bị treo’, tháng 11 vừa qua, UBND thành Cần Thơ đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục triển khai dự án, giao Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ GTVT đưa dự án này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện…

Với giai đoạn 2 dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết đã đề nghị Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với hơn 1.500 tỷ đồng…

Cảnh Kỳ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/can-tho-kien-nghi-bo-gtvt-day-nhanh-nhieu-dai-du-an-tren-dia-ban-1763242.tpo